Theo các chuyên gia, việc SCIC thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp sẽ mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Buông "con gà đẻ trứng vàng"
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Theo đó, việc nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 19 doanh nghiệp tại đề án chiến lược của SCIC sẽ được thực hiện theo lộ trình. SCIC tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp đồng thời thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp.
Trong 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC), Bảo Minh (BMI)...
SCIC tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp đồng thời thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp (ảnh minh họa nguồn: Tạp chí Tài chính). |
Trong số 10 doanh nghiệp này, việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam được quan tâm nhiều nhất. Tính theo thị giá cổ phiếu ngày 13/10, vốn hóa thị trường của 10 doanh nghiệp này khoảng 7 tỷ USD, phần SCIC đang sở hữu có giá trị khoảng gần 3 tỷ USD. Riêng với 45,1% cổ phần sở hữu Vinamilk có giá trị thị trường 2,46 tỷ USD.
Động thái SCIC thoái hết vốn tại Vinamilk cũng như một số doanh nghiệp nhà nước lớn đặt ra câu hỏi lợi ích của nhà nước nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn đang là “con gà đẻ trứng vàng”. Cùng với đó, cũng có những lo ngại việc nhà đầu tư ngoại đổ vốn nắm giữ điều hành hoạt động tại các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
Tuy nhiên trái với lo ngại trên, trao đổi với phóng viên PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học kinh tế (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) khẳng định: SCIC thoái vốn sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới cho các doanh nghiệp, chắc chắn doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn.
“Thống kê của Ban cải cách Chính phủ chỉ rõ, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đều hiệu quả tốt hơn, tuy nhiên hiệu quả đến đâu còn tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh cụ thể”, PGS.TS Bùi Quang Bình nói.
SCIC thoái vốn mở ra cơ hội phát triển mới cho Vinamilk |
Nêu cụ thể trường hợp Vinamilk, PGS.TS Bùi Quang Bình phân tích: Thời điểm Vinamilk tiến hành cổ phần hóa năm 2003, không ít nhà đầu tư cả trong và ngoài nước nguồn nhảy vào thay thế nguồn vốn nhà nước nắm giữ. Với sự phát triển vượt bậc giai đoạn 2004 – 2014, Vinamilk luôn duy trì vị trí số 1 thị trường sữa trong nước, số vốn năm 2014 tăng lên gấp 10 lần 2004…
Đầu tháng 7 vừa qua, Vinamilk đã chi tạm ứng cổ tức 2015 khoảng 4.000 tỷ đồng, trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 40% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, người sở hữu 5 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới. Chỉ riêng tiền mặt, SCIC đã thu về 2.164 tỷ đồng trong đợt này. Năm 2013, số tiền cổ tức thậm chí còn lớn hơn khi đạt 2.597 tỷ đồng.
Những con số thống kê trên khiến nhà đầu tư tiếc nuối nếu không mua được cổ phần tại Vinamilk. Vì vậy quyết định thoái vốn bán lại cổ phần nhà nước đang sở hữu tại Vinamilk sẽ mở ra cơ hội đầu tư lớn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, một cuộc cạnh tranh quyết liệt sẽ diễn ra nhằm sở hữu cổ phần một trong các thương hiệu hàng đầu Việt Nam.
Tuy hấp dẫn nhà đầu tư nhưng theo PGS.TS Bùi Quang Bình, với số vốn chiếm giữ lên đến 2,5 tỷ USD tại Vinamilk, nhà nước không dễ để tìm được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đầu tư.
“Có thể sẽ chia nhỏ số vốn để bán cho từng nhà đầu tư theo nguyên tắc chọn nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng, có công nghệ, am hiểu ngành sữa nhằm đảm bảo Vinamilk tiếp tục phát triển”, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.
Cũng theo PGS.TS Bùi Quang Bình, nên có phương án riêng với nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước muốn thoái vốn. Ví dụ nếu nhà đầu tư A muốn mua lại cổ phần Vinamilk phải chứng minh nguồn vốn, công nghệ, các phương hướng phát triển doanh nghiệp, cam kết đầu tư dài hạn… Điều này tránh việc nhà đầu tư “ăn xổi” mua đi bán lại cổ phần gây lũng đoạn doanh nghiệp.
Sẽ mang lại nguồn lợi lớn hơn
Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp là đúng đắn: “Trước đây, chúng ta sai lầm khi chỉ thoái vốn tại doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, khi đó vốn cổ phần nhà nước vừa khó bán cho nhà đầu tư hoặc bán nhưng với giá rẻ. Nay việc thoái vốn cả doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả như Vinamilk sẽ thu hút nhà đầu tư, tăng vốn cho doanh nghiệp để phát triển”.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, cái lợi của nhà nước trong việc bán và không bán cổ phần ở chỗ với doanh nghiệp phát triển như Vinamilk, nếu giữ nguồn vốn nhà nước được hưởng lợi từ lợi cổ tức hàng năm của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu bán cổ phần cho nhà đầu tư giúp Vinamilk tăng vốn, hoạt động hiệu quả, nhà nước lại thu được nhiều thuế hơn.
“Nền kinh tế đất nước dựa vào nguồn lực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp phát triển tốt trở lại đóng thuế tăng ngân sách cho đất nước. Mục tiêu cuối cùng phải thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp”, TS Phong cho biết.
Về nguyên tắc bán cổ phần, TS Phong cho rằng nên tổ chức đấu giá công khai đảm bảo minh bạch và công bằng với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy, hầu hết các cổ phiếu doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn mà SCIC vừa công bố đều tăng mạnh với thanh khoản đột biến trong phiên 14/10. Nhựa Bình Minh tăng trần, cổ phiếu Vinamilk có lượng giao dịch tăng gần 700% so với phiên trước đó, hay thậm chí tới 1000% như cổ phiếu FPT...
Vì vậy thông tin SCIC thoái vốn khỏi doanh nghiệp trên đang nhận được phản ứng tích cực. Các nhà đầu tư đang chờ lộ trình thoái vốn cụ thể từ SCIC để vào đầu tư.
Cùng với quy định nới room (nâng tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư ngoại có hiệu lực, theo dự báo thị trường Việt Nam sắp đón luồng tiền lớn từ nhà đầu tư ngoại thế chân nhà nước nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp lớn mà SCIC đang có ý định thoái vốn.