Ngày 9/5, tiếp xúc cử tri quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) trước kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã lắng nghe loạt ý kiến của cử tri đề nghị thu hồi sân golf mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng ùn tắc do quá tải hiện nay.
Hầu hết các ý kiến đề nghị thu hồi diện tích đất đang được sử dụng làm sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đều là của các cựu chiến binh Quân chủng Phòng không không quân, đồng thời là nguyên lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất qua các thời kỳ.
Trước việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải các chuyên gia hàng không cho rằng, cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là yêu cầu cấp bách - ảnh Hoàng Lực. |
Là một trong số cựu chiến binh lên tiếng đề nghị thu hồi đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Trung tá Lê Trọng Sành - Nguyên Cục phó cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân, nguyên Trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất mong muốn ông Nguyễn Thiện Nhân - tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sớm vào cuộc giải quyết vấn đề này.
Đất của nhân dân
Trung tá Lê Trọng Sành cho biết, dư địa đất trong sân bay Tân Sơn Nhất còn rất nhiều, phần lớn được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Trong khi hàng không cần đất để mở rộng sân bay, xây dựng thêm điểm đỗ, nhà ga thì đất tại đây lại sử dụng làm sân golf, sân bóng đá, nhà kho chứa hàng… đó là điều không hợp lý.
Trung tá Sành cho biết: “Từ hơn 6 năm nay tôi và nhiều cựu chiến binh thuộc Quân chủng Phòng không không quân sống tại Thành phố Hồ Chí Minh qua đợt tiếp xúc cử tri liên tục nêu lên ý kiến cần thu hồi đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Thu hồi đất sân golf là phương án duy nhất để nâng công suất cho sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời giảm ùn tắc cho cả khu vực này”.
Trung tá Lê Trọng Sành - Nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân, nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất. ảnh nguồn Tạp chí hàng không. |
Với tư cách một cựu chiến binh Quân chủng Phòng không không quân, Trung tá Lê Trọng Sành khẳng định, nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ đất nước ở thời kỳ nào cũng phải đặt lên hàng đầu.
Nhà nước giao đất cho quốc phòng để xây dựng căn cứ, trận địa phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc chứ không phải để xây dựng sân golf.
“Quân đội từ nhân dân mà ra, chiến tranh nhân dân thắng lợi, mọi thứ từ đất đai, tài nguyên đều của nhân dân. Không có đất nào là của bộ này hoặc ngành kia mà Nhà nước chỉ giao cho bộ, ngành quản lý để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước. Nếu đất không sử dụng đúng mục đích, cần phải trả lại”, ông Sành nêu quan điểm.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải dự báo năm 2017, Tân Sơn Nhất có thể đón 35 triệu hành khách và con số này trong các năm 2018, 2020 sẽ là 45 và 49 triệu khách.
Trong khi thiết kế sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ đáp ứng được 25 triệu hành khách/năm, ngay trong năm 2016 vừa qua sân bay này đã phải phục vụ khoảng 32 triệu hành khách/năm.
Rõ ràng việc cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là yêu cầu cấp bách.
“Nhất cử lưỡng tiện” khi thu hồi đất sân golf nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất |
Từ báo cáo về tăng trưởng lượng khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Trọng Sành khẳng định: “Phải nâng cấp Tân Sơn Nhất, nhưng nếu chỉ dựa vào 21 héc-ta đất mà Bộ Quốc phòng vừa bàn giao thì không giải quyết được vấn đề lâu dài mà chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc trước mắt”.
Ông Sành phân tích, để giải quyết quá tải Tân Sơn Nhất trong dài hạn cần phải thu hồi ngay 157 héc-ta đất sân golf để làm thêm nhà ga, xây dựng thêm chỗ đỗ tàu bay, làm thêm đường lăn từ chỗ đỗ tàu bay ra đường băng cất hạ cánh.
Đồng thời mở thêm đường vào sân bay Tân Sơn Nhất ở đường Trường Chinh và đường Quang Trung.
“Nếu thu hồi đất sân golf mở rộng Tân Sơn Nhất, theo tôi sẽ đảm bảo nâng công suất phục vụ của Tân Sơn Nhất lên ít nhất 70 triệu hành khách/năm”, ông Sành nói.
Mong tân Bí thư vào cuộc
Theo ông Lê Trọng Sành dù nhiều ý kiến nêu ra phải thu hồi đất sân golf, nhưng khi nói đến đất quốc phòng thì dường như có “vùng cấm” không dám đụng đến.
“Tuy nhiên cần nhớ rằng chiến tranh nhân dân thắng lợi thì đất là của nhân dân, lấy đất quốc phòng cho doanh nghiệp quốc phòng làm sân golf trong khi thiếu bãi đỗ máy bay, thiếu nhà ga là bất hợp lý, trên thế giới không nước nào như vậy”, ông Sành nói.
Sân golf Tân Sơn Nhất có tổng diễn tích khoảng 157 héc-ta. ảnh TQ. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất nghiên cứu đầu tư từ năm 2006 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2007.
Tổng vốn đầu tư của dự án gần 300 triệu USD (khoảng 6.000 tỉ đồng). Thời gian thuê đất sẽ là 50 năm.
Diện tích khu đất 157 héc-ta quy hoạch dự án khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất nằm trong khu sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích hơn 820 héc-ta.
Điều đáng nói dù dự án sân golf nhưng trong ngoài sân golf còn có các khu nhà ở (biệt thự, chung cư, khách sạn cao cấp, trường học...).
Trong 157 héc-ta, phần sân golf chỉ khoảng 111héc-ta; còn lại xây dựng có nhà ở, chung cư, khách sạn… Từ thực tế ấy phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng đầu tư sân golf chỉ là cái cớ còn trong đó là kinh doanh bất động sản?
Được biết khi đề xuất Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng các công trình phụ trợ cho sân golf như khách sạn, biệt thự, chung cư, trường đào tạo năng khiếu golf... Bộ Quốc phòng cho biết sẽ chỉ đạo chủ đầu tư triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả dự án, quản lý chặt chẽ các khu đất và sẵn sàng khôi phục sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết.
Khi dự án sân golf được triển khai, Thủ tướng Chính phủ có công văn gửi các bộ liên quan và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong đó lưu ý: Chủ đầu tư phải thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định. Trường hợp Nhà nước cần thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng thì chủ đầu tư dự án phải trả lại diện tích đất quốc phòng mà không được yêu cầu bồi hoàn.
Trở lại với vấn đề nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ông Sành cho rằng, khi thực hiện dự án Chính phủ nêu rõ yêu cầu khi Nhà nước cần thu hồi doanh nghiệp đầu tư sân golf phải trả lại và không được yêu cầu bồi hoàn.
“Bây giờ là thời điểm cần đất sân golf để phục vụ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tại sao Chính phủ không yêu cầu trả lại? Chúng tôi dự định sẽ gặp tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Thiện Nhân để phản ánh vấn đề này”, ông Sành cho biết.
Với tư cách người dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Sành mong ông Nguyễn Thiện Nhân trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lên tiếng và vào cuộc để giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất.