Nhiều năm nay, Thương mại điện tử đã tăng trưởng mạnh mẽ và đang là một trong những lĩnh vực tiên phong phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. [1]
Ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh là một trong những cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực ngành Thương mại điện tử.
Chương trình đào tạo áp dụng mô hình CDIO tiên tiến
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh nhận định, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ là điều tất yếu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Cô Oanh cho biết, Thương mại điện tử là một trong 6 ngành đào tạo đại học chính quy của Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh. Chương trình đào tạo được áp dụng mô hình CDIO tiên tiến, lấy chuẩn đầu ra làm nền tảng xây dựng chương trình và phương pháp đào tạo. Cụ thể, CDIO đảm bảo chương trình được thiết kế logic, khoa học và thực tiễn, với sự tham gia của các bên liên quan như nhà tuyển dụng, sinh viên và cựu sinh viên. Theo đó, sinh viên được trang bị khả năng tiếp cận, mô hình hóa các vấn đề kinh doanh, đề xuất giải pháp công nghệ và phát triển phần mềm quản lý hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hội nhập thị trường lao động trong nước và quốc tế.
“Chương trình bao gồm 3 khối kiến thức: đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành, được rà soát định kỳ và cập nhật thường xuyên. Do vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử sẽ có kiến thức am hiểu về chuyên môn nghề nghiệp, đồng thời trang bị kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp trong môi trường kinh doanh số.
Cụ thể, về không gian học tập, sinh viên được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu học lý thuyết, rèn luyện kỹ năng, thực hành và học tập trong môi trường số. Ngoài ra, việc đánh giá học tập của sinh viên được sử dụng đa dạng các phương pháp như trắc nghiệm, tiểu luận, bài tập lớn, báo cáo và đồ án.
Về cấu trúc chương trình dạy học, ngoài các học phần thuộc các khối kiến thức chuyên ngành kinh tế, tổ chức kinh doanh quản lý, chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử còn bao gồm các học phần về công nghệ thông tin giúp trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng, nâng cao về mạng máy tính, an ninh mạng, chữ ký số, các kiến thức trong quản trị mạng, bảo mật và bảo toàn thông tin như thiết kế và quản trị cơ sở dữ liệu, phát triển website thương mại điện tử, quản trị website thương mại điện tử…”, cô Oanh bày tỏ.
Cô Oanh thông tin, đến nay, ngành Thương mại điện tử đã có 3 khóa đào tạo, với quy mô các khóa từ 30 đến 50 sinh viên. Thực tế cho thấy, số lượng sinh viên là nam thường chiếm tỷ lệ dao động từ 40-50% và sinh viên nữ là 50-60%. Số liệu trên đã cho thấy sự quan tâm của sinh viên đến ngành Thương mại điện tử không phân biệt theo giới tính.
Theo Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh, sinh viên theo học ngành Thương mại điện tử được được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc như: Phát triển tư duy sáng tạo, định hướng kinh doanh, lên ý tưởng khởi nghiệp; khả năng tự phát triển ý tưởng kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng website, thiết bị di động (IOS, Android); phát triển kỹ năng viết, tiếp thị trực tuyến, tiếp thị nội dung trên các kênh thương mại điện tử thông qua các nền tảng web, mạng xã hội…
Hiện nay, nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ. Trong đó, đội ngũ gồm: 12 cán bộ cơ hữu và hơn 40 cán bộ tham gia giảng dạy, đào tạo sinh viên ngành Thương mại điện tử (7 phó giáo sư, 33 tiến sĩ). Các cán bộ được quy hoạch, tuyển dụng đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn cao, tích cực tham gia vào các loại hình nghiên cứu khoa học khác nhau và xã hội hóa kết quả nghiên cứu.
"Hàng năm, nhà trường luôn tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên như: Tham gia các chương trình tập huấn giảng viên về Thương mại điện tử, kinh tế số do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức...", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Thị Kim Oanh chia sẻ.
Việc làm đa dạng nhưng đòi hỏi ứng viên cần có khả năng cập nhập xu hướng mới
Để gia tăng sức hút đối với ngành Thương mại điện tử, cô Oanh nhấn mạnh, bên cạnh những chương trình, hoạt động đã và đang được triển khai có hiệu quả, nhà trường sẽ tăng cường các chiến lược mang tính đột phá như: Nâng cao chất lượng và tăng tính hấp dẫn trong các hoạt động đào tạo; đẩy mạnh và đa dạng hóa các kênh quảng bá tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục phổ thông; tham gia vào các tổ chức, hiệp hội thương mại điện tử, các trung tâm hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho sinh viên; nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, nhà khoa học, giảng viên.
“Nhờ đó, cơ hội việc làm đối với ngành Thương mại điện tử luôn được kỳ vọng dẫn đầu xu hướng và cần nguồn nhân lực lớn trong tương lai. Theo tôi, với những kiến thức, kỹ năng học trên trường, sinh viên có thể đảm nhận được nhiều vị trí như: Chuyên viên thương mại điện tử, marketing online, thiết kế website; chuyên viên xây dựng, quản trị vận hành giao dịch thương mại trực tuyến; chuyên viên kinh doanh trực tuyến tại các công ty có ứng dụng thương mại điện tử; chuyên viên phân tích sự phát triển và quản lý hiệu suất của hoạt động thương mại điện tử trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể làm việc trong các tổ chức nhà nước, chính quyền địa phương thực hiện cổng giao tiếp, giao dịch điện tử, hoặc khởi nghiệp doanh nghiệp riêng hoạt động về lĩnh vực thương mại điện tử”, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh nêu quan điểm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trịnh Dương Chinh - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á chi nhánh tỉnh Nghệ An nhận định, Thương mại điện tử không chỉ là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số mà còn là một trong những lĩnh vực được dự báo sẽ tạo ra nhiều việc làm trong tương lai.
