Bằng chứng "phí chồng lên phí" đây thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng

07/04/2012 13:00
Độc giả Nguyễn Nam Sơn
(GDVN) - Chúng ta đã lập rất nhiều trạm thu phí cầu đường, nếu tiếp tục thu phí bằng một hình thức khác có khác gì phí chồng lên phí, thưa Bộ trưởng Thăng (?!).
Xung quanh câu chuyện đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên.

Đặc biệt, sau khi Bộ GTVT có những trả lời, khẳng định không có chuyện phí chồng lên phí khi thực hiện thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến của độc giả gửi về tòa soạn. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải một bài viết của một bạn đọc với nội dung, phân tích, đưa ra bằng chứng về vấn đề phí chồng lên phí gửi đến Bộ trưởng Đinh La Thăng. Mời bạn đọc theo dõi:
Câu chuyện thu phí giao thông trong những ngày qua, quả thực đã trở thành tâm điểm nóng cùng bàn luận của người dân cả nước. Bởi lẽ, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, giá cả leo thang, thu nhập còn thấp thì việc Bộ GTVT đưa ra đề án với những mức phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân như thế này đã tạo ra một sức ép lớn và bất ngờ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Dân trí).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Dân trí).

Ở đây, tôi cũng xin khẳng định, tôi không hề phủ nhận sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc đưa ra một giải pháp cụ thể mang tính pháp lý thì phải chính xác, có tính thuyết phục, hợp lý.
Chủ ôtô hiện phải nộp 8 loại thuế và phí gồm: 
- Thuế nhập khẩu ôtô
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế VAT
- Phí trước bạ
- Phí đăng ký cấp biển số
- Phí xăng dầu
- Phí kiểm định
- Phí bảo hiểm. 

Thời gian tới sẽ phải nộp: 
- Phí bảo vệ môi trường
- Phí bảo trì đường bộ
- Phí hạn chế phương tiện cá nhân (chưa thu trong năm nay)
Nói như vậy là tôi muốn nhấn mạnh đến việc, trong bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, khi xem xét một loạt vấn đề từ tên gọi, mục đích thu, đối tượng thu hay tính pháp lý, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không hề có chuyện phí chồng lên phí giữa phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ với phí sử dụng đường bộ như đánh giá của Bộ Tư pháp và báo giới. Đứng trên quan điểm cá nhân của mình, tôi xin khẳng định ngay với độc giả và Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng, việc trả lời của Bộ GTVT như vậy là không chính xác, mang tính nhầm lẫn. Và để làm rõ hơn sự nhầm lẫn này, tôi xin được đưa ra một số bằng chứng cụ thể để mọi người cùng tham khảo ở trong phần viết dưới đây. Trước hết, chúng ta có thể thấy ngay rằng, khi trả lời báo chí về mục đích của phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ GTVT đang đề xuất, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nói là nhằm nâng cấp, xây dựng hạ tầng giao thông để xe đi lại được thuận tiện hơn. Như vậy, xét về mục đích và tính chất thì cả hai loại phí trên đều là phí lưu hành phương tiện và nếu thu cùng lúc hai loại phí này, thì xin thưa Bộ trưởng Thăng và độc giả rằng, đây đã quá rõ ràng là "phí chồng lên phí" rồi còn gì.  Thêm vào đó, đây là "phí chồng lên phí" bởi một lẽ, trước khi đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân được đưa ra, còn có một loại là phí xăng dầu nhưng nay đã được đổi tên là thuế môi trường. Đó là chưa kể phí bảo trì đường bộ cũng sẽ bắt đầu được thu từ ngày 1/6/2012. Ngoài ra, xe tải còn có lệ phí ra vào cảng. Để một chiếc xe được lưu hành trên đường, chủ xe còn phải đóng lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển số xe, phí bảo hiểm. Với ôtô, xe tải còn thêm phí kiểm định. Như vậy, nếu loại phí hạn chế phương tiện cá nhân theo đề xuất của Bộ GTVT  được duyệt, tổng cộng một xe máy sẽ chịu năm loại phí, ôtô và xe tải sẽ chịu cả chục loại thuế, phí. Vậy thì ở đây, thưa Bộ trưởng và độc giả vấn đề "phí chồng lên phí" lại càng thấy rõ ràng hơn.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Một vấn đề cũng cho thấy rõ ràng việc "phí chồng lên phí" đó là hiện nay, chúng ta đã lập quá nhiều trạm thu phí cầu đường trên khắp cả nước và nhiều người đã phải thốt lên, các trạm thu phí này đang "bủa vây" 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo một con số thống kê được báo Tuổi trẻ đưa ra thì hiện ở xung quanh Hà Nội có 4 trạm thu phí lớn, trong đó trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài: trạm này có thêm các trạm phụ chống thất thu ở khu vực huyện Đông Anh. Tại TP Hồ Chí Minh có 7 trạm thu phí và 3 trạm chuẩn bị thu phí. Đó là chưa kể hàng chục trạm lớn, nhỏ khác đặt dọc trên các con đường trên cả nước. Mỗi chiếc ô tô khi lăn bánh trên đường qua các trạm này đều phải trả một mức phí nhất định cộng thêm với hàng loạt mức phí như ở trên đã nói. Nếu như nay lại tiếp tục thu phí bằng một hình thức khác thì xin thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng thì đây chính là hiện tượng "phí chồng phí"(?!) Tôi cũng xin thưa Bộ trưởng và độc giả, dù là  ôtô đắt tiền hay xe máy rẻ tiền thì cũng đều là phương tiện để người dân lưu hành, làm việc để phục vụ cho mục đích duy nhất là mưu sinh. Nhưng việc, Bộ GTVT đề xuất thu phí với mức cao như thế mà cứ nói rằng nó chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận trong xã hội thì tôi khẳng định, tôi không đồng tình chút nào cả.  Thu phí hay đưa ra bất cứ một giải pháp nào thì cũng phải xác định rõ, nó phải phục vụ cho lợi ích chung và nhận được sự đồng thuận của người dân trong xã hội. Việc áp đặt các mức phí khác nhau để tạo ra nghịch lí "phí chồng lên phí" là điều cần mà tôi thấy phải xem xét lại một cách hết sức khách quan, thấu đáo, để có sự công bằng trong xã hội và đạt được mục tiêu cao nhất là giải bài toán về ùn tắc giao thông hiện nay.
Độc giả Nguyễn Nam Sơn