Ngày 19/10/2018, Liên hoan các doanh nghiệp trong ngành du lịch (The Guide Awards) lần thứ 19 đã được ấn phẩm Vietnam Economic Times & The Guide thuộc Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số trong phát triển du lịch/ Tourism & Digital Transformation”.
Tham sự chương trình có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Lãnh đạo Tổng Cục Du lịch và các Cục, Vụ chức năng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
Các tổ chức quốc tế, hiệp hội du lịch, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong chuỗi giá trị du lịch.
Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam phát biểu tại sự kiện |
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang hiện hữu và tác động mạnh mẽ trong đời sống xã hội của con người trên toàn thế giới, ở hầu hết các ngành nghề và đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Đã có những ý kiến quan ngại và cho rằng, do bản chất của du lịch là sự trải nghiệm dịch vụ trực tiếp của du khách, do đó, ít có sự tác động của công nghệ, hoặc ứng dụng công nghệ sẽ làm giảm những cảm xúc chạm điểm đến và trải nghiệm tại điểm đến của du khách.
Tuy nhiên, thực tế chúng ta thấy, công nghệ 4.0 đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị du lịch, và dường như đang tạo hứng khởi mạnh mẽ hơn cho du khách.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2017 của Q & Me, một dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam, có tới 88% người Việt tra cứu thông tin du lịch qua mạng, trong đó có tới 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch.
Còn theo Google Trends, tần suất tìm từ khóa "du lịch" tăng 3 lần trong 5 năm gần đây. Các thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm nhiều liên quan đến kinh nghiệm đi du lịch, địa điểm, nhà hàng và khách sạn...
Trong báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 được Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố cũng cho biết, kênh đặt phòng qua internet, được hiểu là thông qua các trang đặt phòng trực tuyến (OTAs) như booking.com, vntrip.vn hay agoda.com… hiện chiếm 20,7% trong cơ cấu các kênh đặt phòng.
Trong khi đó, từ phía các khách sạn, họ đã chủ động hơn trong việc thu hút khách và qua đó đã tăng được tỷ lệ khách đặt phòng trực tiếp lên trong thời gian qua.
Các khách sạn 4 và 5 sao ở Việt Nam cũng bày tỏ sự sẵn sàng khi có tới 67,3% người được hỏi cho biết đã áp dụng công nghệ để tạo ra sự khác biệt, tăng tính cạnh tranh.
Có thể nói OTAs là những đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào chuỗi giá trị du lịch trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.
Bởi du lịch là một ngành kinh tế có tính hội nhập và toàn cầu cao, do đó, xu hướng phát triển này được xem là tất yếu.
Tuy nhiên, các OTAs của Việt Nam hiện nay được đánh giá chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, còn lại 80% thị phần thuộc về các OTA nước ngoài. Vậy làm thế nào để tăng năng lực canh tranh của các OTAs Việt?
Đặt ra mối quan tâm hàng đầu về phát triển du lịch trong kỷ nguyên kỹ thuật số, "du lịch thông minh" hưởng ứng Ngày du lịch thế giới 2018 với chủ đề "Du lịch và chuyển đổi kỹ thuật số", Thời báo Kinh tế Việt Nam và ấn phẩm The Guide tổ chức Tọa đàm "Chuyển đổi số trong phát triển du lịch" như là một điểm nhấn trong chuỗi các sự kiện The Guide Awards 2018.
Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ của Chương trình The Guide Awards 2018.
“Công nghệ đang ảnh hưởng tới thói quen du lịch, hay nói chính xác hơn, đang làm ‘thay đổi’ thói quen của du khách.”
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch |
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch đánh giá: “Rõ ràng, ứng dụng công nghệ 4.0 là cơ hội giúp ngành du lịch Việt Nam tạo ra những bước đột phá, để có thể đạt được mục tiêu đứng đầu về du lịch trong khu vực Đông Nam Á mà Chính phủ đã đặt ra”.
Chương trình The Guide Awards được tổ chức nhằm phát huy sức mạnh và vai trò của một cơ quan báo chí, tăng cường kết nối giữa những người làm du lịch, nghiên cứu du lịch, các nhà hoạch định chính sách và quản lý, phát triển du lịch.
Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, “những vấn đề nóng bỏng, cần quan tâm của ngành du lịch được đặt ra và các doanh nghiệp du lịch, nhà quản lý du lịch và nhà hoạch định chiến lược du lịch sẽ có cơ hội ngồi lại với nhau để trao đổi, cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành ‘công nghiệp’ không khói này.”
Như mọi năm, The Guide Awards lần thứ 19 sẽ giới thiệu những thương hiệu, dịch vụ du lịch điển hình, tiêu biểu và ấn tượng do độc giả của The Guide - Ấn phẩm hàng đầu dành cho du khách đến Việt Nam, thuộc nhóm các ấn phẩm của Thời báo Kinh tế Việt Nam - bình chọn.
The Guide Awards năm nay được xét và vinh danh 110 thương hiệu thuộc 4 nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch gồm:
Khách sạn và Căn hộ dịch vụ (Hotels & Serviced Apartments), Khu nghỉ dưỡng (Resorts), Nhà hàng và Dịch vụ (Restaurants & Services),Đại lý Lữ hành và Vận chuyển du lịch (Tours & Transportation).
Căn cứ giữa kết quả bình chọn, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã quyết định lựa chọn 110 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở du lịch và dịch vụ du lịch đạt The Guide Award lần thứ 19, trong đó bao gồm:
36 khách sạn; 2 đơn vị làm dịch vụ căn hộ cho thuê; 31 khu nghỉ dưỡng từ 4 tới 5 sao; 16 nhà hàng và dịch vụ, 20 công ty lữ hành và vận chuyển du lịch và 5 đơn vị đạt Giải thưởng Đặc biệt của The Guide Awards năm 2018 là Vietnam Airlines JSC, Khu nghỉ dưỡng Arezai Cần Thơ, Du thuyền Paradise Cruises, Cầu vàng Đà Nẵng (The Golden Bridge) và nhà hàng Pháp The Clover at Ngoc Thuy.
Trong đó, đạt Giải thưởng Sen Xanh là 10 khu nghỉ dưỡng hàng đầu: An Lam Retreats Ninh Van Bay, Anantara Quy Nhon Villas, Emeralda Ninh Binh Resort, Flamingo Dai Lai Resort, Furama Resort Danang, KOI Resort & Spa Hoi An, MerPele Hon Tam Resort, Nam Nghi Phu Quoc Island, Silk Sense Hội An River Resort và chuỗi các khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Resorts & Villas.
Top 5 khách sạn tiêu biểu Việt Nam được vinh danh năm 2018 bao gồm: Four Points by Sheraton Danang, JW Marriott Hanoi, Lotte Hotel Hanoi, The Reverie Saigon Hotel và Lotte Legend Saigon.
Tiêu chí lựa chọn các đơn vị này bao gồm:
- Chất lượng sản phẩm thông qua đánh giá hạ tầng cơ sở vật chất phù hợp với tiêu chuẩn công bố (Đối với khách sạn, khu nghỉ dưỡng và căn hộ cho thuê), đánh giá hạ tầng cơ sở, chất lượng sản phẩm đưa vào phục vụ đối với các lĩnh vực khác
- Chất lượng dịch vụ thông qua đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên, dịch vụ chăm sóc khách hàng.
- Chất lượng môi trường xanh, sạch, đẹp
- Những giá trị nổi trội khác tạo nên sức cuốn hút đặc biệt từ thiết kế, phát huy bản sắc dân tộc hoặc có sự giao lưu giới thiệu văn hóa độc đáo của các nước, khai thác hiệu quả lợi thế địa lý, góp phần gìn giữ và xây dựng cảnh quan thiên nhiên…
- Có những đóng góp tích cực cho địa phương nói riêng và cho ngành du lịch nói chung thông qua kết quả hoạt động kinh doanh, trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Hoạt động bên lề trong chuỗi các sự kiện The Guide Awards 2018 còn có chương trình “Trải nghiệm thực tế ảo” giúp khám phá điểm đến du lịch thông qua màn hình tương tác công nghệ 4.0 do nhóm kỹ thuật ADT Group trực tiếp hướng dẫn.
Trong khuôn khổ của chương trình The Guide Award 2018, một số hoạt động bên lề cũng được tổ chức, gồm:
- Tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu, quảng bá hình ảnh thành tựu phát triển du lịch và trải nghiệm thực tế ảo các điểm đến du lịch bằng công nghệ 4.0;
- Thực hiện chuyên đề đặc biệt trên ấn phẩm tiếng Anh Vietnam Economic Times và ấn phẩm The Guide, phát hành rộng rãi trên toàn quốc và một số cơ quan đại sứ quán tại nước ngoài;
- Thực hiện và phát hành rộng rãi Chuyên san The Guide Almanac 2018
- Tổ chức Tọa đàm về chủ đề Chuyển đổi số trong phát triển du lịch.