
Việc học giáo dục quốc phòng và an ninh (gọi tắt là học quân sự) trong chương trình đào tạo đại học tại Việt Nam mang nhiều ý nghĩa quan trọng, cả về mặt cá nhân lẫn xã hội: Vừa rèn luyện ý thức kỷ luật và trách nhiệm vừa phát triển kỹ năng sống… Học quân sự không chỉ là một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đại học, mà còn là cơ hội để sinh viên phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và ý thức công dân, góp phần xây dựng thế hệ trẻ có trách nhiệm với đất nước.
Thời gian học giáo dục quốc phòng và an ninh trong chương trình đào tạo đại học thường kéo dài khoảng 3 đến 5 tuần (đối với hệ đại học chính quy). Sinh viên thường được bố trí tập trung tại các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh hoặc khu huấn luyện quân sự trong một thời gian học riêng, thường vào năm nhất hoặc năm hai.
Tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh), một ngày học quân sự của sinh viên thường bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài đến chiều tối, với các học phần lý thuyết kết hợp với thực hành. Trong những buổi học thực hành, sinh viên sẽ được tập luyện đội hình, đội ngũ, học các kỹ năng quân sự cơ bản (bắn súng, tháo lắp vũ khí, sơ cứu,…), cùng với đó là tham gia các hoạt động thể chất (chạy bộ, vượt chướng ngại vật, rèn luyện thể lực).
Để đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho người học trong quá trình tham gia học giáo dục quốc phòng và an ninh, cần cung cấp đủ năng lượng và các nhóm chất dinh dưỡng, nhằm duy trì hoạt động và phục hồi.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe của người học, những bữa ăn cũng cần đảm bảo một số tiêu chí cơ bản: Trước hết là vệ sinh an toàn thực phẩm; thứ hai là về mặt định lượng theo đúng tiêu chuẩn bộ binh. Ngoài ra, còn một số yêu cầu khác như về chất lượng bữa ăn, phù hợp với thời tiết, phù hợp với thể trạng của cả nam và nữ”.
Mỗi năm, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) sẽ tiếp nhận và tổ chức đào tạo Giáo dục quốc phòng và an ninh cho khoảng 20.000 sinh viên đến từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng tại khu vực phía Bắc.
Mỗi khóa học trung bình sẽ có khoảng 700-800 sinh viên trở lên, vào giai đoạn đông nhất có thể lên đến 1.700 sinh viên. Nhu cầu suất ăn cho người học cũng vì thế mà tương đối lớn, với thực đơn 3 bữa/ngày. Chính vì thế, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) đã phối hợp với Công ty cổ phần Dịch vụ Quốc tế Hà Thành (Haseca) để tổ chức bữa ăn cho sinh viên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi, mặc dù Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) đã thành lập từ năm 2015 và từng liên kết với một số đơn vị cung cấp suất ăn học đường khác, nhưng các đơn vị trước đó chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Trung tâm. Chính vì vậy, Trung tâm đã hợp tác và gắn bó với Haseca.
Thầy Khôi cho biết: “Khi mới biết đến Haseca, chúng tôi ấn tượng với một công ty trẻ nhưng lại rất cầu thị và có thể đảm bảo nhiều tiêu chí mà chúng tôi đưa ra. Thời điểm đó, Haseca đã có rất nhiều bếp ăn trên toàn quốc, có tầm ảnh hưởng và uy tín trong lĩnh vực cung cấp suất ăn. Điều này cho thấy được sự đầu tư, nguồn lực và trách nhiệm của phía đơn vị. Đặc biệt, khi biết ban lãnh đạo của công ty từng kinh qua kinh nghiệm ở nước ngoài - Nhật Bản - chúng tôi đánh giá rất cao sự chuyên nghiệp, chỉn chu và tính kỷ luật, nên chúng tôi đã quyết định hợp tác.
Trung tâm và Haseca bắt đầu mối quan hệ hợp tác từ năm 2018, tính đến nay cũng đã được gần 10 năm. Chất lượng bữa ăn ngày càng được cải thiện”.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi, việc xây dựng thực đơn cho sinh viên học Giáo dục Quốc phòng và An ninh sẽ được phía Trung tâm đưa ra các tiêu chí, yêu cầu về định lượng, khẩu phần, yêu cầu chế biến… ngay từ đầu, để Haseca thực hiện và xây dựng thực đơn cho từng tuần. Thực đơn của tuần tiếp theo sẽ được Phòng Hậu cần - Tài chính - Kỹ thuật của Trung tâm cùng với Haseca trao đổi và thống nhất từ thứ Sáu tuần trước, sau đó viết lên bảng công khai vào Chủ nhật hằng tuần.
“Thực đơn được công khai trên bảng ngay tại nhà ăn sẽ giúp người học có thể dễ dàng theo dõi và biết ngày hôm nay có những món ăn gì.
Do tiêu chuẩn bữa sáng là ăn cơm, nhưng có thể một số sinh viên chưa quen, nên chúng tôi cũng linh động phương án chỉ tổ chức ăn cơm sáng 3 buổi/tuần, các buổi còn lại sẽ được đổi thành nhiều món khác như bún, phở, mì tôm…” - thầy Khôi chia sẻ.

Tham gia khóa học kéo dài 3 tuần tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh), một trong những điều mà nam sinh Nguyễn Đức Anh (sinh năm 2005) - sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) ấn tượng nhất chính là những bữa ăn tại đây.
Đức Anh cho biết: “Hằng ngày, sinh viên sẽ ăn 3 bữa chính theo giờ giấc được quy định sẵn: Bữa sáng lúc 7 giờ, bữa trưa lúc 11 giờ và bữa tối lúc 6 giờ. Trước giờ ăn khoảng 10 phút, chúng em sẽ điểm danh rồi tập trung ngồi vào bàn ăn đã được xếp sẵn. Mở lồng bàn ra là đã có sẵn một mâm cơm nóng hôi hổi. Điều này khiến em khá ấn tượng, vì có cảm giác như mình được ăn cơm nhà, thay vì việc chia suất ăn cố định cho từng người. Như vậy sẽ phù hợp hơn, bởi mỗi người có sức ăn khác nhau.
Ngoài ra, những ngày tập luyện nặng, mất nhiều sức hơn, chúng em cũng có thể tự lấy thêm cơm canh để đảm bảo ăn no, đủ sức khỏe cho các buổi học tiếp theo. Cho dù mỗi buổi học có tiêu tốn nhiều calo đến đâu, chỉ cần ăn xong một bữa cơm và ngủ một giấc dậy là chúng em lại như được “nạp năng lượng” đầy đủ”.
“Thịt băm sốt cà chua, thịt bò xào súp lơ và thịt kho trứng,… chính là một số món ăn khiến em đặc biệt yêu thích và mong muốn lại xuất hiện trong thực đơn những ngày sắp tới. Đó là những món đưa cơm và ngon nhất đối với em. Còn trên thực tế, món nào cũng được nấu rất vừa vặn.
Vào những ngày trời nắng nóng, sau khi học thực hành ngoài trời, khi được ngồi vào bàn ăn, món đầu tiên mà em cần chính là canh. Mặc dù đã uống bổ sung nước thường xuyên, nhưng một bát canh chua hay nước rau muống luộc có dầm thêm sấu… vẫn là điểm hấp dẫn nhất cho mùa hè” - Đức Anh hóm hỉnh chia sẻ.
Cùng chung cảm nhận, nữ sinh Nguyễn Thị Hoài Ngân (sinh năm 2004) - sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cũng ấn tượng với những bữa ăn đầy đặn, với món ăn đa dạng.
“Từ khi em bắt đầu học tại đây, vẫn chưa có món ăn nào bị trùng lặp. Với em, món nào cũng đều hợp khẩu vị, mặc dù trước đây, em là người khá kén ăn. Bản thân em khá hài lòng với tất cả các món ăn và ăn đều đặn mỗi bữa hai bát cơm.
