Hội thảo chia sẻ dự án “Thanh niên vì Môi trường”

27/05/2020 21:04
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 27/5/2020, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt tổ chức Hội thảo chia sẻ dự án “Thanh niên vì Môi trường” tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Tây Hồ, Hà Nội).

Hội thảo nhằm chia sẻ về thực trạng vấn đề môi trường hiện nay tại Việt Nam và vai trò của thanh niên trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường.

Ngoài ra, dự án cũng chính thức ra mắt kênh truyền thông của dự án mang tên “Mắt Xanh”, nhóm thành viên nòng cốt của “Mắt Xanh”, và giới thiệu Quỹ sáng kiến “Vì không khí sạch - Thành phố xanh”.

Hội thảo này thuộc dự án “Thanh niên vì Môi trường” – dự án duy nhất tại Việt Nam nhận tài trợ từ Asia Pacific Media Grant 2020 (Earth Journalism Network)[1] và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á.

Tham dự với chương trình có đại diện của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.

Cùng với đó là các bạn trẻ tới từ dự án “Thanh niên vì môi trường - Youth for Environment”, và rất nhiều bạn trẻ khác tâm huyết về vấn đề môi trường và quan tâm tới dự án.

Dự án “Thanh niên vì Môi trường” Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã vượt qua 82 ứng viên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để lọt vào top 13 sáng kiến[2] nhận tài trợ của EJN từ 9 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2020.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019, Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa trên đại dương, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm.

Trong khi đó, nhiều thanh niên Việt Nam chưa thực sự quan tâm và tham gia vào việc giải quyết các thách thức về môi trường.

Cũng đã có những nhóm nhỏ thanh niên đã và đang tích cực vận động cộng đồng cùng chung tay, tuy nhiên, họ vẫn chưa thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ của các bạn trẻ khác cũng như các bên liên quan.

Dự án ra đời sẽ giúp các bạn trẻ xây dựng một kênh truyền thông về các vấn đề môi trường và xây dựng mối quan hệ đối tác, kết nối với các bên liên quan khác như các nhà hoạch định chính sách, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội và các doanh nghiệp, nhằm huy động nguồn lực cùng chung tay giải quyết các vấn đề môi trường.

Các hoạt động chính của dự án bao gồm: Thành lập nhóm thành viên nòng cốt, vận hành fanpage “Mắt Xanh”, tập huấn tăng cường năng lực cho thanh niên, tọa đàm đối thoại với các bên liên quan; truyền thông các vấn đề môi trường thông qua phim tài liệu và tài trợ các sáng kiến về môi trường của thanh niên.

Chia sẻ lý do chọn sáng kiến của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, đại diện EJN cho biết: “Tiêu chí kêu gọi sáng kiến năm nay của EJN là tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, đa dạng sinh học, buôn bán động vật hoang dã, sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài ra, các sáng kiến còn cần tập trung vào việc tăng cường các kỹ năng, kiến thức và hợp tác tại quốc gia và khu vực để thúc đẩy hoạt động báo cáo về môi trường.

Chúng tôi thật sự ấn tượng với cách tiếp cận của dự án “Thanh niên vì Môi trường” khi đã lựa chọn đối tượng là giới trẻ, nâng cao nhận thức và đào tạo, nâng cao năng lực trong việc sản xuất nội dung, cũng như các thông điệp truyền thông về các vấn đề môi trường. Đây là phương pháp hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.”

Tại hội thảo, dự án giới thiệu nhóm thành viên nòng cốt “Mắt Xanh” gồm 8 sinh viên với các chuyên ngành đa dạng (báo chí, truyền thông, môi trường, khách sạn, luật...) nhưng đều có sự quan tâm về môi trường.

Theo kế hoạch, nhóm sẽ phát triển lên con số 200 thành viên trong năm nay.

Nhóm Mắt Xanh sẽ trực tiếp vận hành kênh truyền thông chính thức của dự án tại địa chỉ www.facebook.com/matxanh2020.

Tên nhóm và fanpage mang ý nghĩa đặc biệt: “Mắt” là thể hiện cho quan điểm, cái nhìn khách quan của thế hệ trẻ về các vấn đề môi trường.

“Xanh” là màu xanh của cây cỏ, màu xanh của môi trường trong lành.

“Mắt xanh” ở đây có ý nghĩa thanh niên sẽ là những người nhìn nhận ra các vấn đề của môi trường và cũng sẽ là những người đưa ra các giải pháp để cải thiện môi trường.

Sau gần 2 tháng ra mắt, nhóm đã nhận được gần 2300 lượt theo dõi. Cách xây dựng nội dung truyền thông đa dạng, phù hợp với phong cách của giới trẻ là một trong những lý do page nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng thanh niên.

Người tham dự cũng sẽ cùng nhau thực hiện một hoạt động ý nghĩa khác của Ban tổ chức: gắn lá cho cây môi trường. Mỗi lá cây đều được mang thông điệp cam kết về hành động cho môi trường.

Ban tổ chức mong muốn từ hành động nhỏ này, mọi người sẽ dần có ý thức cao về trách nhiệm của bản thân đối với môi trường sống, xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp.

Đồng thời, hoạt động mang tính truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của người dân trong việc tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, khí tượng, động vật hoang dã... qua đó, hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh và phát triển bền vững.

Hội thảo cũng sẽ giới thiệu về Quỹ sáng kiến “Vì không khí sạch - Thành phố xanh”.

Mục đích của Quỹ sáng kiến là nâng cao hiểu biết, thúc đẩy sự tham gia của các nhóm cộng đồng - xã hội, đặc biệt là của thanh niên và trường học vào các hoạt động bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí tại các tỉnh thành trên toàn quốc, ví dụ như chủ đề: rác thải, giao thông vận tải, năng lượng, không gian xanh, nguồn nước, chất lượng không khí…

Quỹ sáng kiến do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt triển khai với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (BAC A BANK).

Tiểu phẩm “Người chó - chó người” do nhóm Mắt Xanh thể hiện tại Hội thảo sẽ giúp người tham dự nhìn thấy bức tranh lột tả cuộc sống của bộ phận người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn, phản ánh những ảnh hưởng tiêu cực và cuộc sống khó khăn khi môi trường bị ô nhiễm của toàn thể người dân sống tại khu vực này.

Ghi chú:

[1]

Earth Journalism Network – một mạng lưới toàn cầu được thành lập từ năm 2004, nhằm thúc đẩy hoạt động truyền thông/báo chí về vấn đề môi trường.

Năm 2020, mạng lưới tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo từ các mạng lưới của nhà báo, tổ chức truyền thông hoặc các tổ chức học thuật trên khắp châu Á và Thái Bình Dương với mục đích:

Tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, đa dạng sinh học, buôn bán động vật hoang dã, sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên;

Tăng cường các kỹ năng, kiến thức và hợp tác tại quốc gia và khu vực để thúc đẩy hoạt động báo cáo về môi trường.

Ngoài tài trợ về tài chính, ban tổ chức cũng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và kết nối mạng lưới cho các đơn vị nhận tài trợ.

[2] 13 sáng kiến được lựa chọn từ 9 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (chi tiết 13 sáng kiến xem tại: https://bit.ly/2zPSq6U)

Thu Giang