"Bãi Cỏ Mây đã trong tầm ngắm của Trung Quốc"

24/03/2014 09:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu chiếm được bãi Cỏ Mây Trung Quốc sẽ có 2 chỗ cắm chân rất chắc hỗ trợ cho nhau, bởi Cỏ Mây rất gần đá Vành Khăn.
Xác chiến hạm cũ Philippines đánh chìm trên bãi Cỏ Mây năm 1999 làm nơi đồn trú cho lính gác, ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bành trướng về phía Đông quần đảo Trường Sa.
Xác chiến hạm cũ Philippines đánh chìm trên bãi Cỏ Mây năm 1999 làm nơi đồn trú cho lính gác, ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bành trướng về phía Đông quần đảo Trường Sa.

Defense News ngày 22/3 đưa tin, trong khi cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự chú ý vào Ukraine và hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia Airlines mất tích, một điểm nóng thời sự quốc tế vẫn đang diễn ra trên Biển Đông.

Hôm 10/3 hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn tàu vận tải Philippines cung cấp nhu yếu phẩm cho 8 lính thủy quân lục chiến nước này đang đồn trú trên bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cả Trung Quốc, Philippines và Đài Loan đều yêu sách "chủ quyền").

Một vài ngày sau đó quân đội Philippines đã có thể tiếp tế nhu yếu phẩm cho lực lượng đóng chốt trên bãi  Cỏ Mây bằng máy bay BN-2 Islander, thậm chí Manila tuyên bố sẽ tiếp tục phái tàu tiếp tế ra bãi Cỏ Mây, bất chấp phong tỏa của Trung Quốc.

Dẫn nguồn tin 1 quan chức hải quân Philippines, Defense News cho biết Manila sẽ tiếp tục hoạt động này với bất kỳ phương tiện nào có thể.

"Manila sẽ làm mọi thứ trong khả năng có thể để tiếp tế cho họ. Nếu rút quân khỏi bãi Cỏ Mây sẽ tạo ra trở ngại lớn với yêu sách tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông", Ian Storey, một chuyên gia tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á từ Singapore nhận xét.

Phó Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, chuyên gia an ninh Đông Á Wallace Chip Gregson cho rằng Philippines không có nhiều lựa chọn để chống lại sự phong tỏa của Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây.
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, chuyên gia an ninh Đông Á Wallace Chip Gregson cho rằng Philippines không có nhiều lựa chọn để chống lại sự phong tỏa của Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây.

Phó Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Wallace Chip Gregson, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương nhận xét, Trung Quốc có khả năng tính toán rằng Washington sẽ không sẵn sàng bất kỳ trợ giúp nào cho Philippines, tướng Wallace lo rằng Philippines sẽ không có nhiều lựa chọn để đối phó với sự phong tỏa của Trung Quốc.

Bãi Cỏ Mây đã trong tầm ngắm của Trung Quốc trong suốt một khoảng thời gian, hoạt động phát triển lực lượng Cảnh sát biển hùng hậu đang khiến cán cân hàng hải đang nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc, học giả Toshi Yoshihara từ Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ nhận xét.

Trung Quốc không tìm kiếm một đòn quyết định nhanh chóng trên biển, họ đang tìm kiếm thủ đoạn tạo ra sự mệt mỏi trong hoạt động của đối phương để đối phương nới lỏng các hoạt động kiểm soát của họ trên các đảo ở Biển Đông và Philippines sẽ có một khoảng thời gian khó giữ. Đây là một cuộc đấu của khả năng chịu đựng, đó là một cuộc chạy đua, không phải chạy đua nước rút, Yoshihara phân tích.

Banlaoi, người đứng đầu trung tâm Nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia PIPVTR đồng ý với nhận định này. Trong khi Philippines vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện đường lưỡi bò, trên thực địa họ đang gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động cung cấp nhu yếu phẩm cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây.

Trung Quốc đã đánh chiếm bất hợp pháp đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa năm 1990 - 1995 và xây dựng một pháo đài quân sự kiên cố tại đây. Đá Vành Khăn rất gần bãi Cỏ Mây, nếu chiếm được khu vực này thế lực của Trung Quốc ở Trường Sa sẽ càng trở nên nguy hiểm.
Trung Quốc đã đánh chiếm bất hợp pháp đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa năm 1990 - 1995 và xây dựng một pháo đài quân sự kiên cố tại đây. Đá Vành Khăn rất gần bãi Cỏ Mây, nếu chiếm được khu vực này thế lực của Trung Quốc ở Trường Sa sẽ càng trở nên nguy hiểm.

Sự cố gần đây trên bãi Cỏ Mây đang tạo ra áp lực về hành động và tài chính đối với Philippines trong việc duy trì sự hiện diện của họ. Trung Quốc đang đẩy Philippines đến giới hạn hoạt động và cho phép Bắc Kinh tận dụng lợi thế cục diện mới do nó tạo ra.

Trước đó, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roiilo Golez hôm 19/3 cảnh báo Trung Quốc sẽ chiếm bãi Cỏ Mây: "Tôi tin rằng động thái tiếp theo của Trung Quốc là kiểm soát và chiếm bãi Cỏ Mây. Việc Trung Quốc thôn tính bãi Cỏ Mây chỉ là trò trẻ con so với sự tàn bạo của Bắc Kinh trong việc xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và đánh chiếm đá Gạc Ma năm 1988".
Roilo Golez bình luận, nếu chiếm được bãi Cỏ Mây Trung Quốc sẽ có 2 chỗ cắm chân rất chắc hỗ trợ cho nhau, bởi Cỏ Mây rất gần đá Vành Khăn. Bãi Cỏ Mây sẽ là một phần rất mạnh trong chuỗi ngọc trai của Trung Quốc ở phía Đông quần đảo Trường Sa cũng như Biển Đông, kết hợp với tiền đồn tại Scarborough phía Bắc Biển Đông.
Hồng Thủy