Báo Ấn Độ tiết lộ nội dung thỏa thuận hợp tác biên phòng Trung-Ấn

09/10/2013 10:08
Việt Dũng
(GDVN) - Trước khi Thủ tướng Manmohan Singh thăm Trung Quốc, báo chí Ấn Độ đã có nhiều bài viết bình luận về nội dung của chuyến thăm và quan hệ song phương.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) chuẩn bị thăm Trung Quốc
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) chuẩn bị thăm Trung Quốc

Tân Hoa xã dẫn truyền thông Ấn Độ cho rằng, Thủ tướng Manmohan Singh sẽ thăm Bắc Kinh trong tháng 10 năm 2013, khi đó, rất có thể ông sẽ cùng Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác biên phòng.

Theo trang mạng bán nguyệt san "India Today", Thủ tướng Manmohan Singh sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 10. Có nguồn tin tiết lộ, trong thời gian chuyến thăm hai bên rất có thể ký kết thỏa thuận hợp tác biên phòng. Dưới đây là những nội dung trong bản thảo cuối cùng được hai bên đang ra sức tranh thủ bàn bạc quyết định:

Trước hết, tất cả những thỏa thuận biên giới riêng đều sẽ đưa vào thỏa thuận hợp tác biên phòng chung. Điều này sẽ ngăn chặn sự lẫn lộn của bất cứ bên nào.

Thứ hai, Ấn Độ sẽ yêu cầu các lực lượng biên giới của hai nước tăng thêm 1 cấp hội đàm. Điều này sẽ cao hơn "hội đàm quốc kỳ" biên giới. Loại hội đàm này sẽ giúp giải quyết vấn đề to lớn, chẳng hạn đối đầu xảy ra ở Daulat Beg Oldi.

Hội đàm sẽ do quan chức cấp cao của Quân đội (cao hơn Thượng tá) phụ trách. Hội đàm như vậy sẽ giúp giải quyết vấn đề ở cấp Quân đội, chứ không phải là đệ trình vấn đề lên New Delhi và Bắc Kinh.

Cuối cùng, Ấn Độ sẽ tìm kiếm nâng cao độ minh bạch về các động thái ở biên giới. Sẵn sàng chia sẻ thông tin tuần tra sẽ là một điểm quan trọng của thỏa thuận.

Được biết, vào tuần trước, tại Bắc Kinh, quan chức Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành thảo luận về thỏa thuận hợp tác biên phòng tại Hội nghị lần thứ tư cơ chế công tác phối hợp và Tham vấn vấn đề biên giới Trung-Ấn.

Ông Manmohan Singh sẽ bày tỏ lo ngại với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề biên giới.
Ông Manmohan Singh sẽ bày tỏ lo ngại với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề biên giới.

Hai bên đang tìm cách làm giảm tình hình căng thẳng do hành động xâm phạm tùy tiện của Trung Quốc gây ra trong năm nay. Tháng 4 năm 2013, Trung-Ấn đã xảy ra đối đầu trong thời gian 21 ngày do Quân đội Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ sâu tới 18 km để dựng lều vải "khẳng định chủ quyền".

Tháng 8 năm nay, một đơn vị Quân đội Trung Quốc xâm nhập bang Arunachal của Ấn Độ (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng), ở lại 4 ngày. Nhưng Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho đây không phải là việc gì to tát.

Gần 1 năm trước, Trung Quốc bắt đầu yêu cầu Ấn Độ ký thỏa thuận hợp tác biên phòng. Được biết, Trung Quốc kiên quyết yêu cầu giảm đóng quân ở biên giới, đây là điều mà Ấn Độ không thể chấp nhận.

Trên thực tế, New Delhi đang tăng cường đóng quân ở khu vực xung quanh tuyến kiểm soát thực tế, đặc biệt là sau khi xảy ra các sự kiện gần đây. Hai bên hy vọng, trước khi tìm được biện pháp giải quyết cuối cùng cho xung đột biên giới, điều có thể làm được ít nhất là duy trì hòa bình và an ninh của khu vực biên giới.

