Báo Nga: Vận tải cơ Y-20 Trung Quốc dùng động cơ Nga, cánh Ucraina

31/01/2013 07:50
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài báo, mặc dù máy bay vận tải Y-20 TQ đã bay thử thành công, nhưng vẫn phụ thuộc Ukraina về thiết kế cánh, phụ thuộc Nga về động cơ.
Ngày 26/1, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc bay thử lần đầu tiên
Ngày 26/1, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc bay thử lần đầu tiên

Trang mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 29/1 cho biết, Trung Quốc vừa cho bay thử máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn tự sản xuất, đây là một thành tựu lớn của không quân nước này trong nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải cỡ lớn, và cũng chính là khoảng cách lớn nhất giữa Trung Quốc với Mỹ, Nga trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, Y-20 còn buộc phải lắp ráp động cơ do Nga chế tạo, cánh máy bay vẫn do Cục thiết kế Antonov của Ukraine thiết kế.

Tờ “Nhân Dân nhật báo” Trung Quốc cho biết, máy bay nguyên mẫu Y-20 đã tiến hành bay thử lầu đầu tiên trong 2 giờ tại sân bay Diêm Lương ở Tây An, Thiểm Tây vào ngày 26/1/2013.

Những thông tin về việc Trung Quốc chuẩn bị thử nghiệm máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn đầu tiên này đã sớm được xác định từ tháng 12/2012. Khi đó báo chí đã tiết lộ những hình ảnh đầu tiên về máy bay mới.

Mạng cơ quan Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 lần đầu tiên bay thử thành công có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng hiện đại hóa kinh tế và quốc phòng, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp của Trung Quốc.

Có chuyên gia quân sự cho rằng, đối với Không quân Trung Quốc, máy bay vận tải cỡ lớn nội địa được nghiên cứu chế tạo thành công, ở mức độ nào đó, thậm chí còn quan trọng hơn so với máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm J-20 do Công ty Máy bay Thành Đô nghiên cứu chế tạo, cho dù J-20 đã bay thử thành công lần đầu tiên vào năm 2011.

Máy bay vận tải mới Y-20 Trung Quốc có số hiệu 20001
Máy bay vận tải mới Y-20 Trung Quốc có số hiệu 20001

Báo Nga cho rằng, hiện nay Trung Quốc lệ thuộc vào cung ứng máy bay vận tải IL-76 của Nga, mặc dù đã nghiên cứu chế tạo thành công máy bay vận tải mới nội địa Y-20, nhưng Trung Quốc cũng không thể bảo đảm cho quân đội của họ có thể hoàn toàn độc lập tự chủ trong tương lai, không còn tiếp tục dựa vào nhà sản xuất của Nga và quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).

Căn cứ vào hồ sơ của các chuyên gia quân sự, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 do Công ty chế tạo công nghiệp máy bay Tây An sản xuất, bắt đầu nghiên cứu chế tạo từ thập niên 90 của thế kỷ trước, năm 2006 được Trung Quốc cấp kinh phí ưu tiên, nghiên cứu phát triển chương trình máy bay vận tải kiểu mới lớp 200 tấn, sau đó được đặt tên là Y-20, ba năm sau bắt đầu chế tạo máy bay thử nghiệm.

Máy bay Y-20 sử dụng 4 động cơ truyền thống của máy bay vận tải cỡ lớn, có bố cục cánh đuôi đơn chữ T hướng lên, ngoại hình tương tự IL-76 hiện có của Không quân Trung Quốc.

Máy bay vận tải Y-20 dài 47 m, sải cánh 45 m, trọng lượng cất cánh tối đa 220 tấn, kích cỡ bé hơn chút ít so với máy bay vận tải C-17 của Mỹ.

Các phương tiện truyền thông phân tích cho rằng, máy bay vận tải Y-20 Trung Quốc có ngoại hình tương tự IL-76 của Nga, kích cỡ và kết cấu cánh máy bay về cơ bản giống hệt IL-76.

Nhưng, Y-20 không có khoang lái dành cho nhân viên dẫn đường (hoa tiêu), nên thành viên tổ lái giảm xuống 3 người.

Các chuyên gia cho rằng, khoang vận tải của Y-20 có kết cấu gần giống C-17 của Mỹ. Căn cứ vào các nguồn tin không chính thức từ Trung Quốc, tính năng của Y-20 tốt hơn IL-76.

Truyền thông Trung Quốc dẫn nguồn tin quân sự cho biết, tải trọng tối đa của Y-20 là 66 tấn, cao hơn 60 tấn của IL-76MF, hành trình tối đa khi tải đầy là 4.400 km.

Nhưng, Trung Quốc tạm thời chưa chính thức chứng thực các số liệu tính năng nói trên. Đài truyền hình Trung Quốc chỉ đề cập đến tải trọng 60 tấn và tốc độ tuần tra 630 km/h.

Theo báo Nga, Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào Nga trong lĩnh vực chế tạo hàng không. 4 động cơ phản lực D-30 do Nga chế tạo lắp cho máy bay vận tải Y-20 là động cơ do Cục thiết kế Soloviev nghiên cứu chế tạo vào thập niên 60 của thế kỷ trước.

Trung Quốc đang tập trung phát triển động cơ nội địa WS-20, hy vọng có thể trang bị cho máy bay Y-20 phiên bản sản xuất hàng loạt, nhưng hiện nay chương trình nghiên cứu chế tạo động cơ WS-20 đã tiến triển đến giai đoạn nào tạm thời vẫn còn chưa biết được.

