Báo Mỹ đoán kế hoạch chiến tranh với Mỹ của Trung Quốc

05/09/2014 10:11
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc luôn tồn tại xu hướng đánh giá cao khả năng của mình trong giai đoạn đầu của chiến tranh, đánh giá thấp lực lượng tàu ngầm Mỹ.
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Trang mạng "Strategy Page" Mỹ ngày 2 tháng 9 đưa tin, hiện nay, Trung Quốc đã sở hữu hơn 1.000 quả tên lửa đạn đạo, trong đó, về lý thuyết, có mười mấy quả có thể tấn công tàu sân bay Mỹ trên biển.

Tần suất máy bay quân sự Trung Quốc huấn luyện tấn công các mục tiêu trên biển, biên đội tàu chiến Trung Quốc huấn luyện trên biển cũng đang gia tăng.

Tàu ngầm Trung Quốc tiến hành theo dõi tàu chiến Mỹ, khi những tàu ngầm này đến gần một chiếc tàu sân bay của Mỹ, Trung Quốc cho biết đã thu được "thắng lợi". Hơn 10 năm qua, Trung Quốc thông qua hoạt động gián điệp mạng đã ăn cắp rất nhiều bí mật quốc phòng của Mỹ.

Trung Quốc có thể lấy tập kích bất ngờ đánh bại Quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương? Ít nhất trong dư luận công khai, người Trung Quốc tin họ có thể.

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước trở đi, Trung Quốc luôn phát triển khả năng này: Trung Quốc đã triển khai lực lượng tên lửa đạn đạo (lắp đầu đạn năng lượng cao) ở duyên hải để ứng phó với Đài Loan và Nhật Bản.

Theo bài báo, vấn đề ở chỗ, trong bất cứ cuộc chiến tranh quy mô lớn nào, hai bên đều không biết tất cả con bài trên tay đối thủ, cũng không thể dự đoán chính xác, một khi chiến tranh xảy ra, kế hoạch đã công bố hoặc giấu kín của đối phương sẽ thực hiện như thế nào.

Hình ảnh ngày 13 tháng 5 năm 2013 này được Mỹ cho là Trung Quốc phóng tên lửa mang theo vũ khí chống vệ tinh (ảnh tư liệu)
Hình ảnh ngày 13 tháng 5 năm 2013 này được Mỹ cho là Trung Quốc phóng tên lửa mang theo vũ khí chống vệ tinh (ảnh tư liệu)

Đối với người Trung Quốc, điểm này cực kỳ quan trọng, bởi vì yêu cầu giành chiến thắng nhanh chóng, chiến tranh kéo dài sẽ làm cho nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ và gây ra vấn đề chính trị nghiêm trọng cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Nhưng, đối với Quân đội Trung Quốc, điều này hoàn toàn không phải là vấn đề, bởi vì, tướng lĩnh Trung Quốc hầu như ngày càng tự tin, họ có thể dùng tập kích bất ngờ để chiến thắng.

Bài báo còn cho rằng, tư tưởng này rất nguy hiểm, bởi vì sự thực thường hoàn toàn không như vậy, hơn nữa Trung Quốc luôn tồn tại xu hướng đánh giá cao khả năng của mình trong giai đoạn đầu của chiến tranh.

Các nhà hoạch định chính sách của Hải quân Mỹ cho rằng, Trung Quốc đánh giá thấp nghiêm trọng khả năng của vài chục tàu ngầm tấn công hạt nhân triển khai ở Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ và ảnh hưởng của những tàu ngầm này có thể gây ra đối với biên đội tàu chiến và thương mại với bên ngoài của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc sở hữu vũ khí bí mật ứng phó với tàu ngầm Mỹ, thì đây sẽ là bí mật giấu đi tốt nhất trong lịch sử quân sự.

Theo bài báo, kế hoạch chiến tranh của Trung Quốc không phải là bí mật, một phần nguyên nhân là nhiều năm qua Trung Quốc đã có mối quan tâm sâu sắc đối với hạ tầng cơ sở quân sự và các cuộc diễn tập của Hải quân Mỹ.

Trung Quốc từng công khai thảo luận tình hình này, đây là biện pháp mà họ thường dùng để khích lệ sĩ quan đổi mới tư duy.

Biên đội tàu chiến chủ lực Hạm đội Nam Hải (ảnh tư liệu)
Biên đội tàu chiến chủ lực Hạm đội Nam Hải (ảnh tư liệu)

Cuối cùng, những quan điểm mới này sẽ trở thành kế hoạch chiến tranh và chương trình nghiên cứu phát triển vũ khí được giữ bí mật cao.

Vì vậy, thử nghiệm hệ thống chống vệ tinh năm 2007 rõ ràng là để chứng minh, Trung Quốc có khả năng bắn rơi vệ tinh gián điệp của Mỹ.

Có tài liệu cho biết, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu phát triển vệ tinh cỡ nhỏ (trọng lượng nhỏ hơn nửa tấn) dùng cho loại tập kích này.

Nếu họ có thể chế tạo vệ tinh có trọng lượng nhỏ hơn nửa tấn thì có thể một lần bắn vài vệ tinh, giúp họ có khả năng bắn rơi đủ nhiều vệ tinh của Mỹ, làm cho Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương bị "mù" tạm thời.

Trong tình hình này, tên lửa chống hạm và tàu ngầm của Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với tàu sân bay của Mỹ.

Đây là quan điểm được Trung Quốc ra sức đề xướng trong quân đội, cũng là tư tưởng chiến lược của Trung Quốc "thời cổ đại", đó là không nên nghênh chiến chính diện với kẻ địch mạnh hơn, mà phải tấn công từ bên sườn.

Ngoài ra, nhà tư tưởng quân sự cổ đại Trung Quốc còn đề xướng "không đánh mà thắng". Loại chiến lược này có thể hiệu quả hơn trong cuộc chiến giữa người Trung Quốc với người Trung Quốc, còn chiến lược của người nước ngoài lại thường khó lường, xuất kỳ bất ý (đánh bất ngờ).

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ

Theo bài báo, từ lâu, trong vấn đề ứng phó thế nào với cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc, hoạt động của Mỹ cũng dễ nhìn thấy.

Ngay từ năm 2004, Mỹ đã đưa ra kết luận: Người Trung Quốc rất lo ngại đối với tàu sân bay Mỹ, vì vậy tìm cách có đủ lực lượng không quân và hải quân để ứng phó với 2 tàu sân bay Mỹ ở duyên hải Trung Quốc.

Cho nên, Mỹ đã lập tức đưa ra kế hoạch triển khai 7 tàu sân bay ở duyên hải Trung Quốc. Hành động này không chỉ đã làm rối loạn kế hoạch quân sự của Trung Quốc, hơn nữa thông qua chỉ ra điểm yếu quân sự của Trung Quốc đã chọc giận người Trung Quốc.

Theo bài báo, có lẽ, Trung Quốc tuyên truyền về khả năng quân sự và kế hoạch quân sự "không thể chiến thắng" chỉ là nhằm vào nhân dân và quân đội, là để tăng cường tinh thần.

Nhưng, cùng với các cuộc gặp giữa quan chức quân đội và ngoại giao Mỹ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng nhiều, có một điểm hầu như ngày càng rõ ràng: Rất nhiều tướng lĩnh Trung Quốc đều tin vào một số dự đoán lạc quan này, đây đều không phải là một dấu hiệu tốt.

Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ (ảnh tư liệu minh họa)
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ (ảnh tư liệu minh họa)
Đông Bình