5 điều "cốt tử" khi phê bình, tự phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4

24/07/2012 06:48
Hải Đường
(GDVN) - Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay", toàn Ðảng đang tiến hành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, các cấp ủy đảng và từng cá nhân kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Ðây là một trong bốn nhóm giải pháp mà Nghị quyết đã xác định. Nếu thực hiện tốt sẽ là một cú huých quan trọng, để tiến hành đồng thời với các giải pháp khác.
Mục đích kiểm điểm, tự phê bình và phê bình  nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Do vậy, công tác chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất, tránh làm lướt,  hình thức, chiếu lệ.  
Trong lịch sử  82 năm vẻ vang của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối đã dày công trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đảng, đảng viên thường xuyên tự phê bình, phê bình, để góp phần "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Ngay từ tháng 7-1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm nổi tiếng Tự chỉ trích. Đồng chí nêu một nguyên tắc hàng đầu trong tự phê bình, phê bình là: “Tự chỉ trích bôn-sơ-vích nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng – dù là đúng – đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”. Những điều cảnh báo đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Trong những năm qua, cùng với những kết quả đạt được sau mỗi đợt xây dựng, chỉnh đốn đảng, cũng xuất hiện không ít những tồn tại, khuyết điểm. Một trong những khuyết điểm kéo dài là bệnh hình thức. Biểu hiện của bệnh hình thức trong tự phê bình, phê bình có nhiều, nhưng tập trung ở mấy điểm sau đây:Một là, làm lướt, làm chiếu lệ. Có nơi tổ chức kiểm điểm, phê bình cả tập thể ban thường vụ 13 đồng chí nhưng chỉ làm trong một buổi sáng. Nhiều bản kiểm điểm viết chung chung, hời hợt, chưa đầy hai trang giấy. Nội dung kiểm điểm toàn nêu ưu điểm, nêu những vấn đề chung chung, theo kiểu "thành tích của tôi, khuyết điểm của chúng ta". Có đồng chí lãnh đạo từng lưu ý trong hội nghị, đại ý: Khi kiểm điểm đề nghị nói cho rõ, cho hết ý và nên dùng đại từ tôi. Chúng ta sai lầm cái gì, vi phạm cái gì? Không được né tránh khuyết điểm. Chúng ta trong trường hợp này chỉ là một tá chung chung.Hai là, không có sự chuẩn bị chu đáo, tích cực. Mặc dù cấp trên đã gợi ý về nội dung kiểm điểm với cấp ủy và một số cá nhân, nhưng những gợi ý đó cũng không được xem xét, liên hệ sâu sắc. Chuẩn bị chu đáo được thể hiện ở chỗ: Người viết bản kiểm điểm phải dành thời gian suy nghĩ thật kỹ, soi xét lại mình, lắng nghe ý kiến đồng chí và mọi người chung quanh để tự đánh giá bản thân một cách khách quan, nghiêm khắc nhất. Hiện tượng một số cán bộ chủ chốt nhờ người khác viết giúp bản kiểm điểm, rồi hiện tượng "sao chép" các bản kiểm điểm đã từng có ở nhiều nơi.Ba là, khi phê bình mình và phê bình người khác có tình trạng chủ yếu nói về thành tích và ưu điểm. Thủ trưởng thì thường được khen là: Có tầm nhìn xa, kiên quyết và bản lĩnh, được đào tạo cơ bản, giữ vững nguyên tắc, hòa đồng với anh em... Phần khuyết điểm thì được biến thành "những điều mong muốn". Mong đồng chí giữ gìn sức khỏe, phân công, phân cấp mạnh hơn. Mong đồng chí sắp xếp thời gian khoa học, dành thời gian đi cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn anh em được nhiều hơn. Mong đồng chí quan tâm hơn tới bộ phận phục vụ... Khi thủ trưởng có khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành, thì người góp ý tìm cách đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể. "Tập thể thông qua rồi, đồng chí ấy chỉ là người