Việc tồn tại sân golf, biệt thự, nhà hàng trên đất do Bộ Quốc phòng quản lý ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt giữa bối cảnh sân bay này đang ngày càng quá tải cần đất để mở rộng, nâng cấp từ lâu khiến dư luận bức xúc và trở thành hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến quân đội.
Trước thực tế này tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vào ngày 12/7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu”.
Việc tồn tại sân golf, biệt thự, nhà hàng trên đất do Bộ Quốc phòng quản lý ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất gây bức xúc - ảnh: Phương Linh (hình ảnh một góc sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất) |
Dư luận xã hội ủng hộ
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, trong những năm qua, Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng nghìn hecta đất quốc phòng cho địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2004 – 2017, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 177,3 hecta đất cho thành phố phát triển kinh tế xã hội.
Riêng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong 10 năm qua (từ năm 2007 – 2017), Bộ Quốc phòng đã 4 lần điều chỉnh quy hoạch và bàn giao 98,7 hecta đất cho Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng đường lăn, sân đỗ…
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, Bộ Quốc phòng cũng đã thống nhất sẽ bàn giao 14 hecta cho Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng đường băng, sân ga ở phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: "Bộ Quốc phòng sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu" - ảnh nguồn: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh |
Ngay từ đầu năm 2017, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng nhà hàng, biệt thự… trong hai sân golf Long Biên (Thành phố Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).
"Bộ Quốc phòng sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu", ông Lịch khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng đề nghị việc thu hồi phải đúng quy định pháp luật, theo quy hoạch của Chính phủ. Đồng thời không để ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp đầu tư ở sân golf.
Trước thông tin người đứng đầu Bộ Quốc phòng khẳng định sẽ sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh (Hascon cho biết: “Thực sự tôi rất vui khi nghe thông tin này, bởi vấn đề ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất từ lâu đã trở thành vấn đề nóng không chỉ của ngành hàng không mà của cả Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước”.
Chủ tịch Hội tư vấn Hascon cho rằng, quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng trầm trọng vì thế yêu cầu cấp bách phải cải tạo nâng cấp sân bay này. Diện tích đất cũng như vị trí phù hợp để nâng cấp cải tạo chính là khu vực sân golf. Vấn đề này được rất nhiều chuyên gia hàng không, nhà khoa học đưa ra.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON - ảnh nguồn Báo Điện tử Tầm Nhìn. |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc sau một thời gian dài tranh luận câu chuyện nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì đến thời điểm này ai cũng thấy rõ:
Thứ nhất, phải mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đạt năng suất tối đa nhất có thể.
Thứ hai, đất trong sân bay chỉ phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng hoặc trả lại cho nhà nước để mở rộng sân bay. Việc tồn tại sân golf cũng như nhà hàng, biệt thự trong sân bay là khó coi.
Thứ ba, việc nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với tiêu chí tăng năng suất hết mức thì sớm hay muộn cũng phải sử dụng diện tích đất sân golf hiện nay để xây dựng thêm nhà ga, điểm đỗ tàu bay cũng như đường lăn.
“Với những điểm như trên rõ ràng việc Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu là hợp với lòng dân và sẽ được dư luận ủng hộ”, Tiến sĩ Phúc đánh giá.
Sẵn sàng mọi phương án
Chung quan điểm trên, Trung tá Lê Trọng Sành - Nguyên Cục phó cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân, nguyên Trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, rất vui khi biết người đứng đầu Bộ Quốc phòng khẳng định sẵn sàng thu hồi đất sân golf khi Chính phủ yêu cầu.
Điều đó cho thấy sự lắng nghe và cái nhìn chiến lược trong nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
"Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất xuống phía Nam vừa lãng phí vừa gây tắc đường" |
Trung tá Lê Trọng Sành cho rằng vấn đề quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra ngày càng nghiêm trọng và vấn đề nâng cấp, mở rộng đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Do đó, Bộ Quốc phòng khẳng định sẵn sàng thu hồi đất sân golf khi Chính phủ yêu cầu là tốt rồi nhưng cần phải chuẩn bị phương án như cải tạo đất sân golf trả lại mặt bằng phục vụ xây dựng…
Khi có sẵn các phương án chỉ cần Chính phủ cần Bộ Quốc phòng có thể nhanh chóng triển khai giải tỏa để phục vụ việc xây dựng.
Cũng đề nghị sớm có phương án chi tiết mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho rằng thu hồi sân golf cần đưa ra bàn tính một cách nghiêm túc, khoa học.
Khi Bộ Quốc phòng sẵn sàng thu hồi sân golf cần tính toán lại phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bởi trước đó Bộ Giao thông vận tải cũng như Cục Hàng không Việt Nam đưa ra quan điểm mở rộng phía Nam sân bay nơi gần nhà ga T1, T2.
Theo Tiến sĩ Phúc không nên mở rộng sân bay về phía Nam khi phía Bắc diện tích đất sân golf đã được giải tỏa bởi chỉ cần chuyển đất ở dự án sân golf kết hợp với diện tích đất còn trống trong sân bay Tân Sơn Nhất có thể mở rộng nhà ga, bãi đỗ với đủ năng lực phục vụ 56 triệu hành khách/năm.
Để nâng cao năng lực vận chuyển tại sân bay Tân Sơn Nhất cần hai giai đoạn: Giai đoạn 1, muốn nâng năng lực vận chuyển hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất từ 25 triệu hành khách/năm hiện nay lên 56 triệu hành khách sân bay Tân Sơn Nhất cần xây dựng thêm 3 nhà ga.
Diện tích để xây dựng 3 nhà ga mới lấy từ vùng đất sân golf rộng 157 ha và 38 ha đất trống trong khuôn viên sân bay, vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn này dưới 2 tỉ USD.
Giai đoạn 2, khi lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất vượt quá 56 triệu hành khách/năm, có thể nâng năng lực vận chuyển Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách/năm bằng việc di dời các đơn vị quân đội và các xí nghiệp thuê đất khỏi khu vực Tân Sơn Nhất để có thể xây thêm nhà ga và đường băng mới.