Báo Anh: Ấn Độ có mấy ưu thế lâu dài để vượt Trung Quốc trong tương lai

22/01/2015 09:51
Việt Dũng
(GDVN) - Cơ cấu dân số của Ấn Độ có lợi hơn nhiều, Trung Quốc cần một cuộc cải tổ chính trị nhanh, kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng khó khăn hơn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thị sát tàu sân bay INS Vikramaditya
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thị sát tàu sân bay INS Vikramaditya

Tờ "The Financial Times" Anh ngày 20 tháng 1 đăng bài viết "Ấn Độ cần nắm chắc cơ hội tốt vượt Trung Quốc".

Theo lời bình bài báo, gần đây, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự đoán, là một trong những nước lớn có thị trường mới nổi của châu Á, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt một nước lớn có thị trường mới nổi khác, đó là Trung Quốc. Đây là dự đoán cũ rích, nếu lần này được linh nghiệm thì phản ứng đúng đắn là: Cũng nên đến lúc rồi.

Trong trung hạn, tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ vượt Trung Quốc có thể chủ yếu phản ánh vị trí tương đối của hai nước trong chu kỳ kinh tế, nhưng nếu Ấn Độ muốn duy trì vị thế này lâu dài, thì đòi hỏi Chính phủ Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của ông Narendra Modi phải làm được như cam kết trong cải cách tự do hóa.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quan điểm mới lạ, là sự lên án đối với việc xây dựng chính sách mấy chục năm qua của Ấn Độ. Giai đoạn phát triển của Ấn Độ sớm hơn nhiều Trung Quốc (đánh giá tính toán theo sức mua, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ bằng một nửa Trung Quốc), tiềm năng theo đuổi vốn dĩ rất to lớn.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thị sát tàu sân bay INS Vikramaditya
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thị sát tàu sân bay INS Vikramaditya

Nhưng, mặc dù Ấn Độ đã thành công sáng lập ra những công ty dịch vụ thương mại và phần mềm hàng đầu thế giới, nhưng luôn không thể làm cho ngành chế tạo cất cánh mạnh mẽ, trong khi đó, rất nhiều quốc gia châu Á cùng thời kỳ đều dựa vào ngành chế tạo để vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, điểm này có thể sửa chữa.

Trong các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, cung ứng điện, giám sát quản lý quá độ và tham nhũng, nhà cải cách kinh tế phải đối mặt với nhiều vấn đề. Cục diện bế tắc chính trị của Trung ương và đa số cải cách phải triển khai ở cấp độ quốc gia là một thực tế đã trói buộc năng lực làm thay đổi triệt để của chính phủ.

Rõ ràng, trong triển vọng hiện nay của Ấn Độ có một nhân tố mang tính chu kỳ rất lớn. Chính sách tiền tệ do Thống đốc Ngân gàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan thực hiện được cho là hình mẫu. Cuối năm 2013, ông kịp thời tăng lãi suất, đã nhanh chóng làm lặng sóng lạm phát.

Vì vậy, kinh tế Ấn Độ mới có thể đạt được động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2014, trong khi đó, rất nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil cùng thời kỳ đối mặt với lạm phát cao và tiền tệ suy yếu đều buộc phải tăng lãi suất mạnh.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ phán đoán họ có đủ không gian để nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã có đóng góp của họ, nhưng chính quyền Modi lại không thể hiện được năng lực "ngang tài" với tiền nhiệm trong tiến hành cắt giảm thâm hụt tài chính và tư hữu hóa một loạt doanh nghiệp.

Hoạt động tư nhân hóa đã gặp khó khăn, hơn nữa nếu không cắt giảm mạnh chi tiêu, Ấn Độ năm 2015 xem ra rất có thể không thực hiện được mục tiêu thâm hụt và tỷ lệ GDP là 4,1%.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Mỹ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Mỹ

Phong trào tự do hóa của ông Modi đã bị các nhóm lợi ích phản đối mạnh mẽ. Công nhân mỏ than đã tổ chức một cuộc đình công lớn, phản đối kế hoạch nới lỏng kiểm soát đối với ngành than có tham nhũng và hiệu quả thấp của ông, những người đình công ép chính phủ đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán mới, xem xét yêu cầu của họ. Tình hình tương tự có thể tái hiện liên tiếp trong các ngành. Nếu ông Modi đạt thành công, lợi ích lâu dài có thể là to lớn.

So với Trung Quốc, Ấn Độ có vài ưu thế lâu dài. Trước hết, cơ cấu dân số của Ấn Độ phải có lợi hơn nhiều so với Trung Quốc, đó là thanh niên sắp bước vào thị trường lao động phải nhiều hơn nhiều.

Thứ hai, Trung Quốc còn cần có một cuộc thay đổi nhanh về chính trị mới có thể trở thành quốc gia "tự do, dân chủ, thịnh vượng", trong khi đó, Ấn Độ chỉ cần cải thiện chế độ dân chủ chưa hoàn thiện của họ.

Thứ ba, giai đoạn mở rộng kinh tế với đặc điểm là phát triển nhanh ngành chế tạo của Trung Quốc sắp kết thúc, trong tương lai có thể sẽ phát hiện tăng trưởng trở nên khó khăn hơn.

Vài chục năm qua, dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vượt Trung Quốc đã sai rất nhiều lần. Nhưng, dựa vào thắng lợi mang tính áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2014 và tình hình kinh tế vĩ mô lạc quan hiện nay của Ấn Độ, ông Modi đã có được một cơ hội tốt nhất mà từ lâu chưa có, có thể phát huy một số tiềm năng to lớn mà chưa được tận dụng của Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nhật Bản
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nhật Bản
Việt Dũng