Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Bến phà Thủ Thiêm vỡ vụn trong tiếng búa

01/10/2012 07:30
Chín tháng kể từ ngày bến phà Thủ Thiêm (TPHCM) ngưng hoạt động, chiều 30-9, công nhân của một công ty chuyên dỡ nhà tiếp cận bến phà để dỡ công trình lịch sử.
Cầu cảng đang bị đập
Cầu cảng đang bị đập .

Quán nước trong mưa

Bến phà Thủ Thiêm là một trong những bến phà lâu đời và nhộn nhịp nhất Việt Nam, nơi hàng ngày đưa đón cả vạn lao động vào thành phố Sài Gòn làm việc. Sau chín tháng ngưng hoạt động, khu vực bến phà đã được giải tỏa để xây khu đô thị mới ở một vùng mênh mang "cỏ áy bóng tà".

Chị Ngọc, một trong 2 người bán quán nước còn lại trong khu vực, nói: "Trời mưa, cỏ dại mọc mau lắm. Chẳng mấy tháng mà cả vùng này đã thành rừng hoang".

Những công nhân đến tháo dỡ bến phà làm cho khung cảnh đìu hiu với vài chục cư dân cuối cùng của Thủ Thiêm sôi động hẳn lên.

Họ đi xe máy tới, đem theo một máy xúc lớn. Chị Ngọc nói: "Công nhân chạy ra uống nước, tôi bán được hơn trăm ngàn rồi. Lâu lắm rồi mới được một hôm thật là đắt khách".

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên bến phà Thủ Thiêm (Ảnh chụp ngày 30-9-2012)
Du khách chụp ảnh lưu niệm bên bến phà Thủ Thiêm (Ảnh chụp ngày 30-9-2012) .

Nhà chị Ngọc mấy anh em, đã sống ở bến phà này hơn 80 năm. Chị bảo, hồi trước dân cư đông đúc, giờ mọi người tản mát hết cả. Khung cảnh tan hoang, đường điện cũng bị bọn nghiện phá mất.

Đường nước cũng vậy. Trên đống gạch vỡ, tôi nhìn thấy chị Lộc, 45 tuổi, chưa có gia đình, đang tắm rửa bằng một cái vòi lôi từ dưới đất lên. Chị Lộc bảo: "Chúng tôi còn ở lại đây để lượm sắt vụn, ve chai bán qua ngày. Nhưng lượm riết, giờ chẳng còn gì nhặt nữa".

Cách đó một quãng, có người đàn bà chừng sáu mươi tuổi đang đi hái những bông hoa mướp hoang. Bà bảo tôi: "Hoa này ăn bổ lắm".

Tôi ghé vào đình An Khánh. Mấy người dân từ xa về thăm, ngồi quây quần sau đình. Nhà tôi xưa ở chỗ kia, nhà tôi thì ở chỗ này. Họ kể cho tôi, tay chỉ trỏ vào những lùm cây um tùm.

Ông Thọ thủ từ bảo: "Có lệnh giải tỏa đình, sau thành phố rút lại lệnh ấy. Nhưng giờ cũng chưa biết hướng xử lý đình thế nào". Hỏi ra mới biết đình có sắc phong từ thời nhà Nguyễn.

Bố chị Ngọc đã đi thuê nhà nơi khác sống, vì bến đò hoang tàn quá. Chị ở lại căn nhà cũ kỹ, nom như nhà hoang. Đó cũng là ngôi nhà hai tầng cuối cùng còn sót lại ở bến phà Thủ Thiêm nhộn nhịp một thời, cạnh ngôi đình rêu phong.

Vẽ móng chân cho mẹ trên quê cũ Ảnh: T.N.A
Vẽ móng chân cho mẹ trên quê cũ.  Ảnh: T.N.A.

Cả ngày chị Ngọc dựng một cái dù, bán nước trên đống gạch vỡ. Tối thì phụ giúp một người hàng xóm khác. Chị này tới bán cho đến rạng sáng.

Chị Ngọc bảo: "Khách vắng, nhưng chị ấy đã quen với việc buôn bán ở đây, nên giải tỏa đi rồi, giờ chị ấy vẫn quay lại bán nước”.

Cả trăm năm nay, Thủ Thiêm không bao giờ ngủ. Những chuyến phà đêm đã thành một nhịp sống tưởng chừng vĩnh cửu, vẫn ăn hằn trong tâm khảm những người đàn bà Thủ Thiêm.

Chị Ngọc không cầm được nước mắt, bảo: "Ba tôi giờ thuê nhà ở xa lắm. Tôi không về thăm cụ được. Ông cụ cứ áy náy là ba nuôi các con khôn lớn, nhưng nhà cửa chật hẹp quá, đền bù không đủ mua nổi một cái nhà chung cư đền bù giải tỏa, nên ba ân hận lắm!".

