Petrovietnam sáng tạo, làm chủ công nghệ trong bảo dưỡng các công trình dầu khí

25/11/2020 20:54
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bằng sự cố gắng, nỗ lực của mình, những người lao động dầu khí đã viết lên câu chuyện sáng tạo, làm chủ công nghệ trên các công trình dầu khí.

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp cùng Báo Lao động tổ chức Tọa đàm “Sáng tạo, làm chủ công nghệ trong bảo dưỡng các công trình dầu khí”.

Ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng biên tập Báo Lao động và ông Trần Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam đồng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Petrovietnam làm chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện thành công việc bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, giàn Đại Hùng 01, Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố trong năm 2020.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961-27/11/2020), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức một loạt các hoạt động nhằm ghi lại những dấu ấn của người lao động Dầu khí và thành tựu ấn tượng về khoa học kỹ thuật trong những năm qua.

Trong đó, công tác bảo dưỡng sửa chữa các công trình Dầu khí đã đạt được những thành công lớn về công nghệ và giá trị kinh tế.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đình Chúc đánh giá cao hàm lượng kỹ thuật - công nghệ và trình độ của cán bộ công nhân viên các đơn vị trực thuộc Petrovietnam nói chung và lực lượng cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp về bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) nói riêng.

Trong bối cảnh vô cùng phức tạp và khó khăn của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, khi chuyên gia không thể sang Việt Nam, kinh phí hạn hẹp… các đơn vị của Petrovietnam đã thành công hoàn thành bảo dưỡng là những thành tích đáng ghi nhận và tự hào.

Ông Phan Tấn Hậu - Phó Giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu phát biểu tại tọa đàm.

Ông Phan Tấn Hậu - Phó Giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu phát biểu tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Tổng biên tập Báo Lao động nhấn mạnh: "Ngành Dầu khí đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, người lao động Dầu khí là tấm gương cho người lao động cả nước noi theo. Tôi mong muốn những thông tin quý báu từ buổi tọa đàm này được thông tin rộng rãi trên cả nước và đem lại những kinh nghiệm đáng quý cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam chia sẻ: “Một trong những yếu tố tạo nên thành công của Petrovietnam đó là lao động, lao động mang tính chất đặc thù góp phần đem lại thành quả của ngành Dầu khí đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Và cái mà Petrovietnam thấy rằng cần phải rèn giũa, trao đổi và nỗ lực cố gắng đó là đóng góp về lao động sáng tạo, trí tuệ để làm giàu thành quả vật chất cho ngành công nghiệp Dầu khí nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung”.

Đề cập đến câu chuyện của ngành Dầu khí năm 2020, ông Trần Quang Dũng cho hay, đây là năm có một biến cố cực kỳ phức tạp, ngành Dầu khí phải chịu tác động kép bởi dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nó đã làm cho ngành Dầu khí tưởng như không thể gượng dậy và thực tế đã có rất nhiều công ty Dầu khí trên thế giới đã phải lao đao, phá sản.

Ông Trần Quang Dũng - Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp PVN kết luật Tọa đàm.

Ông Trần Quang Dũng - Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp PVN kết luật Tọa đàm.

Nhưng với Petrovietnam, bằng sự cố gắng, nỗ lực của mình, những người lao động dầu khí đã viết lên câu chuyện sáng tạo, làm chủ công nghệ trên các công trình Dầu khí để có thể duy trì hoạt động một các an toàn, ổn định, hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế -xã hội và hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch trong điều kiện hết sức khó khăn.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu là đại diện cho người lao động Dầu khí đã thông tin một cách khái quát những kết quả, bài học kinh nghiệm nổi bật của đơn vị trong quá trình tham gia công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy, công trình dầu khí.

Theo ông Nguyễn Anh Minh - Phó Tổng giám đốc DQS, trong 10 năm qua, DQS sửa chữa đóng mới khá nhiều tàu dịch vụ, tàu chở dầu.

Hiện nay, DQS đang đóng mới tàu 350 ngàn tấn phục vụ cho thị trường châu Phi.

Trong 2 năm qua, DQS liên tiếp sửa chữa nhiều giàn khoan khai thác, trong đó có giàn Đại Hùng - một trong những giàn lớn nhất của Việt Nam.