Theo ông Chinh, tại Nam Á Bank chi nhánh tỉnh Nghệ An, sự phát triển của Thương mại điện tử đã giúp tăng cường hiệu quả kinh doanh và cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua việc tích hợp các nền tảng thanh toán như Momo, ZaloPay và Apple Pay. Do đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực Thương mại điện tử đang tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong các doanh nghiệp hoạt động về mảng tài chính-ngân hàng. Nhiều sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí như: Chuyên viên quan hệ khách hàng, phát triển dịch vụ thanh toán số hoặc hỗ trợ giao dịch trực tuyến. Mỗi vị trí đòi hỏi nhân sự phải có khả năng kết nối giữa ngân hàng với các nền tảng Thương mại điện tử để mở rộng thị phần dịch vụ và tăng sự hài lòng của khách hàng.
“Mức lương khởi điểm tại Nam Á Bank dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ngành này dao động từ 9-10 triệu đồng/ tháng và có thể tăng thêm tùy theo hiệu suất công việc. Do đó, để tăng thu nhập, các ứng viên cần chú trọng đến việc phát triển kỹ năng và đổi mới bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp. Đặc biệt, sinh viên ngành Thương mại điện tử cần rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy công nghệ, khả năng giải quyết vấn đề và nâng cao tinh thần học hỏi.
Còn về phía doanh nghiệp, Nam Á Bank chi nhánh tỉnh Nghệ An luôn có các chương trình hỗ trợ, khoá đào tạo ngắn hạn từ 1-2 tuần để hướng dẫn các kỹ năng thực tế cho nhân sự mới, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Đồng thời, ngân hàng cũng hợp tác với các trường đại học để cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên ngay từ năm 3, năm 4. Bởi tôi cho rằng, việc thực tập sớm giúp sinh viên làm quen với thực tế công việc và hòa nhập văn hóa doanh nghiệp nhanh hơn,” ông Chinh khẳng định.
Theo ông Chinh, Nam Á Bank đã và đang tích cực tìm kiếm các ứng viên tiềm năng ngay từ khi còn là sinh viên thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho những bạn trẻ xuất sắc. Từ đó, các ứng viên có thể rút ngắn thời gian hòa nhập và nhanh chóng nâng cao năng lực làm việc khi trở thành nhân viên chính thức tại doanh nghiệp.
“Như vậy, chúng ta dễ nhận thấy cơ hội lớn mà ngành này mang lại và chúng tôi luôn kỳ vọng các bạn trẻ sẽ phát huy thế mạnh của mình để đáp ứng yêu cầu từ thị trường. Đặc biệt, với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, tôi tin rằng, ngành Thương mại điện tử sẽ hướng đến là lĩnh vực dẫn đầu trong tiến trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á chi nhánh tỉnh Nghệ An bày tỏ.
Còn theo quan điểm của bà Phan Thị Kim Hoàn, người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông cho hay, Thương mại điện tử không chỉ đơn thuần là mua bán trực tuyến mà còn bao gồm hàng loạt các hoạt động khác như tiếp thị kỹ thuật số, quản lý chuỗi cung ứng, phân tích dữ liệu khách hàng và phát triển hệ thống thanh toán trực tuyến.
Theo bà Hoàn, nhu cầu nhân sự tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, mức lương và điều kiện làm việc sẽ phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp và năng lực của ứng viên. Trong đó, các doanh nghiệp thường đánh giá ứng viên dựa trên 2 yếu tố chính: năng lực cá nhân và sự phù hợp với chiến lược phát triển của công ty. Đối với doanh nghiệp nhỏ thường yêu cầu nhân viên kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong khi doanh nghiệp lớn có các vị trí chuyên biệt hơn như chuyên viên quản lý bán hàng trực tuyến, nhà phân tích dữ liệu hoặc chuyên gia phát triển chiến lược Thương mại điện tử.
Tuy nhiên, việc sinh viên mới ra trường tìm kiếm vị trí phù hợp không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các doanh nghiệp thường có các yêu cầu riêng biệt và không phải lúc nào cũng có sự đồng bộ giữa chương trình đào tạo tại trường và nhu cầu thực tế của thị trường. Do đó, sinh viên phải chủ động nâng cao kỹ năng chuyên môn như hiểu biết sâu về công cụ phân tích dữ liệu, quản lý nền tảng Thương mại điện tử và kiến thức về quản trị chuỗi cung ứng.
“Theo tôi, ngành Thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra nhiều thách thức. Do vậy, sinh viên cần nhận thức rõ sự cạnh tranh này, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ không ngừng thay đổi. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và các công nghệ mới khác đòi hỏi người làm trong ngành Thương mại điện tử phải luôn cập nhật kiến thức và thích nghi nhanh chóng với các xu hướng mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực để chiêu mộ nhân sự tiềm năng, đồng thời giữ chân nhân tài. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình hợp tác với trường đại học để đào tạo và tìm kiếm nhân sự tiềm năng ngay từ ghế nhà trường. Do đó, để thành công, sinh viên cần chủ động học hỏi, cập nhật công nghệ mới và tìm kiếm các cơ hội thực tập hoặc làm việc thực tế để trau dồi kỹ năng”, bà Hoàn nêu quan điểm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baochinhphu.vn/toa-dam-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-co-hoi-dong-luc-va-thach-thuc-1022408140827479.htm