Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Bé 3 tháng tuổi bị hoại tử lưng vì bôi kem đánh răng chữa bỏng

20/08/2012 14:21
Thu Hòe
(GDVN) - Chỉ một chút sơ sẩy, các bậc phụ huynh đã khiến con em mình gặp tai họa, chịu đau đớn, để lại di chứng… và những nỗi ám ảnh đeo bám suốt đời.
100% các ca trẻ nhập viện điều trị bỏng ở Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia là do người lớn lơ là, mất cảnh giác. Chỉ một chút sơ sẩy, các bậc phụ huynh đã khiến con mình gặp tai họa, chịu đau đớn và để lại di chứng suốt đời. Những nỗi đau mang tên… “bất cẩn”
Khuôn mặt thất thần, ánh mắt đờ đẫn cùng những giọt nước mắt ân hận tột cùng của chị Nguyễn Minh Hạnh, Quế Võ – Bắc Ninh khi kể lại tai nạn của cậu con trai chưa đầy 3 tháng tuổi khiến người nghe vừa thương, vừa giận.
100% các ca trẻ nhập viện điều trị bỏng ở Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia là do người lớn lơ là, mất cảnh giác (Ảnh Thu Hòe).
100% các ca trẻ nhập viện điều trị bỏng ở Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia là do người lớn lơ là, mất cảnh giác (Ảnh Thu Hòe).

Đã mấy tuần trôi qua nhưng chị vẫn nhớ như in và không thể nào quên được giây phút con khóc thét lên khi chị tuột tay làm rơi xuống chậu nước nóng trong lúc đang tắm. Sau khi sơ cứu bằng nước lạnh cho con, chị Hạnh nghe theo lời mách của hàng xóm lấy kem đánh răng bôi lên người con. Cả đêm đó, cậu bé quấy khóc vì đau rát. Sáng hôm sau, chị Hạnh lại lấy lá khoai nước giã nhỏ đắp lên vết bỏng của con. Tuy nhiên, vết bỏng ngày càng loét, nặng hơn và cậu bé bắt đầu lên cơn sốt nặng li bì…
Thấy tình trạng của con nguy kịch, vợ chồng chị Hạnh mới vội vàng đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Ngay lập tức cậu bé được làm thủ tục chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia. Tại đây, các bác sỹ cho biết, cháu bé bị bỏng nhiệt ướt diện rộng khoảng 30%, bỏng sâu 10% do tiếp xúc với môi trường nước nóng quá mức cho phép với da trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sau khi bị bỏng, cháu đã không được sơ cứu đúng cách gây nhiễm trùng nặng. Một phần vết bỏng có dấu hiệu bị hoại tử nên đã gây khó khăn cho quá trình điều trị. Sau gần 1 tháng điều trị, trải qua nhiều lần phẫu thuật cấy ghép da tình hình của cháu bé đã dần ổn định và có thể xuất viện trong một vài ngày tới. “Tôi thấy ân hận lắm! Nếu tôi cẩn trọng hơn, con đã không gặp phải tai họa này. Nếu tôi đưa con đi bệnh viện luôn con đã không phải đau đớn như thế này…”, chị Hạnh nói mà hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Trường hợp của cháu Trần Hồng Quân, 4 tuổi, ở Kinh Môn – Hải Dương cũng khiến bao người xót xa. Số là nhà neo người, không có người trông nom nên chị Đinh Thị Lan, mẹ cháu, thường trải chiếu cho con ngồi ở góc nhà chơi rồi lúi húi nấu nướng và làm các công việc nhà khác. Không hiểu cậu bé lay hoay thế nào mà ca nước sôi mẹ vừa rót để trên bàn đã đổ ập vào người khiến cậu bé khóc thét lên. Thấy con khóc thét, chị Lan hốt hoảng chạy lên nhà thì sự đã rồi. Sau khi làm mấy thao tác sơ cứu bỏng đơn giản: rửa bằng nước lạnh, bôi kem đánh răng lên vết bỏng, chị yên chí là con không sao. Hôm sau, nghe người hàng xóm mách là nước mắm rửa vết bỏng sẽ nhanh khỏi hơn, chị liền làm theo. Tuy nhiên, vết thương của Quân ngày càng nặng hơn, chị Lan và gia đình đã phải đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương điều trị. Ngay lập tức, cháu Quân được chuyển lên viện tuyến trên do mức độ nguy hiểm của vết thương, bỏng sâu 40%. Phải mất hơn 2 tháng điều trị tại Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng quốc gia, trải qua 5 cuộc phẫu thuật cấy ghép da, cháu Quân mới hồi phục và xuất viện.
Đừng để vì một chút sơ sẩy, một chút bất cẩn của người lớn mà con trẻ phải gánh những tai họa, đau đớn.
Đừng để vì một chút sơ sẩy, một chút bất cẩn của người lớn  mà con trẻ phải gánh những tai họa, đau đớn.

20 trẻ tử vong mỗi ngày
Mỗi ngày, khoa Bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện do những tai nạn hết sức ngẫu nhiên mà 100% nguyên nhân là do sự sơ suất, mất cảnh giác của người lớn gây nên. Cũng theo thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), bình quân mỗi ngày có hơn 20 trẻ từ 0-19 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích (TNTT). Số trẻ bị thương vẫn chưa có thống kê cụ thể. Điều này cho thấy, TNTT đang hàng ngày đe dọa sự sinh tồn của trẻ nhỏ. Điều đáng nói là không ít những trường hợp trẻ nhỏ gặp phải TNTT ngay trong chính ngôi nhà của mình, do chính sự sơ suất, lơ là, mất cảnh giác của các bậc phụ huynh. Trong số các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa bỏng nhi, Viện Bỏng Quốc Gia có tới 70% là bị bỏng nhiệt ướt (bỏng nước sôi, bỏng hơi, bỏng thức ăn sôi nóng, bỏng dầu mỡ sôi ở nhiệt độ cao…), 20% bị bỏng nhiệt khô (bỏng lửa, bỏng điện, bỏng do kim loại nóng chảy…) và còn lại là do các nguyên nhân bỏng khác. Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ, TS. Nguyễn Hải An – Phó chủ nhiệm Khoa bỏng nhi. Viện Bỏng Quốc gia cho biết: “ Hiện nay, không gian sống của trẻ nhỏ đang có rất nhiều hiểm họa rình rập có thể gây ra những tai nạn cho trẻ như: ngộ độc thức ăn, ngã, va đập, bỏng nhiệt khô, bỏng nhiệt ướt, bỏng axit, đuối nước, trẻ bị ngạt và sặc dị vật,… Vì vậy, số trẻ nhỏ phải nhập viện do những TNTT ngày càng nhiều hơn, nặng hơn và đáng báo động hơn”. “Khi trẻ bị bỏng cần lập tức tiến hành sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện để giảm thiểu tối đa thương tích cho trẻ. Tuyệt đối không được dùng mẻ, kem đánh răng, mỡ trăn để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến bệnh nặng thêm gây khó khăn trong điều trị…”, TS. Nguyễn Hải An nhấn mạnh.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thu Hòe