Do buộc phải sử dụng động cơ cũ do Nga chế tạo, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 có rất nhiều tính năng kỹ chiến thuật có thể còn kém so với máy bay vận tải IL-76MD-90A kiểu mới nhất của Nga, tức là máy bay vận tải IL-476.

Máy bay vận tải hạng nặng IL-476 Nga
Máy bay vận tải hạng nặng IL-476 Nga

Máy bay IL-476 Nga bay thử thành công lần đầu tiên vào tháng 10/2012, hành trình tối đa khi tải trọng đầy là 5.000 km, sử dụng động cơ PS-90A-76 kiểu mới, có thể bảo đảm tốc độ tuần tra kinh tế của máy bay đạt 850 km/giờ.

Các chuyên gia quân sự còn nghi ngờ máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 chưa chắc có thể hoàn toàn do các kỹ sư Trung Quốc tự nỗ lực nghiên cứu chế tạo.

Truyền thông Mỹ nói thẳng rằng, cánh máy bay vận tải mới của Trung Quốc được nghiên cứu chế tạo dưới sự hỗ trợ của Cục thiết kế Antonov của Ukraina.

Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” cũng cho rằng, chương trình máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn An-170 mà Ukraina không thể thực hiện là nền tảng của Y-20 Trung Quốc.

Theo báo Nga, nếu chương trình Y-20 thành công tốt đẹp, máy bay mới phô diễn các tính năng như dự kiến, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể nhanh chóng chế tạo 300 máy bay loại này để xây dựng lực lượng vận tải quân sự chiến lược, từ đó không thua kém Nga và Mỹ về năng lực vận tải đường không.

Nhưng, trước khi Quân đội Trung Quốc đánh giá triệt để khả năng của Y-20, bắt đầu sản xuất hàng loạt động cơ WS-20, còn phải đi một con đường dài và một khoảng thời gian.

Trung Quốc có thể thông qua bay thử thành công của máy bay vận tải quân sự mới Y-20 để đe dọa láng giềng, tăng thủ đoạn tranh đoạt đảo Senkaku với Nhật Bản.

Trung Quốc sử dụng máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 để dọa láng giềng trong tranh chấp lãnh thổ?
Trung Quốc sử dụng máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 để dọa láng giềng trong tranh chấp lãnh thổ?

Trung Quốc lúc nào cũng tuyên truyền rằng sức mạnh quân sự của họ luôn được tăng cường hoàn toàn không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào, đồng thời họ vẫn tiếp tục gia tăng ngân sách quân sự.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Thụy Điển thì chi tiêu quân sự năm 2012 của Trung Quốc là 143 tỷ USD. Các chuyên gia châu Âu dự đoán, con số này đến năm 2015 sẽ tăng lên tới 238 tỷ USD.

So sánh thông số máy bay vận tải cỡ lớn và vừa chủ yếu trên thế giới:

Tờ “Tân kinh báo” Trung Quốc đã tiến hành so sánh như sau:

Y-20 Trung Quốc

- Trọng lượng cất cánh tối đa: 220 tấn.

- Tải trọng tối đa: 66 tấn                   - Hành trình: > 7.800 km.

- Tốc độ tối đa: > 700 km/giờ.

- Dài: 47 m.                    - Sải cánh: 45 m.            - Cao: 15 m.

Máy bay vận tải chiến lược C-17 của Không quân Mỹ.
Máy bay vận tải chiến lược C-17 của Không quân Mỹ.

C-17 Mỹ

- Trọng lượng cất cánh tối đa: 265 tấn.

- Tải trọng tối đa: 78 tấn                   - Hành trình: 11.600 km.

- Tốc độ tối đa: 830 km/giờ.

- Dài: 53,1 m.                 - Sải cánh: 51,8 m.                  - Cao: 16,8 m.

IL-76 Nga

- Trọng lượng cất cánh tối đa: 170 tấn.

- Tải trọng tối đa: 50 tấn                   - Hành trình: 7.800 km.

- Tốc độ tối đa: 860 km/giờ.

- Dài: 46,6 m.                 - Sải cánh: 50,5 m.                  - Cao: 14,7 m.

Máy bay vận tải tầm xa A-400M của châu Âu.
Máy bay vận tải tầm xa A-400M của châu Âu.

A400M châu Âu

- Trọng lượng cất cánh tối đa: 141 tấn.

- Tải trọng tối đa: 38 tấn                   - Hành trình: 9.300 km.

- Tốc độ tối đa: 740 km/giờ.

- Dài: 43,8 m.                 - Sải cánh: 42,4 m.                  - Cao: 14,6 m.

C-2 Nhật Bản

- Trọng lượng cất cánh tối đa: 140 tấn.

- Tải trọng tối đa: 37 tấn                   - Hành trình: 10.950 km.

- Tốc độ tối đa: 890 km/giờ.

- Dài: 43,9 m.                 - Sải cánh: 44,4 m.                  - Cao: 14,2 m.

Máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn C-2 Nhật Bản
Máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn C-2 Nhật Bản

An-124 Ukraine

- Trọng lượng cất cánh tối đa: 405 tấn.

- Tải trọng tối đa: 229 tấn                 - Hành trình: 16.500 km.

- Tốc độ tối đa: 865 km/giờ.

- Dài: 68,9 m.                 - Sải cánh: 73,3 m.                  - Cao: 20,8 m.

Máy bay vận tải chiến lược An-124 Ukraine
Máy bay vận tải chiến lược An-124 Ukraine
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình