8 sai phạm nổi cộm trong khai thác tài nguyên

29/09/2014 14:13
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại phiên làm việc sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Quý Vương chỉ rõ nhiều sai phạm trong khai thác tài nguyên.

Địa phương buông lỏng quản lý

Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, từ năm 2008 đến nay có hơn 6200 vụ vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, xử phạt trên 40 tỷ đồng, đề nghị khởi tố 4 vụ, 16 đối tượng, trong đó có hơn 3343 vụ liên quan đến hoạt động khai thác tiêu thụ cát sỏi trên các dòng sông.

Tướng Vương nêu rõ 8 vấn đề nổi cộm qua rà soát 957 giấy phép cấp từ1/7/2011 đến 31/12/2012: Một là cấp phép không đúng thẩm quyền, điển hình là tại các tỉnh: Vĩnh Long, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai…; Hai là cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản; Ba là cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức cán nhân, không đấu giá quyền khai thác; Bốn là cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản; Năm là cấp phép khai thác khi không có giấy chứng nhận đầu tư; Sáu là cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; Bảy là cấp phép khi không có báo cáo đánh giá về tác động môi trường; Tám là cấp phép khi chưa được phê duyệt chữ lượng khoáng sản.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an tại phiên làm việc sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an tại phiên làm việc sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, công tác quản lý sau cấp phép ở một số địa phương cũng chưa thực hiện kiên quyết dẫn tới xảy ra sai phạm.

“Công tác quản lý chưa quyết liệt ở địa phương dân tới khai thác khoáng sản gây ra hậu quả rất nghiêm trọng là tàn phá môi trường, thất thoát lãng phí tài nguyên, mất an toàn lao động và gây mất trật tự an ninh xã hội. Từ chuyện khai thác này liên quan đến vấn đề xuất khẩu khoáng sản, nhiều công ty được phép xuất khẩu nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu như giấy phép. Thí dụ, Công ty CP Quốc tế Hưng Thái (Thái Nguyên) xin xuất khẩu 360 nghìn tấn quặng tồn kho, nhưng thực tế báo cáo tồn kho kê khai năm 2012 chỉ đạt trên 54%, không đảm bảo. Một thí dụ khác ở tỉnh Lạng Sơn là doanh nghiệp Anh Thắng xin xuất khẩu 150 nghìn tấn quặng bô-xít, nhưng khi yêu cầu kiểm tra hàng tồn kho thì lại xin hoãn không xuất khẩu... Như vậy giữa đăng ký xuất khẩu và khai thác có những dấu hiệu gian lận trong đăng ký. Từ việc khai thác khoáng sản cũng dẫn tới chuyện xuất khẩu nhất là các địa bàn giáp Việt Nam diễn biến phức tạp", Tướng Vương cho biết.

Giải pháp nào ngăn chặn?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, năm 2012, Bộ đã lập biên bản 35 đơn vị với số tiền 513,9 triệu đồng; kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan thu hồi 15 Giấy phép khai thác khoáng sản cấp không đúng quy định của pháp luật về khoáng sản; đề nghị tạm đình chỉ 2 giấy phép khai thác khoáng sản.

Năm 2013, Bộ đã thanh tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về khoáng sản đối với một số doanh nghiệp và địa phương, đã phát hiện và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 305,5 triệu đồng; phát hiện và đề nghị UBND các tỉnh: Bình Định, Trà Vinh không gia hạn 15 giấy phép khai thác khoáng sản không đủ điều kiện gia hạn và thu hồi 1 giấy phép khai thác cấp không đúng quy định tại tỉnh Trà Vinh.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, Bộ tiến hành thanh tra chuyên đề hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng tại 5 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu; kiểm tra định kỳ hoạt động khoáng sản tại 2 tỉnh: Hà Giang, Nghệ An; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép tại 6 tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên; kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép tại tỉnh Thanh Hóa và nhiều đợt kiểm tra đột xuất khác.

Kết quả, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 5,26 tỷ đồng; thu hồi 01 giấy phép khai thác do quá thời gian quy định mà không đưa mỏ vào hoạt động.

Đến nay, đối với 22 tỉnh có vi phạm trong việc cấp giấy phép, đã có 18/22 tỉnh gửi báo cáo và đã triển khai, khắc phục vi phạm, gồm: Bắc Ninh, Bình Định, Đắk Nông, Đồng Nai, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Điện Biên, Khánh Hoà, Phú Yên, Tây Ninh; 02 tỉnh là Phú Yên, Tây Ninh đã khắc phục nhưng chưa triệt để. Các tỉnh Bình Định, Đồng Nai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long đã khắc phục vi phạm, nhưng chưa có báo cáo nội dung việc kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 29/9. Ảnh: Ngọc Quang.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 29/9. Ảnh: Ngọc Quang.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản như đã nêu ở trên. Tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản để chính thức công bố danh mục các văn bản đã hết hiệu lực, cần bãi bỏ; các văn bản đang còn hiệu lực hoặc còn hiệu lực một phần và kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cần ban hành mới hoặc thay thế.

Thứ hai, tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; thu hồi sản phẩm từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và việc triển khai các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm là cát để đề xuất các giải pháp quản lý theo quy định của Luật khoáng sản, đồng thời phù hợp với tính đặc thù của các hoạt động này.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm: Tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra khoáng sản từ Trung ương đến địa phương; nghiên cứu đổi mới cơ chế giám sát hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án cố tình kéo dài thời gian, không triển khai công tác xây dựng cơ bản mỏ; không thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép hết hạn; khai thác không có thiết kế mỏ; gây mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không thực hiện nghĩa vụ thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản: Tiếp tục duy trì hình thức giao lưu trực tuyến giữa Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường với người dân và doanh nghiệp ít nhất 02 lần/năm; tiếp tục duy trì các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường (trong đó có lĩnh vực khoáng sản) cho Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, cán bộ phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, các phóng viên, báo chí; phối hợp có hiệu quả với Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam trong công tác tuyên truyền, giải đáp pháp luật về khoáng sản thông qua hình thức tọa đàm, giao lưu, trả lời phỏng vấn.

Ngọc Quang