Án tử hình dành cho 2 “quan tham” trong “đại án” tham nhũng tại ALC II

15/11/2013 20:39
Ngọc Luân
(GDVN) - Mức án cao nhất đã được Hội đồng xét xử tuyên phạt cho 2 bị cáo Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai, 2 kẻ được xác định là chủ mưu và cầm đầu các hoạt động tham nhũng tại Công ty ALC II. Đây là bản án nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội, cũng như gửi đến các “quan tham” khác còn lẫn khuất trong bóng tối một lời cảnh báo mạnh mẽ nhất.

Chiều nay, ngày 15/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “đại án” tham nhũng tại Công ty Cho thuê Tài chính II (gọi tắt là ALC II) - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam đã bước vào phần quan trọng nhất: Tòa tuyên án.

Giậy phút "nghẹt thở" của các bị cáo trước khi nghe Chủ tọa phiên tòa tuyên án
Giậy phút "nghẹt thở" của các bị cáo trước khi nghe Chủ tọa phiên tòa tuyên án

Sau 2 ngày nghị án, Hội đồng xét xử của phiên tòa được dư luận hết sức quan tâm này, đã đưa ra quyết định cuối cùng của mình: Tuyên án tử hình đối với 2 bị cáo Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai thep đúng như đề nghị của đại diện Viện KSND TP. HCM – được sự ủy quyền của Viện KSND Tối cao, giữ quyền công tố tại phiên tòa này.

Theo Hội đồng xét xử của phiên tòa: “quan tham” Vũ Quốc Hảo – nguyên Tổng giám đốc công ty ALC II, là người trực tiếp có quyền quyết định, điều hành mọi hoạt động của ALC 2. Bị cáo Hảo là chủ mưu, đối tượng chủ chốt, bàn bạc, thống nhất với cấp dưới thực hiện hành vi mượn pháp nhân, ký khống các hợp đồng cho thuê tài chính, nhưng thực chất lại là hoạt động cho vay để đảo nợ, quét nợ. Từ đó, bị cáo và các đồng phạm của mình đã tham nhũng – gây thiệt hại cho Nhà nước 531 tỷ đồng trong quá trình công tác của mình.

Các bị cáo đã cấu kết chặt chẽ nhằm thực hiện tội phạm với thủ đoạn tinh vi, che giấu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng và cơ quan pháp luật.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, gây bất bình trong dư luận nhân dân.

Vì vậy, Hội đồng xét xử nhận thấy cần phải có bản án thật tương xứng, đảm bảo nguyên tắc nghiêm trị đối tượng chủ mưu, cầm đầu, giúp sức tích cực và khoan hồng đối với các bị cáo đồng phạm giúp sức, vai trò có phần hạn chế, trong vụ án này.

Hội đồng xét xử đã bác bỏ lời biện hộ của các luật sư về việc 2 bị cáo này không phạm tội “Tham ô tài sản” vì không có cơ sở pháp lý.

Bị cáo Võ Quốc Hảo đã mất bình tĩnh sau khi nhận mức án cao nhất
Bị cáo Võ Quốc Hảo đã mất bình tĩnh sau khi nhận mức án cao nhất

Đại diện Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Vũ Thanh Lâm nhận định: “Đây là vụ án tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền thiệt hại rất lớn cũng như rất khó khắc phục hậu quả”

Mặc dù 2 bị cáo chủ mưu Võ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, có thành tích trong công tác, gia đình cách mạng… nhưng với tội danh “Tham ô” - gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên cần thiết phải có mức án cao nhất của khung hình phạt mới đảm bảo tác dụng răn đe, phòng ngừa, nhất là khi cả nước tập trung đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đại diện Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Vũ Thanh Lâm đã tuyên phạt bị cáo Vũ Quốc Hảo: tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt chung là: tử hình.

Bị cáo Đặng Văn Hai: tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt chung là: tử hình.

Bị cáo Đặng Văn Hai thất thần khi biết mình sẽ bị tử hình
Bị cáo Đặng Văn Hai thất thần khi biết mình sẽ bị tử hình

Ngoài ra, các bị cáo còn lại trong vụ án này được xác định là đối tượng giúp sức cho Hảo và Hai thực hiện các hành vi phạm tội.

Các bị cáo này cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ tội danh như: thành khẩn khai báo, lần đầu phạm tội, bị buộc phải nghe lời cấp trên… nên tòa đã tuyên mức án ngang bằng hoặc giảm nhẹ hơn so với đề nghị của Công tố viên, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Mức án cụ thể cho 9 bị cáo còn lại như sau:

Cùng về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Nguyễn Văn Tài bị tuyên phạt: 14 năm tù, Phạm Xuân Nghị: 14 năm tù, Nguyễn Văn Thọ: 13 năm tù, Lê Thị Tám: 5 năm tù, Hoàng Quốc Thịnh: 6 năm tù, Phạm Minh Tuấn: 6 năm tù, Lê Văn Phong: 6 năm tù, Khương Minh Hiệp: 3 năm tù, tất cả đều là án tù giam .

Riêng bị cáo Tôn Quang Việt bị tòa tuyên mức án: 5 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Về phần dân sự, tòa yêu cầu bị cáo Võ Quốc Hảo bồi thường lại cho Công ty ALC II: 280 tỷ đồng, bị cáo Đặng Văn Hai bồi thường cho Công ty ALC II: 133 tỷ đồng. Đồng thời, 2 bị cáo này phải bồi thường liên đới hơn 31 tỷ đồng cho Công ty ALC II.

Bên cạnh đó, tòa còn tuyên 9 bị cáo còn lại phải trả lại toàn bộ số tiền trước đây mình đã làm thất thoát, chiếm dụng của Công ty ALC II trong quá trình công tác.

Mặt khác, đối với số tiền thiệt hại hơn 531 tỷ đồng trong vụ án, Hội đồng xét xử cho rằng, số tiền này chỉ mới tính các khoản tiền trả nợ gốc và tiền trả nợ cá nhân chứ chưa tính đến số tiền hình thành từ tải sản cho thuê, trên thực tế, số thiệt hại cao hơn rất nhiều. Do đó, Hội đồng xét sẽ kiến nghị Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao điều tra, làm rõ thêm những thiệt hại khác.

Theo các chuyên gia pháp luật theo dõi phiên tòa này nhận định, đây là bản án nghiêm khắc và công minh, tương  xứng với các tội danh mà cơ quan điều tra đã xác định đối với từng bị cáo.  

Phiên tòa sơ thẩm vụ “đại án” tham nhũng mà các “quan tham” này gây ra tại Công ty ALC II, đã kết thúc sau 9 ngày xét xử, tranh tụng và nghị án. Bản án tử hình đối với 2 bị cáo chủ mưu đã nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội, cũng như gửi đến các “quan tham” khác còn lẫn khuất trong bóng tối một lời cảnh báo mạnh mẽ nhất. 

Ngọc Luân