Thời báo Hoàn Cầu nói Trung Quốc "cảnh giác, không vui" khi tàu Mỹ đến Việt Nam

08/03/2018 07:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Sự cảnh giác và không vui này của Trung Quốc với chuyến thăm này là không thể tránh khỏi.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/3 có bài xã luận: "Chuyến thăm của USS Carl Vinson tới Việt Nam sẽ ít có kết quả", thậm chí tờ báo này cho rằng Mỹ điều tàu chiến tới Biển Đông là quyền của họ, nhưng chỉ "phí tiền".

Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài xã luận này để giúp quý bạn đọc hiểu thêm về cách nhìn nhận của Trung Quốc với hoạt động bang giao bình thường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ qua cửa sổ Hoàn Cầu thời báo.

"Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã tới Đà Nẵng hôm thứ Hai.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Hoa Kỳ đến Việt Nam kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, tượng trưng cho một sự nâng cấp trong hợp tác quân sự giữa Washington và Hà Nội.

Các phương tiện truyền thông phương Tây đang suy đoán rằng, chuyến thăm này thúc đẩy việc ngăn chặn Trung Quốc.

Tư lệnh Hạm đội 7, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và chỉ huy cụm tàu sân bay USS Carl Vinson bắt tay các quan chức Đà Nẵng ra đón đoàn, ảnh: Navy Times.
Tư lệnh Hạm đội 7, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và chỉ huy cụm tàu sân bay USS Carl Vinson bắt tay các quan chức Đà Nẵng ra đón đoàn, ảnh: Navy Times.

Hà Nội đã cố gắng để tránh không cho công chúng giải thích chuyến viếng thăm này như một tín hiệu gửi đến Trung Quốc, và hy vọng Bắc Kinh có thể coi đây là một sự trao đổi bình thường giữa 2 nước.

Sự cảnh giác và không vui này của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi không nghĩ chuyến đi của USS Carl Vinson đến Việt Nam có thể gây ra những rắc rối trên Biển Đông.

Biển Đông có thể là nơi thích hợp cho việc thể hiện sức mạnh cơ bắp, nhưng chủ yếu là sức mạnh địa chính trị toàn diện hình thành ở đó.

Chuyến viếng thăm Việt Nam của USS Carl Vinson sẽ không làm thay đổi tầm nhìn chiến lược của Hà Nội trong việc phát triển quan hệ đồng thời với Bắc Kinh và Washington.

Tuy nhiên, hợp tác quân sự Mỹ - Việt được nâng cấp nhiều hơn cũng sẽ không khuyến khích Hà Nội hành động như một tiền đồn của Hoa Kỳ để đối đầu với Bắc Kinh.

Hà Nội có thể cân nhắc việc sử dụng mối quan hệ hợp tác với Washington làm đòn bẩy để gây sức ép lên chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng thận trọng khi làm như vậy.

Thủy thủ tàu sân bay USS Carl Vinson thăm hỏi, giao lưu và chơi cùng trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam tại Đà Nẵng, ảnh: KWSN.
Thủy thủ tàu sân bay USS Carl Vinson thăm hỏi, giao lưu và chơi cùng trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam tại Đà Nẵng, ảnh: KWSN.

Tăng cường trao đổi quân sự giữa Washington và Hà Nội sẽ không tạo ra bất kỳ công cụ đặc biệt nào để gây áp lực cho Trung Quốc.

Gây căng thẳng tâm lý sẽ không có tác dụng gì, nếu Trung Quốc bỏ qua nó.

Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn trong ảnh hưởng đến cục diện chung ở Biển Đông.

Nếu cần, Bắc Kinh có khả năng quân sự hóa (bất hợp pháp) quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) chỉ trong 1 đêm, và có khả năng triển khai các tàu chiến, không quân và tên lửa sớm để ngăn chặn các hoạt động của Washington ở Biển Đông.

