Gặp mặt và dự phiên giao ban đầu tiên năm mới tại Vietcombank, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 có đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng.
Năm 2016, ngành ngân hàng đã thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, chặt chẽ nhưng linh hoạt theo tín hiệu thị trường và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ được cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục nổi lên như một điểm sáng, đạt được những chỉ tiêu và kỷ lục mới, trên mức bình quân của cả ngành.
Vietcombank đã đạt được mục tiêu kép, là ngân hàng top đầu trong nộp ngân sách với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng, đồng thời góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến thăm, chúc Tết, động viên cán bộ, nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhân ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN. |
Đối với mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 của Việt Nam, đến năm 2020 lọt vào Top 300 ngân hàng và định chế tài chính lớn nhất của thế giới, quản trị tiếp cận với thông lệ quốc tế tốt nhất, Phó Thủ tướng đề nghị quán triệt các quan điểm lớn trong Nghị quyết Đại hội XII, những chủ trương căn bản trong các Nghị quyết của Trung ương.
Vietcombank phải là ngân hàng tiên phong trong nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; đi đầu trong tái cơ cấu thị trường vốn và thị trường tiền tệ, làm cân bằng hơn thị trường này; nâng hơn nữa tỉ trọng doanh thu của các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; hoàn thiện về chiến lược và tầm nhìn dài hạn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Vietcombank tiên phong trong đề xuất, nêu sáng kiến về chính sách; mong muốn năm 2017, Vietcombank hình thành Trung tâm nghiên cứu phân tích dự báo về chính sách kinh tế vĩ mô.
Tới thăm và làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đồng thời đề nghị phát huy năng lực huy động vốn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, của người nghèo, nhất là khi thực hiện thêm các nhiệm vụ cho vay mua nhà ở xã hội, tiếp tục phát triển tín dụng học sinh, sinh viên.
Theo Phó Thủ tướng, Ngân hàng Chính sách xã hội cần xây dựng một đề án huy động vốn cho giai đoạn tới để tạo nguồn cung cấp vốn; các thành viên Hội đồng quản trị quan tâm làm việc với các địa phương trong việc đẩy mạnh cung cấp vốn ủy thác để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay, xem xét huy động cả các nguồn vốn hợp pháp khác.
“Ngân hàng Chính sách xã hội không thể chỉ dựa vào nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước hay tỉ lệ 2% số dư tiền gửi của các ngân hàng thương mại mà phải tìm ra cách thức huy động vốn từ thị trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đối với các chương trình cho vay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghịNgân hàng Chính sách xã hội đề xuất với Đảng, Nhà nước việc tập trung cơ chế cho các chính sách chủ lực với mức cho vay, cách thức cho vay hiệu quả nhất.
“Là ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng lại nằm trong thể chế kinh tế thị trường thì các chính sách phải đón nhận được các lợi ích thị trường nhằm kích thích tính năng động của người nghèo để họ vươn lên thoát nghèo, thậm chí là vươn lên làm giàu.
Trong các chính sách cho vay, có lĩnh vực cần vay thì định mức cho vay thấp trong có lĩnh vực không cần tập trung thì định mức cho vay lại cao.
Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất chính sách cần không chồng chéo, sát với cuộc sống, với mong mỏi của người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xác định năm 2017 phải tập trung sâu vào thiết kế các chương trình cho vay gắn trực tiếp với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.