Đã có 20 năm gắn bó với môn Lịch sử, 10 năm bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch sử, cũng là giáo viên đầu tiên của tỉnh Nghệ An được Hội khoa học Lịch sử Việt Nam mời ra tôn vinh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Tp Vinh, Nghệ An) chia sẻ quan điểm về việc 6 môn thi tốt nghiệp THPT 2013 không có môn này.
- Sau khi công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 không có môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT lý giải đó là do bốc thăm xác suất ngẫu nhiên, không ai can thiệp được? Thầy nghĩ sao về kết quả này?
Thầy Trần Trung Hiếu: Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu năm nay môn Lịch sử nằm trong các môn thi tốt nghiệp THPT thì là chuyện bình thường, còn Bộ GD&ĐT quyết định và công bố 6 môn thi (dù quyết định đó dưới hình thức bốc thăm ngẫu nhiên hay chọn) không có môn Lịch sử mới là điều khác thường. Tôi khá bất ngờ. Bởi nhiều yếu tố, trong đó theo tôi có 3 lý do cơ bản mà nếu đưa môn Sử vào thi tốt nghiệp mới là hợp lý.
Thứ nhất, trong mấy năm gần đây, thực trạng dạy học môn Sử trong trường phổ thông đã gây ra sự bức xúc, nỗi lo âu của xã hội bằng sự phản ánh qua điểm số các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh vào đại học, qua các sân chơi truyền hình và qua dư luận xã hội.
Có người cho rằng, hay là Bộ GD&ĐT lo sợ nếu quyết định thi môn Sử thì kết quả tốt nghiệp sẽ thấp hơn nhiều so với một số môn khác, sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung về tỉ lệ tốt nghiệp của nhiều địa phương. Lúc đó, ngành giáo dục sẽ phải đối mặt với hiệu ứng ngược là sự bức xúc của phụ huynh học sinh, dư luận xã hội, là sự quy trách nhiệm với ngàn lẻ một lý do…
Thầy Trần Trung Hiếu (bên phải) chụp chung với GS Phan Huy Lê tại Hội thảo khoa học về khởi nghĩa Hoan Châu tại Nam Đàn, Nghệ An tháng 2/2013. |
Chúng tôi thiết nghĩ, đơn thuốc “hai không” của Phó Thủ tướng Nguyện Thiện Nhân (trước là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) kê ra và “điều trị” gần 7 năm qua đã bị căn bệnh “thành tích” làm “nhờn thuốc”, thì sự biện hộ đó là khó chấp nhận và hoàn toàn không thuyết phục. Với kiểu coi thi “chặt” ở ngoài phòng thi, trường thi, “lỏng” ở trong phòng thi ở rất nhiều Hội đồng coi thi trên toàn quốc thì không chỉ có môn Sử mà còn những môn khác cũng như vậy thôi, không chỉ một “Đồi ngô”mà còn nhiều vụ việc tương tự kiểu “Đồi khoai”, “Đồi sắn”, “Đồi X”…
Thứ hai, vào tháng 8/2012 tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam đã phối hợp tổ chức “Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học môn Lịch Sử ở trường phổ thông Việt Nam”. Đây là cuộc Hội thảo với quy quốc gia đầu tiên có sự phối hợp của 2 cơ quan này, quy tụ gần 500 đại biểu là các nhà quản lý, các GS.TS khoa học, chuyên gia sư phạm đầu nghành ở các Viện, Vụ, Trung tâm, trường đại học - cao đẳng và các giáo viên cốt cán môn Sử trên toàn quốc.
Thông điệp quan trọng nhất mà Hội thảo kiến nghị, đề xuất là đưa môn Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, nghiên cứu có thể tăng thêm thời lượng cho môn Lịch sử, đặc biệt là đề nghị môn Sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, những kiến nghị đầy nhân văn đó có vẻ như vẫn chỉ là những đề xuất, giải pháp vẫn chỉ là những “dự án” nằm trên văn bản giấy tờ! Môn Sử năm nay lại không trở thành môn thi tốt nghiệp ở cả hệ THPT lẫn hệ giáo dục thường xuyên.
Thông điệp quan trọng nhất mà Hội thảo kiến nghị, đề xuất là đưa môn Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, nghiên cứu có thể tăng thêm thời lượng cho môn Lịch sử, đặc biệt là đề nghị môn Sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, những kiến nghị đầy nhân văn đó có vẻ như vẫn chỉ là những đề xuất, giải pháp vẫn chỉ là những “dự án” nằm trên văn bản giấy tờ! Môn Sử năm nay lại không trở thành môn thi tốt nghiệp ở cả hệ THPT lẫn hệ giáo dục thường xuyên.
Thứ ba, trong những năm gần đây, những cụm từ “yêu nước”, “thi đua yêu nước”, “ý thức dân tộc” … được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi vấn đề chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi âm mưu và hành động của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Việc học và thi môn Sử sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu được hơn như thế nào là quá khứ hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông và ý thức rõ hơn được trách nhiệm, việc làm của mình để tri ân những các bậc tiền nhân đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
- Là người lâu năm dạy Sử cũng như bồi dưỡng đội tuyển Sử của tỉnh và quốc gia, thầy có chạnh lòng không?