Yêu cầu của chủ đầu tư rất khắt khe (75 ngày - chưa được thời gian 1/2 so với trước kia), trong đó, DQS phải làm sạch hơn 55 ngàn m2, hàng chục ngàn mét đường ống, thay hàng chục ngàn mét tôn chống ghỉ…

"Đại Hùng là giàn nửa nổi, nửa chìm nên việc kéo giàn vào bảo dưỡng là cực kỳ nguy hiểm và mất nhiều thời gian, nhưng nhờ việc khảo sát kỹ luồng lạch, chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới, DQS đã đưa được giàn Đại Hùng vào bờ an toàn.

Một trong những sáng tạo quan trọng trong quá trình bảo dưỡng, DQS áp dụng giải pháp xông nitơ và nước vào trong các đường ống dẫn dầu, vừa giảm nguy cơ cháy nổ vừa rút ngắn thời gian được 18 ngày", ông Nguyễn Anh Minh cho hay.

Giàn khoan Đại Hùng trên đường lai dắt về DQS để bảo dưỡng ngay trong đại dịch Covid-19.

Giàn khoan Đại Hùng trên đường lai dắt về DQS để bảo dưỡng ngay trong đại dịch Covid-19.

Thông tin về công tác bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố, ông Phan Tấn Hậu - Phó Giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT) cho biết: Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố đi vào hoạt động được 21 năm.

Hiện nay, nhà máy xử lý 5,8 triệu m3 khí/ngày đêm. Chỉ có lần đầu tiên bảo dưỡng tổng thể nhà máy là phải thuê nhà thầu Nhật Bản.

Từ năm 2009 đến nay, toàn bộ công tác bảo dưỡng sửa chữa đều được cán bộ công nhân viên PV GAS chủ động hoàn tất.

Năm 2020, khi thực hiện bảo dưỡng tổng thể nằm đúng vào đợt ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chuyên gia nước ngoài và vật tư phải nhập từ các nước EU và Mỹ đã không về được Viẹt Nam.

Bởi vậy, hầu hết các hạng mục bảo dưỡng đều do các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của PVGAS và các đơn vị trong Tập đoàn thực hiện.

Còn theo ông Mai Xuân Ba – Phó Ban kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), PV GAS hiện đang quản lý vận hành và bảo dưỡng sửa chữa hơn 2000 km đường ống dẫn khí từ ngoài biển, trên bờ và các nhà máy, kho chứa, trạm, trung tâm phân phối khí.

Thách thức lớn nhất là thu xếp tối ưu hóa kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa sao cho thông suốt từ thường nguồn là chủ khí, đến phần trung nguồn (trang thiết bị của PVGas) và hạ nguồn là các hộ tiêu thụ.

Trong những năm qua PV GAS luôn chủ động phối hợp với tất cả các bên liên quan để tối ưu hóa hoạt động vận hành và bảo dưỡng sửa chữa cho toàn bộ các dây chuyền khí nhằm giảm đốt bỏ khí cũng như rút ngắn thời gian dừng nhà máy.

Bảo dưỡng đuốc đốt Flare trong Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất.

Bảo dưỡng đuốc đốt Flare trong Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất.

Điểm thành công thứ 2 là PV GAS đã chuyển sang hình thức bảo dưỡng sửa chữa từ bảo dưỡng sửa chữa theo định kỳ theo thời gian, có nghĩa là ví dụ thực hiện dừng máy bảo dưỡng sửa chữa 01 tháng, 03 tháng, 06 tháng, 01 năm… sang bảo dưỡng sữa chữa dự theo rủi ro trên cơ sở các phần mềm công cụ hỗ trợ chuẩn đoán phòng ngừa, đánh giá rủi ro từ trước.

Việc này giúp tối ưu hóa thời gian dừng khí để thực hiện công tác bảo dưỡng sửa chữa, tiết giảm chi phí.

Điểm thành công nữa là PV GAS đã tiên phong áp dụng các phần mềm quản trị trong toàn bộ hoạt động bảo dưỡng sửa chữa.

Bất kỳ ở đâu, ở thời điểm nào, nhân sự PV GAS đều có thể theo dõi kiểm soát toàn bộ các hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, kiểm tra tối ưu hóa tồn kho và vật tư dùng chung.

Kết quả là đến ngay toàn bộ 04 hệ thống công trình khí PV GAS luôn được duy trì độ tin cậy và độ sẵn sàng cao gầm 100%, công trình khí Nam Côn Sơn do PV GAS làm nhà điều hành nhiều năm liền đạt độ tin cậy 100% mà ngay cả trong giai đoạn do BP làm nhà điều hành cũng không thể đạt được.