Biển Đông cũng là một tuyến hàng hải của trao đổi kinh tế. Hoa Kỳ ngày càng trở nên bất lợi trong vấn đề này. 

Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và các nước trong khu vực, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố trước đó, rằng Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Phát triển hòa bình là mục tiêu chung mà các quốc gia trong khu vực theo đuổi.

Tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng, ảnh: Navy Times.
Tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng, ảnh: Navy Times.

Không một quốc gia nào muốn bất ổn về địa chính trị, và khu vực đã dần dần sắp xếp các ý tưởng của mình để giải quyết tranh chấp sau Phán quyết Trọng tài.

Hoa Kỳ có thể tự do điều tàu chiến đến Biển Đông, điều này chỉ lãng phí tiền bạc. Trung Quốc ít quan tâm đến chuyến thăm Việt Nam của USS Carl Vinson hơn là 2 nước Mỹ-Việt."

Chúng tôi nhận thấy, bài xã luận này của Thời báo Hoàn Cầu là một phần của cuộc "dư luận chiến" để "tranh giành Việt Nam" với truyền thông phương Tây.

Kết luận của Thời báo Hoàn Cầu rằng Trung Quốc ít quan tâm đến chuyến thăm Việt Nam của USS Carl Vinson hơn là 2 nước Việt - Mỹ dường như mâu thuẫn với chính lập luận của họ ở phía trên:

Sự cảnh giác và không vui của Trung Quốc với chuyến thăm này là không thể tránh khỏi.

Thời báo Hoàn Cầu nói Trung Quốc "cảnh giác, không vui" khi tàu Mỹ đến Việt Nam ảnh 4

Cụm tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson thăm Việt Nam, phản ứng và bình luận

Chính sách đối ngoại của Việt Nam đã được công bố rõ ràng với thế giới từ lâu, và không có gì thay đổi.

Chính sách ấy được các nước tiến bộ rất chia sẻ, trong đó có Hoa Kỳ. Lập luận của Thời báo Hoàn Cầu càng củng cố sự đúng đắn và đàng hoàng của chính sách đối ngoại ấy.

Còn lời "cảnh báo" hoặc "ngầm đe dọa" mà Thời báo Hoàn Cầu nói ra, rằng Trung Quốc có khả năng quân sự hóa Trường Sa "chỉ sau 1 đêm" chỉ góp thêm 1 bằng chứng cho thấy, cam kết "không quân sự hóa Biển Đông" mà lãnh đạo tối cao của họ nói khi thăm Hoa Kỳ là không thể tin được.

Còn về câu chuyện kinh tế, thị trường Trung Quốc có sức hấp dẫn với cả Hoa Kỳ và các quốc gia còn lại trên thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam.

Có điều, nguyên tắc "không bỏ trứng vào một giỏ" buộc các nước phải luôn luôn đa dạng hóa thị trường và đối tác thương mại, nhất là khi "đối tác thương mại lớn nhất" rất hay sử dụng đòn bẩy thương mại cho các mục tiêu chính trị.

Không riêng gì Việt Nam, ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore hay Philippines...đều gặp phải những rắc rối trong quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc, một khi quan hệ song phương có khó khăn, trục trặc, hoặc Trung Quốc tìm cách thực hiện các mục tiêu có thể đe dọa, xâm hại lợi ích hợp pháp của quốc gia khác.

Vì vậy, cái mà Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc xác định là "đòn bẩy", "thế mạnh" của mình trong quan hệ song phương và sẵn sàng sử dụng chúng cho các mục đích "phi thương mại" bất cứ lúc nào, luôn khiến các đối tác phải cảnh giác.

Nhưng dù sao cũng phải ghi nhận, so với phản ứng của Thời báo Hoàn Cầu trước các hoạt động bang giao Việt - Mỹ trước đây, thì bài xã luận này ít định kiến hơn cả, không có những quy chụp chia rẽ quan hệ bình thường giữa hai nước như trước.

Nguồn:

http://www.globaltimes.cn/content/1092109.shtml

Hồng Thủy