Trong cuộc hội thảo “Luận bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản” được tổ chức chiều 21/1 tại Hà Nội. Đại diện cho Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã nói rằng: Thị trường bất động sản (BĐS) đang ấm dần lên.
Giải thích về nhận định này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Qua phân tích số liệu thu thập, chúng tôi khẳng định một cách rõ ràng nhưng cũng thận trọng rằng đã có những dấu hiệu cho thấy thị trường BĐS đang ấm lên.
Thứ nhất, là giá cả hàng hóa BĐS trên thị trường so với thời điểm cách đây 1 - 2 năm đến nay đã giảm tương đối sâu. Trung bình trên cả nước giá BĐS giảm từ 20 - 30%. Cá biệt có những dự án ở những vị trí không tốt có thể giảm tới 50%. Hầu hết những nhà ở phân khúc từ nhà ở chung cư, nhà ở biệt thự, đất nền... đều có sự giảm giá. Theo tôi đánh giá, sự giảm giá này gần sát về giá trị thực của thị trường, và bước nào đó người dân đã có những chấp nhận về giá cả BĐS hiện nay.
|
Năm 2014, thị trường BĐS sẽ ấm lên. (Ảnh minh họa) |
Thứ hai, điểm cực kỳ quan trọng khi giao dịch mua bán và tiếp nhận nhà ở đã tăng lên mức rõ rệt. Cụ thể, ở Hà Nội trong năm 2013 đã có 6.450 giao dịch thành công. Quý I đã có 800 giao dịch, quý II tăng tên 1.050 giao dịch, quý III là 1.600 giao dịch và quý IV là hơn 3.000 giao dịch. Như vậy, mức độ tăng trưởng đột biến vào dịp cuối năm.
Tình hình tương tự như vậy cũng xảy ra tại TP.HCM, năm 2013 đã có 9.350 giao dịch. Riêng quý III và quý IV đã có 6.500/9.350 giao dịch trong năm. Đặc biệt, đây là những giao dịch có thật và người dân mua để ở. Và nó nằm trong phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở có quy mô nhỏ và có giá cả thích hợp với túi tiền người dân.
Thứ ba, là tăng trưởng tín dụng, dư nợ ngân hàng trong lĩnh vực BĐS tăng. Năm 2013, con số dư nợ tuyệt đối là của khu bực BĐS là 261.000 tỷ. Con số này đã gần về điểm cao nhất trước đây là 280.000 tỷ. Và lớn hơn rất nhiều so với điểm thấp nhất số dư nợ BĐS là gần 180.000 tỷ. Tổng mức tăng trung bình là 14,9% so với mức tăng trưởng trung bình là 12%.
Thứ tư, là thuế trước bạ cũng như thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực cho thuê cũng đã tăng lên rất rõ rệt. Đây là bốn yếu tố phản ánh thị trường BĐS đang ấm dần lên.
Nói về gói vay 30.000 tỷ, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Gói 30.000 tỷ đã được triển khai khoảng 6 tháng từ khi Thông tư số 07 của Bộ Xây dựng và Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Con số thống kê của chúng tôi đến ngày 15/1/2014, năm ngân hàng thực hiện đã ký được tổng giá trị số tiền cam kết cho vay là 2.100 tỷ, tương đương với 7%. Giải ngân theo tiến độ đến nay mới được 861 tỷ, chưa được 3%. Đây là con số chưa đạt so với kỳ vọng của xã hội, doanh nghiệp cũng như của người dân.
Tuy nhiên, ngay trong năm 2014, cụ thể là sau tết nguyên đán, chúng tôi sẽ có 2 Thông tư hướng dẫn mới. Một là Thông tư hướng dẫn của Nghị định 158 về quản lý và phát triển nhà xã hội. Trong đó, thủ tục xác nhận mua bán nhà ở xã hội cũng như để vay tiền của ngân hàng sẽ đơn giản đi rất nhiều.
Trước đây, do thủ tục mới nên chúng ra làm rất chặt chẽ. Hồ sơ bao gồm 2 con dấu là con dấu của cơ quan và một con dấu của địa phương. Tuy nhiên, tới đây chúng ta chỉ còn một con dấu. Với người ăn lương theo ngân sách như: cán bộ viên chức, công chức... chỉ cần xác nhận của cơ quan về điều kiện ở mà không cần xác nhận về thu nhập. Những đối tượng còn lại không ăn lương theo ngân sách nhà nước thì lấy xác nhận của địa phương là Ủy ban Nhân dân phường, và cũng chỉ cần xác nhận về điều kiện ở (không có nhà, chưa có nhà, nhà dưới 8m2/người). Đặc biệt, chỉ cần xác nhận ở tại địa chỉ thường trú mà không cần biết ở những chỗ khác họ có nhà hay chưa".
Nói về điều kiện thế chấp, Thứ trưởng cho biết: Cách đây vài ngày, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã đi đến bản dự thảo cuối cùng về Thông tư thế chấp tài sản trong tương lai. Chúng tôi đã đi đến thống nhất hướng dẫn, cho phép người dân và ngân hàng cho phép tài sản thế chấp trong tương lai ở mạng xã hội, thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Về vấn đề cho phép người nước ngoài mua nhà, Thứ trưởng cho rằng: Chúng ta đã có nghị quyết của Quốc hội ban hành năm 2008 về việc thí điểm cho người nước ngoài. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chúng ta còn đang rất thận trọng nên việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam rất chặt chẽ. Qua 5 năm thực hiện mới chỉ có khoảng hơn 100 căn nhà được bán cho người nước ngoài.
Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ đã đưa dự thảo này vào luật kinh doanh BĐS và sẽ được Quốc hội thảo luận vào phiên hợp tháng 5 sắp tới và sẽ được thông qua vào tháng 11 cuối năm. Trong đó, điều kiện điều kiện để người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ được cởi mở hơn, phù hợp với công ước quốc tế và đảm bảo an ninh, trật tự quốc gia./.
Nguồn VTV
Bình An