Ngoài ra PV GAS luôn chú trọng đến các hoạt động sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường được các cơ quan địa phương và bộ ngành đánh giá cao và tặng nhiều bằng khen.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Đặng Quang Hùng - Phó Giám đốc Nhà máy, Trưởng Ban Quản lý Bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau cho hay: Chi phí của Nhà máy Đạm Cà Mau giảm sâu và liên tục qua từng năm do liên tục rà soát các chỉ số bảo dưỡng.

Trong đó, mỗi thiết bị đều được theo dõi, đánh giá từ khi đưa bào sử dụng đến khi hư hỏng.

Từ đó tìm ra các quy luật, tại sao hỏng, đến lúc nào phải thay thế, tìm ra giải pháp xử lý các lỗi do thiết bị ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.

Do quản trị khoa học công tác bảo dưỡng sửa chữa, chi phí bảo dưỡng sửa chữa liên tục giảm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh Đạm Cà Mau.

Đặc biệt, Nhà máy Đạm Cà Mau đang vận hành với công suất 112%, đây là điểm quan trọng giúp PVCFC về đích trước 55 ngày so với kế hoạch năm 2020 – một năm nhiều biến động do dịch bệnh và cả sự xâm ngập mặn đất nông nghiệp tại Cà Mau và các tỉnh miền Tây gây sụt giảm doanh thu của Đạm Cà Mau.

Với công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Mai Tuấn Đạt, Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thông tin: Tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, chúng ta đã giảm sự phụ thuộc vào nhà thầu, chuyên gia nước ngoài, tăng tỉ trọng tự thực hiện và sử dụng nguồn lực trong nước.

Công ty Bình Sơn cũng liên tục đổi mới sáng tạo nâng cao độ ổn định, hiệu quả vận hành, đạt trên 1.800 ngày vận hành liên tục.

Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động và cả nhà thầu là điều đáng tự hào nhất của BSR. Thời gian bảo dưỡng sửa chữa cũng được rút ngắn liên tục, từ 61 ngày, xuống 51 ngày đêm.

Phát biểu kết luận buổi toạ đàm, ông Trần Quang Dũng khẳng định: Tất cả các trao đổi từ các đại biểu tham dự đã đi đến sự thống nhất rất cao.

Có thể nhận thấy các công trình dầu khí mang tính chất vô cùng quan trọng, đặc biệt yếu tố an toàn đã trở thành văn hóa của người Dầu khí.

"Các công trình dầu khí có đặc thù là thường xuyên hoạt động 24/7, hoạt động 365/365 ngày, giữa 2 kì bảo dưỡng nếu không có sự cố gì thì đó là điều đáng ghi nhận.

Vì thế, công tác bảo dưỡng sửa chữa là điều cực kì hết sức quan trọng, giống như việc khám sức khỏe định kì để phát hiện ra bệnh, để không phát sinh sự cố gây ảnh hưởng đến công trình, dự án, điều đó đòi hỏi sự tổng hợp từ các lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ, từ đội ngũ con người… trong việc tham gia vào bảo dưỡng sửa chữa các công trình dầu khí", ông Trần Quang Dũng nói.

Có thể thấy rằng, công tác bảo dưỡng sửa chữa đã có đóng góp quan trọng vào việc hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường các sản phẩm lọc hóa dầu cạnh tranh khốc liệt, nhiều biến động thời gian gần đây.

Với đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, làm chủ công nghệ bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy lớn có công nghệ tiên tiến về lọc hóa dầu, chế biến khí, điện, đạm, Petrovietnam đã làm chủ kỹ thuật, công nghệ mà trước kia phải thuê chuyên gia nước ngoài; đồng thời đặt mục tiêu đưa dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa các công trình công nghiệp vươn tầm quốc tế.

Các đơn vị của Petrovietnam đã làm chủ công tác bảo dưỡng sửa chữa, công suất các nhà máy trong Petrovietnam duy trì ở mức cao so với thời điểm bắt đầu đưa nhà máy vào hoạt động.

Những kỷ lục thời gian hoạt động liên tục được phá vỡ, chẳng hạn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã duy trì hoạt động được 1.800 ngày không có sự cố dừng máy ngoài kế hoạch (không tính thời gian tạm dừng vận hành để bảo dưỡng), Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành liên tục 330 ngày, thể hiện việc vận hành và bảo dưỡng sửa chữa đã được thực hiện rất tốt, sự khẳng định đối với năng lực, sự trưởng thành của đội ngũ nhân sự vận hành và bảo dưỡng sửa chữa.

Thu Giang