Ngày 6 tháng 10, trang mạng "The Times of India" Ấn Độ cho rằng, bắt đầu từ ngày 20 tháng 10, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tiến hành chuyến thăm quan trọng tới Nga và Trung Quốc, trong thời gian chuyến thăm sẽ đạt được nhiều thỏa thuận trên các lĩnh vực quan trọng như thương mại, đầu tư và năng lượng.

Ngày 22 tháng 10, Thủ tướng Singh sẽ rời Moscow đến Bắc Kinh, ông sẽ bày tỏ sự lo ngại về các con sông xuyên biên giới, thâm hụt thương mại và sự kiện ở biên giới khi thăm Trung Quốc.

Ấn Độ tăng quân, tăng vũ khí trang bị cho khu vực biên giới với Trung Quốc
Ấn Độ tăng quân, tăng vũ khí trang bị cho khu vực biên giới với Trung Quốc

Hai bên sẽ ký kết thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác biên phòng giữa quân đội hai nước. Nguồn tin cho biết, hai nước đang thảo luận khả năng đạt được thỏa thuận đơn giản hóa chế độ thị thực (visa). Hai bên đang tiến hành đàm phán về dự thảo thỏa thuận, nếu "bất đồng" không nhiều, có thể ký kết thỏa thuận trong thời gian Thủ tướng Singh thăm Trung Quốc.

Sau khi xảy ra một loạt sự kiện Quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ, chuyến thăm lần này cũng sẽ là một cơ hội để Thủ tướng Singh bày tỏ sự lo ngại của Ấn Độ đối với ban lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Singh kể từ khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới.

Trang mạng "Indian Express" ngày 7 tháng 10 có bài viết nhan đề "Đối mặt với Trung Quốc, Chính phủ Ấn Độ đẩy nhanh công trình thủy lợi ở bang Arunachal".

Bài viết cho rằng, đối mặt với sức ép to lớn của Trung Quốc, Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực tập trung thời gian cho công trình thủy lợi ở sông Brahmaputra, bang Arunachal. Trung Quốc đã từ chối đề nghị cùng khai thác sông Brahmaputra do Ấn Độ đưa ra.

Ấn Độ tăng cường năng lực điều động tới khu vực tranh chấp với Trung Quốc
Ấn Độ tăng cường năng lực điều động tới khu vực tranh chấp với Trung Quốc

Trong 25 hạng mục (tổng năng lực phát điện là 11 triệu kW) phân phối cho các nhà phát triển của bang Arunachal, đến nay vẫn chưa có hạng mục nào được khởi công xây dựng. Ngày 10 tháng 9, tại hội nghị cấp cao của "Lực lượng xây dựng thủy lợi", Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh, do tính chất chiến lược của những hạng mục này, cần phải dành sự "đãi ngộ ưu tiên cao nhất" cho tất cả các thủ tục phê chuẩn, đồng thời đặc biệt chỉ thị những hạng mục này đều phải giao cho Ủy ban xây dựng hạ tầng cơ sở nội các xử lý, để tránh tiếp tục kèo dài xây dựng.

Hành động này sở dĩ cấp bách là do Chính phủ Ấn Độ ý thức được rằng, Ấn Độ cần đẩy nhanh xây dựng đê trên sông Brahmaputra, nhằm xác lập "quyền lợi hạ lưu" của mình và tạo ra khả năng thương lượng có hiệu quả trong đàm phán với Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc xây dựng công trình thủy lợi lớn trên thượng lưu sông Brahmaputra.

Mặt khác, theo bài báo, Trung Quốc đang thiết kế xây dựng đê có dung lượng lắp máy là 38 triệu kW ở khu quẹo lớn của sông Yarlung Tsangpo, huyện Mêdog, Tây Tạng.

Có phân tích cho rằng, nếu Ấn Độ sử dụng những công trình thủy lợi xây dựng theo kế hoạch này để khai thác sông Brahmaputra ở bang Arunachal, thì nó sẽ gia tăng khả năng mặc cả của Ấn Độ trong việc phản đối dự án đê Mêdog của Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ sẽ phải hành động trước khi Trung Quốc khai thác dự án này. Căn cứ vào "nguyên tắc quyền chiếm dụng trước", quyền ưu tiên thuộc về người sử dụng đầu tiên của con sông.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.
Việt Dũng