thay mặt, thừa hành". "Thực tiễn vận động nhanh quá, nhiều vấn đề quá mới và phức tạp, chúng ta, ai làm cũng khó tránh khỏi, phải thông cảm cho đồng chí ấy". Do “dĩ hòa vi quý”, không nghiêm khắc trong phê bình mình và phê bình đồng chí, cho nên có nơi báo cáo kết quả kiểm điểm “rất tốt”, nội bộ đoàn kết thống nhất cao, nhưng chỉ sau đó ít ngày cấp trên nhận được rất nhiều đơn , thư tố cáo về các vụ tham nhũng, tiêu cực và tình trạng mất dân chủ, chia bè kéo cánh ở đây.Bốn là, khi phê bình tập thể thường còn có những tiếng nói "nặng ký", phân tích, phê phán rất quyết liệt, nhưng chẳng khác nào võ sĩ đấm vào không khí. Còn khi góp ý cho từng cá nhân thì nhẹ như bấc, chẳng thấy bóng dáng ai liên quan đến khuyết điểm đó. Người ta nói rất hay về cái riêng và cái chung, tôi và chúng ta, nhưng hễ động tới khuyết điểm thì lại được phù phép, lại cho vào cái rọ "khuyết điểm của chúng ta". Nói đạo lý rất nhiều, đến khi phê cụ thể thì chỉ được một câu “tính tình đồng chí đôi lúc còn nóng nảy”. Có người tỏ ra thành khẩn nhận khuyết điểm về mình, hứa hẹn sửa chữa, nhưng thực chất chỉ nhận, chỉ hứa cho qua chuyện.Năm là, ở nhiều nơi, do đánh giá cán bộ, đảng viên không đúng mà không khí phê bình rất nặng nề. Ðánh giá cán bộ là việc khó, ý kiến thường khác nhau. Nhưng sẽ không khó khi người đứng đầu cấp ủy, đơn vị thật sự công tâm, trong sáng, không sa vào bè phái, cục bộ, bản vị. Sẽ không khó khi luôn lắng nghe mọi người, từ các  đồng chí lãnh đạo đến nhân viên phục vụ, để sàng lọc, phân tích. Ðiều rất quan trọng trong phê bình là phải đánh giá đúng người, đúng việc. Ðánh giá sai, phê bình sẽ chệch hướng, thậm chí phản tác dụng, biến phê bình thành nơi công kích lẫn nhau, nói xấu và bôi nhọ danh dự người khác. Làm thế nào để khắc phục bệnh hình thức trong đấu tranh tự phê bình, phê bình? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tự phê bình và sửa chữa có khi dễ, nhưng cũng có khi khó khăn đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Ðó là một cuộc đấu tranh. Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch; tự mình không cải tạo được mình mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm". Khắc phục bệnh hình thức trong kiểm điểm, phê bình gắn liền với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Ðổi mới và chỉnh đốn đảng luôn gắn liền với nhau. Một tổ chức Ðảng không đủ năng lực lãnh đạo, một cán bộ chủ chốt tri thức hạn chế, trình độ chuyên môn yếu thì không đủ khả năng, trình độ để góp ý, phê bình cho người khác. Người xưa từng nói: "Người chê mà chê phải là thầy của ta". Cho nên muốn kiểm điểm, phê bình sâu sắc phải chuẩn bị về nhiều mặt, trong đó, đáng chú ý là kiến thức toàn diện, nhất là về lý luận chính trị, xây dựng đảng. Phê bình với tình thương yêu đồng chí, trung thực công tâm, không định kiến, không thiên vị, không nghe thông tin một chiều. Cấp trên làm trước, gương mẫu tự phê bình, phê bình để cấp dưới noi theo. Ðó là truyền thống của Ðảng ta và cũng là cái mới của Nghị quyết T.Ư 4 lần này. Kết quả của kiểm điểm từ cấp ủy cấp trên sẽ ảnh hưởng, lan tỏa rất mạnh mẽ trong toàn Ðảng. Trong quá trình kiểm điểm, những vấn đề đã rõ, những khuyết điểm đã rõ cần phải được điều tra, xem xét, xử lý theo quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Người có dũng khí tự phê bình khi thấy mình có khuyết điểm lớn, không đủ uy tín và năng lực, có thể xin từ chức. Và như Nghị quyết đã xác định, làm chưa được thì làm lại. Như thế mọi biểu hiện lệch lạc trong sinh hoạt tự phê bình, phê bình sẽ được chấn chỉnh, mang lại sức sống mới trong xây dựng, chỉnh đốn đảng, mang lại niềm tin cho nhân dân.
Hải Đường