Từ thất bại ở Olympic: Chính phủ có biết đầu tư cho thể thao?

09/08/2012 11:10
Trần Long
(GDVN) - Việc Quốc Toàn và Hoàng Xuân Vinh hụt ăn huy chương không thể che giấu sự thực mà ai cũng thấy, đó là đầu tư cho Olympic của Việt Nam quá kém.
Chuyện Trung Quốc đầu tư cho Olympic bằng cách bắt buộc trẻ em đi tập thể thao ở những trung tâm có hệ thống kỷ luật quá khắt khe không phải là điều mới. Nó đúng là góp phần lớn trong việc đoàn thể thao nước này luôn có một trong những vị trí dẫn đầu ở các kỳ Thế vận hội gần đây, nhưng cũng đồng thời khiến không ít VĐV Trung Quốc phản đối và thậm chí rũ bỏ nền thể thao đã đào tạo ra mình.
Lý do thì nhiều, vì vấn đề kỷ luật, vì sự cô lập với xã hội bên ngoài mà các VĐV phải hứng chịu, vì thiếu những kỹ năng giao tiếp, và gần như không có cơ hội việc làm sau khi kết thúc sự nghiệp. 
Người Mỹ thì khác. Hầu hết các vận động viên đều có thể có tấm bằng đại học trước khi bước lên chuyên nghiệp, trong đó có cơ chế mở cho phép các VĐV được lấy học bổng thể thao và vẫn có thể được rời trường để chuyển sang chơi chuyên nghiệp nếu không muốn đi sâu trong con đường học hành.
Tất cả là nhờ nền thể thao đại học mà Mỹ đang sở hữu.

Thể thao đại học Mỹ: Dùng trường học đào tạo vận động viên

Nếu như hình thái đào tạo thể thao kiểu ép buộc của Trung Quốc chỉ bắt đầu xuất hiện trong thập niên 1980 thì nền thể thao đại học của Mỹ đã có từ thế kỷ XIX, khi 2 trường danh tiếng là Yale và Harvard tạo dựng những CLB thể thao đầu tiên dành cho sinh viên.
Sức ảnh hưởng của nền thể thao đại học tại Mỹ là vô cùng to lớn, nếu không muốn nói là hình thành nên một phần khuôn mặt của giáo dục đại học ở Mỹ. Về văn hóa, các trường đại học có điều kiện gây danh tiếng cho mình thông qua thành công ở các giải thể thao, mà ở các giải này lịch sử thể thao của một trường đại học không quá quan trọng. 
Còn về kinh tế? Nó thôi thúc những cựu sinh viên đóng góp tài chính để ngôi trường cũ có thể thi đấu thành công, và sau này thậm chí các đội thể thao đại học còn được duy trì như những CLB chuyên nghiệp, cũng bán vé vào xem các trận đấu và kinh doanh các loại hàng hóa liên quan.
VĐV đấu kiếm Mariel Zagunis - người cầm cờ cho đoàn Mỹ - là cựu sinh viên nhân chủng học của trường đại học Notre Dame
VĐV đấu kiếm Mariel Zagunis - người cầm cờ cho đoàn Mỹ - là cựu sinh viên nhân chủng học của trường đại học Notre Dame
Sự đi lên ngày càng lớn về danh tiếng của các trường đại học ở Mỹ về mặt thể thao khiến các CLB nhanh chóng tự hình thành mô hình kinh doanh của riêng mình, thậm chí họ còn sở hữu những hợp đồng bản quyền phát sóng các trận đấu chẳng thua kém gì những đội bóng đá chuyên nghiệp nổi tiếng ở châu Âu như Barcelona hay Manchester United. Có tiền, các trường lại đổ tiền vào việc xây dựng cơ sở vật chất giáo dục.