Thầy Trần Trung Hiếu: Theo tôi, sẽ vô cùng nguy hiểm khi chúng ta tạo dựng cho học sinh phổ thông một quan niệm, một thói quen là có thể vài ba năm liên tục không thi tốt nghiệp môn Lịch sử. Hiện nay, Lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong các môn học ở trường phổ thông. Minh chứng rõ nét là trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông, môn Lịch Sử bị coi là môn phụ, là môn thi thay thế, có năm thi, năm không.
Cứ vào dịp cuối tháng 3 hàng năm, nhiều học sinh, phụ huynh cứ phải hồi hộp, lo âu với nhiều cung bậc cảm xúc lo sợ, vui mừng khi có hay không thi môn Sử! Chúng tôi tin rằng, đến thời điểm này, rất nhiều trường THPT, đến tiết Sử trò cũng không học, thầy cũng không muốn dạy. Nếu dạy thì nhanh chóng dạy đuổi, dạy cắt xén nhiều kiến thức, nội dung chương trình để kiểm tra học kỳ trước, để dành thời gian cho ôn thi tốt nghiệp vì thi gì học nấy, không thi thì không học!
Tôi chỉ thương những học sinh còn yêu thích môn Sử và thi đại học khối C phải chịu nhiều thiệt thòi trong giai đoạn nước rút. Thật đáng buồn nhưng không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của học sinh mà là trách nhiệm của nền giáo dục còn quá nhiều bất cập.
- Thầy đánh giá về nhiệm vụ, vai trò của môn Sử đối với học sinh phổ thông như thế nào?
Thầy Trần Trung Hiếu: Trong nền giáo dục phổ thông, tất cả các môn học đều có vị trí và yêu cầu riêng phù hợp với đặc thù của môn học đó, đều góp phần trang bị hệ thống học vấn của học sinh, đều đào tạo năng lực mang tính phổ thông cho thế hệ trẻ.
Riêng với môn Sử, nó không chỉ trang bị kiến thức cần thiết về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn góp phần quan trọng trong bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương xứ sở, tinh thần tôn trọng các giá trị lịch sử văn hóa nhân loại, trong việc hình thành nhân cách và bản lĩnh thế hệ trẻ, trách nhiệm của công dân với Tổ quốc.
Đối với Việt nam, môn Sử lại càng giữ vai trò quan trọng gắn liền với sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Do vị trí địa – chính trị và địa – quân sự của nước ta trong khu vực mà hàng ngàn năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với các đế chế lớn xâm lược của châu Á, châu Âu, châu Mỹ, trong đó gần như thường xuyên là các đế chế từ Trung Quốc.
Ngày nay, nhiệm vụ xây dựng đất nước vẫn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, vấn đề khẳng định chủ quyền thiêng liêng đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến lịch sử dân tộc, không có một niềm tự tin vào sức mạnh dân tộc, không kế thừa truyền thống của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước thế lực bạo tàn, đó là có tội với tổ tiên, thất lễ với lịch sử. Nhân dân ta sáng tạo ra lịch sử với tất cả công sức và tính mạng của mình để dựng nên giang sơn, gấm vóc đất Việt ngày nay thì thế hệ trẻ phải hiểu sâu sắc điều đó thông qua học môn Sử và thi môn Sử. Từ đó, môn Lịch sử càng phải đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông.
- Để nâng cao chất lượng của việc dạy, học môn này theo thầy chúng ta phải làm gì?
Thầy Trần Trung Hiếu: Theo tôi, để nâng cao chất lượng giáo dục môn Sử trong trường phổ thông, việc thi hay không thi tốt nghiệp môn Sử có ý nghĩa to lớn và sâu sắc, đặc biệt trong những năm gần đây. Nhưng vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay là nhận thức về vị thế môn Sử trong nền giáo dục phổ thông, từ đó mới xác định rõ được mục tiêu, yêu cầu của môn Sử. Nói một cách giản đơn là học Lịch sử để làm gì? Và từ đó cần học những gì? Lúc đó sẽ là chìa khóa để lý giải quyết định thi hay bỏ thi môn Sử.
- Qua đây thầy có muốn gửi thông điệp gì tới Bộ GD&ĐT?
Thầy Trần Trung Hiếu: Vẫn biết rằng, việc thay đổi một hệ thống về môn Sử đã tồn tại trong nhiều năm qua không thể nóng vội và làm trong một sáng một chiều. Từ việc Bộ GD&ĐT công bố quyết định không thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm nay, chúng tôi chỉ muốn gửi một thông điệp rằng: đừng bao giờ coi môn Sử là “môn phụ” và hãy đặt đúng vị trí và tầm quan trọng của nó trong dạy học, thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt trong việc giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc, khi mà chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta đang bị đe dọa bởi những hành động trắng trợn của Trung Quốc. Nói và làm theo tinh thần đó chính là căn nguyên đầu tiên và cơ bản giúp học sinh đam mê, giỏi môn Sử.
- Xin cảm ơn thầy!
Xuân Trung