Báo chí và cơ quan điều tra có những kênh điều tra riêng

07/05/2013 08:03
Diệu Linh
(GDVN) - Nhà báo Nguyễn Việt Chiến – Báo Thanh niên: “Trên thực tế, báo chí hoạt động theo Luật Báo chí. Phóng viên điều tra theo kênh của báo chí. Còn cơ quan điều tra thì làm việc theo kênh khác, thậm chí là quyền lớn hơn rất nhiều so với báo chí. Tuy nhiên, hai kênh này hoàn toàn độc lập, cho nên không thể vì phía cơ quan điều tra muốn thế này hay thế khác mà đòi điều chỉnh Luật Báo chí”.

Liên quan tới những thông tin Bộ Công an có thể đề xuất sửa đổi điều 7 trong Luật báo chí hiện hành, đã có rất nhiều nhà báo và các luật sư bày tỏ chính kiến trái chiều.

Xin nhắc lại, thông tin đề xuất sửa đổi sẽ theo hướng: Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Việt Chiến – Báo Thanh niên, ông Chiến bày tỏ chính kiến: “Trên thực tế, báo chí hoạt động theo Luật báo chí. Phóng viên điều tra theo kênh của báo chí. Còn cơ quan điều tra thì làm việc theo kênh khác, thậm chí là quyền lớn hơn rất nhiều so với báo chí. Tuy nhiên, hai kênh này hoàn toàn độc lập, cho nên không thể vì phía cơ quan điều tra muốn thế này hay thế khác mà đòi điều chỉnh Luật Báo chí”.

Sự phối hợp giữa lực lượng công an và báo chí là cần thiết. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Sự phối hợp giữa lực lượng công an và báo chí là cần thiết. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Từ kinh nghiệm thực hiện nhiều loạt bài điều tra, nhà báo Nguyễn Việt Chiến chia sẻ, việc bảo vệ nguồn tin là hết sức cần thiết, vì bản thân những người đi tố cáo họ cũng rất sợ bị trả thù. Trên thực tế, nhiều vụ việc, nhà báo phải làm cam kết với người cung cấp thông tin là không tiết lộ cho người thứ thứ biết. Nếu vi phạm và để xảy ra hậu quả thì nhà báo phải chịu trách nhiệm.
Vậy bây giờ phải đặt câu hỏi: Trường hợp cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thông tin, thì họ có đảm bảo sẽ bảo vệ được nguồn tin ấy không? Nếu lộ tin và dẫn đến hậu quả với người cung cấp thông tin thì ai là người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ở mức độ nào?

“Theo tôi, điều 7 của Luật Báo chí hiện nay quy định như vậy là phù hợp, bởi vì nguồn tin trong mọi trường hợp rất cần được bảo vệ và báo chí chỉ cung cấp thông tin cho Viện trưởng VKSND và Chán án TAND cấp tỉnh và tương đương trong trường hợp hết sức cần thiết, đó là những vụ việc nghiêm trọng và đã khởi tố điều tra. Còn với những vụ việc chưa khởi tố điều tra, báo chí cũng có quyền không cung cấp, tất cả là nhằm bảo vệ nguồn tin”, nhà báo Việt Chiến nói.

Trong khi đó theo luật Báo chí hiện hành thì điều 7 được quy định như sau: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân hoặc chánh án toàn án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Ngoài ra, nhà báo Việt Chiến cũng viện dẫn luật báo chí quy định các tổ chức, cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhà báo, không được ngăn cản quá trình tác nghiệp của nhà báo. “Cơ quan điều tra muốn báo chí cung cấp thông tin. Vậy xin hỏi ngược lại nếu báo chí muốn cơ quan điều tra cung cấp thông tin thì cơ quan điều tra có cung cấp không?

Tôi tin rằng nếu báo chí mà đề nghị cơ quan điều tra cung cấp thông tin trong quá trình đang điều tra thì họ sẽ từ chối. Như vậy, báo chí cũng có quyền từ chối trong khi điều tra vụ việc, tránh làm lộ tin và để bảo vệ nguồn tin. Còn nếu cơ quan điều tra muốn báo chí hợp tác cung cấp thông tin thì chính họ cũng phải làm được điều tương tự”, nhà báo Việt Chiến bày tỏ.

Trước đó, một loạt các nhà báo nổi tiếng đã bày tỏ chính kiến trước thông tin này. Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhận định: “Với kiến nghị trên Bộ Công an đã quan tâm đến vai trò của báo chí trong việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, những nội dung quy định trong Điều 7 Luật Báo chí cũng thể hiện rất rõ báo chí có quyền và trách nhiệm không cung cấp nguồn tin nếu có hại cho người cung cấp thông tin. Đây là nguyên tắc hết sức phổ biến trong báo chí quốc tế. Báo chí phải thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia vào phải biện xã hội, thực hiện chức năng thông tin”.

Ông Huệ bày tỏ, Báo chí luôn sẵn sàng hợp tác với Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác trên phương diện chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng cũng phải làm theo luật pháp.

“Một năm trước đây khi Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi) đã đưa ra lấy ý kiến về quy định cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh hành vi tham nhũng đã bị bác bỏ. Tôi cũng là người tham gia bác điều đó.

Theo tôi việc không cung cấp nguồn tin nếu có hại cho người cung cấp thông tin là đúng đắn. Điều này trong Luật Phòng chống tham nhũng bổ sung, sửa đổi năm 2012 đã chấp thuận. Trong thực tế, Luật Phòng chống tham nhũng và Điều 7 Luật Báo chí cũng phù hợp với nhau nên cứ như vậy mà thực hiện”, ông Huệ nói.

Còn Nhà báo Phan Lợi (Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh), cho rằng: Nếu đề xuất này được thực hiện “thì sẽ thêm hàng ngàn người được cấp thẩm quyền truy nguồn tin của báo chí và nó sẽ thành một sự kiện chấn động với các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực xác minh đơn thư, điều tra theo yêu cầu bạn đọc”.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) thì cho rằng, điều 7 của Luật báo chí như một chiếc “dây neo” bảo vệ các nhà báo, rất rõ ràng suốt bao năm qua, ít ra là từ 15 năm trước khi tôi bước chân vào nghề báo. Nếu bây giờ thay đổi, rằng: Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng CQĐT các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì sẽ có rất nhiều người sử dụng quyền ấy để yêu cầu nhà báo cung cấp thông tin, tư liệu điều tra viết bài.

“Hiếm ai không muốn chống tiêu cực, chống tham nhũng, hiếm ai nhìn thấy điều vô lý và tàn độc mà lại không muốn “tiêu diệt, phanh phui” để cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và cho con cháu mình. Bà con rất ủng hộ báo chí khi điều tra về các vấn đề nóng.

Nhưng bà con sợ “đấu tranh thì tránh đi đâu. Dân cung cấp tin cho nhà báo, rồi nhà báo lại đi tiết lộ danh tính của họ, thậm chí tiết lộ của tài liệu họ đã cung cấp cho nhà báo, thì có khác gì ‘giết’ họ và giết danh dự của người làm báo. Ít ra thì việc cung cấp sẽ gây phiền hà, hoặc làm họ mất “môi trường” công tác, mất cơ hội thăng tiến (dù không ai nói thẳng ra điều đó) của họ”, nhà báo Doãn Hoàng nói.

Diệu Linh