Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng

21/04/2024 16:03
Theo Baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự án tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Sáng 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng, là đoạn cuối cùng được khởi công của tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, kết nối Cao Bằng - Lạng Sơn – Hà Nội – Huế - Thành phố Hồ Chí Minh – Cà Mau.

Thiếu nhi các dân tộc tỉnh Lạng Sơn chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thiếu nhi các dân tộc tỉnh Lạng Sơn chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự lễ khởi công tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Dự án hạ tầng giao thông lớn nhất tại Lạng Sơn

Dự án tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), nhà đầu tư là liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn cho dự án là hơn 25 năm.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều dài gần 60 km. Dự án được đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả báo cáo Thủ tướng về Dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả báo cáo Thủ tướng về Dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự án kết nối từ cửa khẩu Hữu Nghị với đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành và cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vừa được khởi công ngày 1/1/2024. Đây cũng là mắt xích chiến lược hoàn thành kết nối 2 tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là một mảnh ghép hoàn chỉnh của tuyến cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Song những khó khăn đó đã được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị liên quan cùng chung tay tháo gỡ kịp thời, hiệu quả.

"Điều đó khẳng định đối với những dự án đầu tư PPP khó khăn nếu có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và đặc biệt sự ủng của nhân dân thì khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành", ông Hoàng nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, Trưởng Ban chỉ đạo dự án, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế hơn nữa để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.

Dự án góp phần phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; tạo động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ...

Ông Nguyễn Quốc Đoàn nhấn mạnh: Việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này là niềm mong ước của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn trong nhiều năm qua.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cố gắng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan; trong điều kiện của một tỉnh miền núi biên giới, nguồn lực còn rất hạn chế, nhưng tỉnh đã cân đối nguồn vốn 2.000 tỷ đồng tham gia dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

6 ý nghĩa quan trọng của dự án

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông rất vui mừng dự lễ khởi công dự án trong không khí phấn khởi của cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Thủ tướng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược phát triển đất nước: Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong những năm qua, chúng ta đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược. Nhiều dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai kết nối các vùng miền, trong đó có tuyến Bắc – Nam.

Theo Thủ tướng, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có nhiều điểm đặc biệt. Đây là đoạn cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, kết nối Cao Bằng - Lạng Sơn – Hà Nội – Huế - Thành phố Hồ Chí Minh – Cà Mau.

Dự án được Chính phủ giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Đèo Cả là nhà đầu tư có uy tín đã triển khai nhiều dự án. Trong nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng của dự án thì vốn Nhà nước chiếm 45%, vốn nhà đầu tư là 55%. Dự án có 4 làn xe hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Thủ tướng thực hiện nghi thức khởi công Dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng thực hiện nghi thức khởi công Dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng dự án 6 ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc XIII đã đề ra về phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030.

Thứ hai, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Lạng Sơn và Cao Bằng, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Thứ ba, kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Trung Quốc, kết nối 2 vùng kinh tế động lực của đất nước là đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía bắc, kết nối 4 địa phương (Hà Nội - Lạng Sơn – Cao Bằng - Quảng Ninh).

Thứ tư, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng (qua các cụm cảng biển); đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Thủ tướng tặng quà động viên công nhân thi công Dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng tặng quà động viên công nhân thi công Dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ năm, góp phần thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát kiểm tra, phát huy tính tự lực, tự cường của các địa phương.

Thứ sáu, thực hiện chủ trương hợp tác công tư giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hình thức PPP với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành có liên quan, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và các địa phương liên quan trong chuẩn bị thực hiện dự án này, cũng như triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh khởi công đầu năm nay; đặc biệt là Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn nhận trách nhiệm Chính phủ giao, nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã nhường nơi ở, nơi canh tác, nơi sinh kế qua nhiều đời cho dự án.

Việc khởi công là dấu mốc quan trọng, nhưng những công việc thời gian tới rất nặng nề, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành với tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, tháo gỡ các vướng mắc một cách chủ động, linh hoạt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, phát huy trách nhiệm cao nhất, không đùn đẩy, né tránh.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều dài gần 60 km. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều dài gần 60 km. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với yêu cầu bảo đảm dự án đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm cao nhất trong điều kiện, hoàn cảnh mới khi thi công tuyến cao tốc.

Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư, các nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công, xây lắp thực hiện đúng quy định, chống tiêu cực, lợi ích nhóm; phát huy tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", thi công "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc xuyên lễ, xuyên Tết", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương"; sau khi thi công xong phải làm tốt việc hoàn nguyên môi trường.

Địa phương và doanh nghiệp tiếp tục chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho những người dân đã nhường nơi ở, canh tác, sinh sống cho dự án, bảo đảm nơi ở mới ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Thủ tướng đề nghị người dân tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ việc triển khai dự án.

Phối cảnh một đoạn cao tốc

Phối cảnh một đoạn cao tốc

Thủ tướng biểu dương các ngân hàng đã cho nhà đầu tư vay vốn; đề nghị các ngân hàng, doanh nghiệp đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Thủ tướng tin tưởng với tinh thần này, khí thế này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, chúng ta sẽ hoàn thành được mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra trong phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có mục tiêu xây dựng 3.000 km cao tốc tới năm 2025, gồm tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, mở ra không gian phát triển mới, đẩy mạnh kết nối kinh tế Bắc – Nam, Đông Tây, giữa các vùng miền và kết nối ASEAN – Trung Quốc, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045.

Thủ tướng cũng biểu dương nhân dịp khởi công công trình, Lạng Sơn đã hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trong năm 2025, huy động các nhà hảo tâm, các nguồn lực với tinh thần toàn dân, toàn diện, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao quà tặng của Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ cho 30 hộ dân trong vùng dự án trên địa bàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao quà tặng của Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ cho 30 hộ dân trong vùng dự án trên địa bàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhân sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao quà tặng của Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ cho 30 hộ dân trong vùng dự án trên địa bàn, mỗi hộ một căn nhà đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng.

Theo Baochinhphu.vn