Nhờ có thể thao, các trường đại học ở Mỹ tự phát triển, và họ đứng tách biệt hoàn toàn so với nền đại học ở gần như khắp nơi trên thế giới, với phần lớn các trường đại học dùng ngân sách của nhà nước (tất nhiên, trong đó có Việt Nam). Rất nhiều học sinh trung học đã được các trường này cấp học bổng để đến với các đội thể thao của họ, mà ở đó các sinh viên có điều kiện tiếp thu nền giáo dục tiên tiến. Bạn biết Tiger Woods là tay golf hàng đầu thế giới, nhưng bạn có biết Woods là cựu sinh viên chuyên ngành kinh tế của đại học Stanford?

Người ta thậm chí đã thống kê rằng chỉ riêng các VĐV Mỹ đến từ trường đại học bang California (UCLA) cũng đã đoạt tới 15 huy chương ở Olympic Bắc Kinh 2008, trong đó có 4 Vàng, 9 Bạc và 2 Đồng. Nếu UCLA là một quốc gia riêng, họ đã đứng thứ 17 trên bảng tổng sắp huy chương ở Bắc Kinh. 
Các trận bóng bầu dục ở Mỹ thu hút lượng người xem đông đảo không kém gì bóng đá ở châu Âu
Các trận bóng bầu dục ở Mỹ thu hút lượng người xem đông đảo không kém gì bóng đá ở châu Âu
Nhìn vào UCLA thì thấy kết quả đó chẳng ngạc nhiên: họ có 12 đội thể thao (thậm chí có cả đội golf), sở hữu SVĐ Rose Bowl có sức chứa 94.000 chỗ ngồi cho đội bóng bầu dục, một trung tâm tennis nằm trong khuôn viên trường với sức chứa 5.800 chỗ ngồi và thậm chí là một khu thể thao dưới nước có sức chứa 2.500 chỗ ngồi.
Với người Mỹ, họ chẳng cần phải dùng đòn roi để đào tạo các VĐV. Họ dùng các trường học để tìm ra những con người thể thao xuất sắc nhất. Và thậm chí chính phủ Mỹ còn chẳng cần lập ra bất cứ tổ chức hay bộ, ban ngành nào để giám sát các hoạt động thể thao, đỡ cồng kềnh nội các mà vừa nhẹ bớt tiền thuế của dân.
Chuyện rowing Việt Nam
Cặp đôi Phạm Thị Thảo & Phạm Thị Hài đại diện cho rowing Việt Nam ở London 2012. Nếu như chúng ta đã biết họ phải tập luyện ở Hồ Tây, Hà Nội trong điều kiện thuyền thiếu, đôi khi phải tự tìm thuyền, thì thực ra vẫn còn nhiều điều đáng bàn về quá trình chuẩn bị của họ cho Olympic.
Phải tới tận khi họ có được tấm vé dự Rowing ở Olympic bằng “cửa chính” khi đạt thành tích 7 phút 18 giây 72 (huy chương Đồng) ở giải vô địch châu Á diễn ra tháng 4/2012, Tổng cục thể dục thể thao mới đầu tư cho cặp Thảo – Hài những trang bị và mái chèo mới được nhập từ nước ngoài. Còn trước đó, họ tập luyện và thi đấu bằng những trang bị được mua từ SEA Games 22 (2003).
Và để có được những trang bị mới ấy cũng là một sự may mắn cho 2 nữ VĐV này, đó là nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia người Australia, Joseph Donelly. Ông Donelly đã tự nguyện giúp đỡ đội tuyển rowing Việt Nam khi đến Hà Nội năm 2010 trong một chuyến du lịch. Nhờ có ông Donelly mà tuyển rowing Việt Nam đạt được 2 huy chương Bạc Asiad, cộng thêm vé đi Olympic London nữa.
Cặp đôi Thảo - Hài trải qua đủ sự khó khăn để tới được Olympic London
Cặp đôi Thảo - Hài trải qua đủ sự khó khăn để tới được Olympic London
Điều kiện tập luyện cũng gây khó dễ ít nhiều cho Thảo & Hài. Tập luyện ở Hồ Tây là hồ tự nhiên, khi sang London họ lại phải mất thời gian làm quen với hồ nhân tạo (mặt nước lặng hơn, ít gió). Việc thi đấu với loại thuyền và trang bị hiện đại hơn hóa ra lại càng khiến hai người lúng túng, vì họ đã quen với những trang bị cũ và những chiếc thuyền phi tiêu chuẩn.
Cần nói thêm về Phạm Thị Hài. Cô gái sinh năm 1989 ở Đan Phượng (Hà Nội) này đã từng nói rằng cô sẽ không làm huấn luyện viên, thậm chí không dính dáng gì tới thể thao chuyên nghiệp nữa sau khi giải nghệ. Cô sẽ đi học đại học để trở thành giáo viên thể dục, dù cô cũng tự biết rằng nghề đó thu nhập thấp và có thể cô phải kinh doanh đồ thể thao để kiếm sống.

Ban ngành nhiều, ích gì?

Đoàn Việt Nam có 56 người tới London thì trong đó chỉ 18 người là VĐV, số còn lại là đủ các loại quan chức và trợ lý. Sự thật này vừa buồn cười mà cũng vừa đáng buồn.
Ông Greg Wilson, một cố vấn người Australia cho Ủy ban Olympic Indonesia, đã trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AFP rằng Olympic trong suy nghĩ của nhiều nhà chức trách thể thao ở Đông Nam Á đồng nghĩa với một sân chơi xa vời, các cơ quan phụ trách thể thao cũng không mạnh tay đầu tư đúng mực vào các khu tập luyện nhằm đào tạo ra thế hệ vận động viên đỉnh cao. 
“Một lượng lớn vận động viên Đông Nam Á vì thế không mặn mà gì mấy với Olympic, thậm chí ngay cả khi giải đấu đã gần kề. Họ nghĩ rằng khó có cơ hội vượt qua vòng loại Olympic, do đó chỉ tập trung vào các giải đấu có quy mô nhỏ như vô địch quốc gia hay SEA Games”, ông Wilson cho biết.
Có phải chúng ta tốn nhiều cơm nuôi quan chức đi theo đoàn hơn là nuôi các VĐV?
Có phải chúng ta tốn nhiều cơm nuôi quan chức đi theo đoàn hơn là nuôi các VĐV?
Vậy chúng ta tự hỏi liệu những quan chức đi theo đoàn tới Olympic, liệu họ có thực sự tin rằng đoàn Việt Nam có thể có huy chương nên tới đó để cổ động và giúp đỡ các VĐV, hay chỉ đi cho có đủ chỉ tiêu, hay thậm chí đi vì những động cơ cá nhân?
Câu hỏi đó không thể trả lời được, nhưng việc quan thì nhiều mà quân thì ít ở đoàn Olympic cũng như một hình ảnh, phản ánh thực tế rằng ở Việt Nam ban ngành thì nhiều mà cả nền thể thao vẫn chưa làm được cái gì to tát ở Olympic hay Asiad.
Mà nếu đúng như những gì ông Wilson nhận định, thì chúng ta thực sự phải có cái nhìn nghiêm túc về hiệu quả mà các tổ chức nhà nước đã làm cho thể thao nước nhà.

Có nên để chính phủ làm thể thao?

Tôi biết rằng đây là một câu hỏi khá nhạy cảm, nhưng ngay cả sự nhạy cảm ấy cũng đến từ thực tế rằng chúng ta quá quen với hình thái tổ chức thể thao thuộc sự quản lý của chính phủ, đến nỗi việc đề xuất phá bỏ một cái gì đó đã tồn tại từ lâu sẽ dễ bị coi là “khác người”.
Nhưng có một điều chúng ta cần phải nhìn ra: khi bạn ngước lên màn hình và thấy một vận động viên của nước nhà giành huy chương Olympic, bạn sẽ nói ngay đó là một kỳ tích. Mà kỳ tích hiếm lắm nên đạt được huy chương cũng là điều hiếm gặp, nó chỉ đến khi con người vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đạt được thành công. Nền thể thao Việt Nam chính là cái hoàn cảnh khó khăn ấy.
Thế cho nên có người mới nói rằng, 2 huy chương Bạc Olympic của Trần Hiếu Ngân và Hoàng Anh Tuấn đến từ tài năng, may mắn và phong độ đúng lúc, không phải do đầu tư.
Đoàn Việt Nam không được coi là ứng viên tranh huy chương ở gần như mọi bộ môn, vậy chúng ta trách móc điều gì ở Quốc Toàn khi anh thất bại?
Đoàn Việt Nam không được coi là ứng viên tranh huy chương ở gần như mọi bộ môn, vậy chúng ta trách móc điều gì ở Quốc Toàn khi anh thất bại?
Chính phủ với ngân sách hạn hẹp và cách đầu tư dàn trải như hiện tại (điển hình chính là trường hợp của rowing nói trên - không được kỳ vọng và đầu tư nhiều nhưng lại có vé dự Olympic) thì khó mà trông chờ gì Việt Nam sẽ có nhiều huy chương ở các Thế vận hội hay thậm chí Asiad. Còn nếu lấy mục tiêu SEA Games làm trọng điểm năm này qua năm khác thì đó chẳng khác gì một bước lùi lớn, khi chúng ta bỏ công sức vào một giải đấu cấp khu vực mà cách tổ chức của nó cũng đủ chứng minh tính “vùng trũng” của thể thao Đông Nam Á.
Từ tình hình đó, không chỉ thành tích của các đoàn thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng mà ngay cả các vận động viên cũng phải sống trong thiếu thốn. Ngoài mức lương và mức trợ cấp khá thấp so với mặt bằng xã hội, họ phải tập luyện với những trang thiết bị cũ, trong những nhà tập đã xuống cấp và bữa ăn hàng ngày thì chẳng đáng kể. Đấy là chưa nói tới cơ hội của họ sau khi chia tay với thể thao (điều mà tôi đã đề cập khi nói tới thể thao Trung Quốc ở đầu bài viết), cái điều không sớm thì muộn sẽ hiện ra trong đầu các VĐV khi họ bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp.
Trong điều kiện mà kinh tế thế giới khó khăn, đồng tiền trong nước thì xuống giá, giá cả thị trường thì cứ ngày ngày tăng dần, tiền lương thì vẫn lên chậm như trực thăng, thì liệu ngân sách nhà nước thu được từ tiền thuế của dân sẽ được bao nhiêu mà phục vụ cho nền thể thao? Mà bao nhiêu phần trăm ngân sách sẽ đến đúng nơi nó cần đến, khi mà như chúng ta đã thấy cái sự phức tạp hành chính, cấp này ban nọ ở Việt Nam?
Từ đó mà suy, nếu như chính phủ không làm thể thao được, thì chẳng thà chuyển sang một mô hình mới, tương tự như các trường đại học ở Mỹ, để làm thể thao thì tốt hơn, dành ngân sách cho những vấn đề mang tầm quốc gia đại sự khác. Còn nếu như chính phủ không làm được mà vẫn cố khư khư giữ cái quyền được quản lý nền thể thao, thì đó hoàn toàn là vì lý do chính trị. 
BẤM XEM ẢNH ĐẸP THỂ THAO
BẤM XEM CLIP HOT THỂ THAO
Điểm nóng
Olympic London 2012 Sao bóng đá đi nghỉ hè
Tây Ban Nha vô địch EURO 2012
Thế giới WAGs Việt
Chuyển nhượng hè 2012
Những hoạt náo viên quyến rũ
Thế giới các nàng WAGs
Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam Bóng đá Việt Nam thập niên 1990
Biếm họa sao bóng đá Video clip hot - Thể thao
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Tin tức FC Barcelona
Tin tức Manchester City
Tin tức Manchester United Tin tức Real Madrid
Tin tức Arsenal FC
Tin tức Chelsea FC
Chuyển nhượng châu Âu 2012
Tin tức Liverpool FC
Công Vinh - Thủy Tiên
Sir Alex Ferguson
Phạm Văn Mách & Cặp đôi hoàn hảo
Tin tức Sông Lam Nghệ An
'Siêu kinh điển' Real Madrid - Barcelona Thị trường chuyển nhượng hè 2012
Trần Long