Ngoài ra, thêm một điều khiến em thực sự an tâm, đó là về sự sạch sẽ tại khu bếp ăn. Đồ ăn được chế biến thơm ngon, mỗi khi bày lên mâm đều rất chỉn chu, bắt mắt. Có lẽ, nhờ thế mà chúng cảm thấy em ngày càng có nhiều năng lượng để duy trì sức khỏe, đảm bảo học tập suốt cả tuần” - nữ sinh bộc bạch.

Nữ sinh Hồ Quỳnh Hương (sinh năm 2005) - sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đông Á chia sẻ: “Mâm cơm mỗi bữa đều rất đầy đặn, mặc dù bàn em có 8 người, nhưng hầu như các bữa ăn, chúng em đều không ăn hết đồ ăn. Đồ ăn cũng rất ngon, hợp khẩu vị với em và các bạn. Từ khi vào đây, em thấy mỗi ngày đều có những món ăn mới. Em ấn tượng nhất với món nem rán và sườn xào chua ngọt.
Sau mỗi bữa ăn, chúng em sẽ tự dọn dẹp và vệ sinh đũa thìa ở khu vực ngoài hành lang trước khi mang về phòng. Điều này cũng giúp chúng em rèn nền nếp và tính tự lập hơn trong quá trình học tại đây ”.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) cũng bày tỏ: “Sau khi kết thúc bữa ăn, chính tay sinh viên sẽ dọn dẹp thức ăn thừa và rửa sạch bát đũa. Điều này cũng khiến các em yên tâm hơn vì chắc chắn không bao giờ có chuyện “quay vòng” sử dụng lại những phần thức ăn còn dư. Đồ ăn hoàn toàn là đồ tươi mới và được chế biến nóng hổi. Đó là điều được thực hiện minh bạch và giúp sinh viên yên tâm với bữa ăn của mình.
Một số đơn vị thuộc các cơ sở giáo dục đại học khác cũng thường xuyên đến tham khảo mô hình bếp ăn tại Trung tâm. Về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm cũng luôn luôn chú trọng tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất”.


Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc vận hành, Công ty cổ phần Dịch vụ Quốc tế Hà Thành (Haseca) cho biết: “Tại Haseca, chúng tôi luôn tâm niệm, việc chăm lo bữa ăn cho học sinh, sinh viên không chỉ đơn thuần là cung cấp năng lượng, mà còn là góp phần xây dựng nền tảng sức khỏe và thói quen ăn uống lành mạnh cho cả một thế hệ tương lai.
Đó là lý do vì sao Haseca luôn đặt tiêu chí an toàn, dinh dưỡng và yêu thương lên hàng đầu trong từng suất ăn.

Chúng tôi đầu tư toàn diện vào quy trình - từ lựa chọn nguyên liệu tươi sạch, quy chuẩn chế biến theo tiêu chuẩn ISO/HACCP, đến việc đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên trách cho từng bậc học. Haseca cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia dinh dưỡng, để thiết kế thực đơn cân đối theo lứa tuổi; đồng thời, thường xuyên lắng nghe phản hồi từ nhà trường và học sinh để không ngừng cải tiến.
Chúng tôi không xem mình đơn thuần chỉ là một đơn vị nấu ăn. Sứ mệnh của Haseca là đồng hành cùng các nhà trường và phụ huynh trong hành trình nuôi dưỡng, chăm sóc một thế hệ học sinh, sinh viên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ để phát triển toàn diện”.
“Trong tương lai, Haseca mong muốn xây dựng một hệ sinh thái ẩm thực học đường bền vững, nơi mỗi bữa ăn là một phần trong sự nghiệp giáo dục - về dinh dưỡng, về kỹ năng sống và cả giá trị cộng đồng” - Giám đốc vận hành Haseca nhấn mạnh.