LTS: Xung quanh câu chuyện không cho giáo viên ghi âm, ghi hình cuộc họp ở Đà Nẵng, từ thực tế công tác, cô giáo Cát Tường gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thể hiện quan điểm của một người trong cuộc về những nội quy "bất thành văn" ở các cơ sở giáo dục hiện nay.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu chuyện không cho giáo viên ghi âm, ghi hình cuộc họp ở một trường tiểu học Đà Nẵng có thể gây bất ngờ cho nhiều người nhưng với giáo viên thì không.
Ai trong ngành chẳng hiểu cái gọi là “quy ước nội bộ” luôn được nhắc nhở trên các cuộc họp để giáo viên nắm và thực hiện một cách tuyệt đối.
Chuyện ghi âm, ghi hình có thể xem là “chuyện lớn” đấy bạn.
Giáo viên nhiều nơi còn được hiệu trưởng căn dặn đủ điều, ai vi phạm sẽ bị xếp vào danh sách vi phạm nội quy, quy ước nội bộ khi bình xét thi đua.
Vướng vào danh sách này, mọi danh hiệu thi đua của cá nhân đều bị tước, mọi nỗ lực, cố gắng trong năm đều bằng không.
Giáo viên phải chấp nhận tuân theo những "quy ước nội bộ" một cách tuyệt đối. (Ảnh minh hoạ trên Giaoduc.net.vn) |
Những điều cấm giáo viên
Có thể liệt kê một số điều cấm điển hình như:
“Chuyện trong các cuộc họp hội đồng của trường thầy cô tuyệt đối không thông tin ra bên ngoài;
Không chia sẻ, không bấm like bài viết phản ánh tiêu cực trong giáo dục (dù được đăng ở báo chính thống);
Không đưa thông tin bất lợi về trường học (dù điều đó đúng);
Không được phép trả lời báo chí khi chưa có lệnh của hiệu trưởng;
Không được viết bài, hay cung cấp thông tin về trường học kể cả về (học sinh, giáo viên) mặc dù thông tin tốt…”.
Không chỉ cấm “giao lưu” với truyền thông mà còn cấm thông tin giữa trường này với trường khác trong cùng một địa bàn.
Vì sao lại cấm?
Nói về chuyện cấm đưa thông tin ra ngoài, có người cho rằng làm không tốt mới sợ nhưng thực tế kể cả trường làm tốt cũng vẫn sợ như thường.
Nguyên nhân sâu xa đã được một vài hiệu trưởng tiết lộ:
“Nhiều người biết lại rắc rối ra, khi những việc làm tốt ấy không thật sự là tốt mà chỉ là cái tốt về hình thức của căn bệnh thành tích mà thôi”.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nhiều chỉ đạo của cấp trên ở ngành giáo dục địa phương không dùng văn bản mà thường chỉ đạo miệng buộc cấp dưới phải phục tùng.
Đây là những điều giáo viên không được làm ở nhà trường |
Một giáo viên ở Đà Nẵng đã bóc mẽ chuyện này:
“Việc ghi âm lại nội dung các cuộc họp cũng là cách để lưu giữ bằng chứng.
Bởi có những quyết định, những mệnh lệnh của hiệu trưởng có khi chỉ nói bằng miệng, không được chép vào văn bản nên có chuyện xảy ra họ dễ dàng chối bỏ trách nhiệm”.
Những chuyện được cấp trên chỉ đạo miệng có thể kể đến như:
Việc buộc giáo viên kêu gọi phụ huynh ủng hộ tình nguyện các khoản thu đầu năm; buộc học sinh phải lên lớp dù lực học rất yếu;
Chuyện ép giáo viên thu đủ các khoản tiền trường đặc biệt là hai loại tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn;
Hay chuyện hạ thi đua giáo viên chủ nhiệm khi có học sinh bỏ học, lưu ban…
Chỉ đạo chuyên môn kiểu “đóng cửa bảo nhau”
“Mỗi trường có một đặc thù riêng nên không thể lấy trường này so sánh với trường kia”.
Đó là câu nói mà nhiều Ban giám hiệu hay sử dụng để nhắc nhở giáo viên nhất.
Thế nên dù trường bạn có nhiều việc làm tiến bộ, nhiều biện pháp giảng dạy và giáo dục học sinh hay, hiệu quả thì giáo viên cũng không được học theo để áp dụng trừ khi chính Ban giám hiệu ấy tiếp thu đưa về phổ biến.
“Môi trường giáo dục cần công khai, minh bạch, sao lại cấm ghi âm, ghi hình” |
Học tập trường bạn còn cấm nói gì đến việc tự học trong sách vở và trên các diễn đàn giáo dục.
Giáo viên chỉ được phép “trung thành” với chuyên môn nhà trường đã phổ biến.
Nếu có sự thay đổi, sự điều chỉnh cũng phải từ cấp trên đưa xuống.
Giáo viên phải nhất nhất thực hiện theo tinh thần của các thông tư, các công văn chỉ đạo của ngành dù sự chỉ đạo ấy đang gây bất an cho xã hội.
Thầy cô phải tuyệt đối không phản ứng, không phê bình, không “ý kiến ý cò”.
Vì như thế là đi ngược với chủ trương đường lối chỉ đạo của ngành, là “vạch áo cho người xem lưng”, là “ăn cháo đá bát” là không biết “ăn cây nào rào cây ấy”.
Họ lý giải “Ngành đang nuôi sống thầy (cô) nên phải biết bảo vệ và phục tùng. Chuyện của các thầy cô là dạy cho tốt, còn những việc lớn hơn như thế đã có cấp trên lo”.
Với kiểu chỉ đạo như trên, kiểu kiểm soát và xử lý giáo viên như thế thì giáo dục muốn chuyển mình cũng khó lắm thay!