Yến, một cô gái Thủ Thiêm lấy chồng ở quận 7, hôm nay mang bộ đồ nghề làm móng chân chờ mẹ bên bến phà đã đóng cửa. Mẹ cô nhận tiền giải tỏa đã sống ở quận 9.

Họ hẹn nhau bên bến phà đầy mưa. Chờ nửa tiếng, mẹ cô chạy xe máy tới. Yến vẽ móng chân cho mẹ, dưới cái dù đẫm nước mưa, trên quê hương một thủa giờ toàn cây dại. Mẹ của Yến giờ sống bằng nghề bán vé số.

Hai chàng Robinson giữa Sài Gòn

Tắm giặt trên vùng giải tỏa
Tắm giặt trên vùng giải tỏa .

Tôi xô cái cửa vào bến phà. Các công nhân của công ty dỡ xác nhà đang tháo cửa, tháo ổ điện. Mái tôn của khu bến phà đã tháo cả rồi. Nhà cửa trống hoác.

Họ bảo: "Bọn em chỉ biết dỡ thôi, mỗi ngày được trả công 180.000 đồng, bao ăn trưa". Trên sân bến phà, nơi trước kia lượt lượt người qua, giờ ngổn ngang tôn, cửa sắt, hàng rào được tháo dỡ, gói cuộn.

Trên dòng sông vẫn còn 5 chiếc phà neo đậu. Mỗi chiếc trị giá chừng vài trăm triệu. Hai người đang trông coi chúng là anh Phúc thuyền trưởng và anh Đăng máy trưởng.

Anh Phúc bảo tôi: "Anh em chúng tôi chia nhau trực, trông coi máy móc. Một ca 24 giờ, hai người làm, hôm sau được nghỉ".

Họ hứng nước mưa để sinh hoạt. Không có ti vi. Anh Phúc nói: "Chúng tôi sống thế này đã chín tháng rồi, từ khi bến phà ngừng hoạt động".

Anh Phúc mang theo một cái máy tính xách tay để đọc báo. Buổi tối, ngủ trên võng. Xung quanh tàu bè chạy không ngừng. "Đói thì chạy đi mua cơm hộp về ăn", anh bảo.

Anh Đăng là một trong những công nhân kỳ cựu nhất của bến phà. Anh làm ở bến phà Thủ Thiêm từ năm 1975. Anh nói, sở dĩ ca trực gồm cả máy trưởng và thuyền trưởng là sợ rằng nhiều khi giông gió, phà đứt dây trôi đi, phải có người đủ trình độ để xử lý. Khi đó, anh và Phúc sẽ khởi động máy, cho phà chạy, kẻo nó gây tai nạn trên sông.

Anh Đăng gọi điện cho phó giám đốc, giọng oang oang: "Anh xuống ngay, người ta đang phá cầu rồi. Nếu phá xong, chúng ta không còn cách nào vào bờ nữa".

Các công nhân bên công ty dỡ nhà đang đội mưa lao ra đập phá cái cầu cảng để lấy sắt vụn. Họ đã trúng thầu tháo dỡ công trình này rồi, thỏa sức ra tay.

Cầu cảng gồm hai nhịp, một nhịp đổ bằng bê tông, gắn chặt với bờ sông. Một nhịp cầu bằng sắt thì nằm dưới lòng sông. Bên tháo dỡ đang đập cái nhịp bê tông. Cái cầu cảng kiên cố bắt đầu trồi ra một số lõi thép vẫn còn mới. Các công nhân bảo: "Khó nhằn lắm!".

Anh Phúc nói rằng, dự kiến xây dựng bến nội thủy, 5 chiếc phà sẽ được cải tạo để làm du lịch.

"Những chiếc phà này lạc hậu rồi, sức chở vài trăm tấn mà phà giờ cả ngàn tấn. Chỉ dùng làm du lịch thôi". Anh Phúc nói như vậy, nhưng, phà còn đó mà cầu cảng đang bị đập.

Anh Đăng và tôi đứng nhìn công nhân phá dầm cầu bê tông. Họ hăng hái lắm. Vài người bắt đầu cắt các đường điện trên cầu. Anh Đăng nói: "Khi họ phá cầu xong, chúng tôi sẽ hoàn toàn bị cô lập giữa lòng sông. Chúng tôi sẽ sống không điện, không nước. Chúng tôi sẽ sống cuộc đời hoang dã”.

Anh Đăng bảo tôi: "Đau xót quá. Cầu cảng Thủ Thiêm gắn bó với chúng tôi bao nhiêu năm. Xây dựng cầu cảng Thủ Thiêm tốn kém lắm. Kỹ thuật cũng đòi hỏi rất cao vì dòng sông này nước lên xuống thất thường, tần suất phà hoạt động rất cao".

Bất giác, anh Đăng bảo: "Nghe nói bên cứu hỏa cũng muốn trưng dụng cầu cảng để khi nào có hỏa hoạn thì lấy nước, tiếp nước cho thuận tiện. Cầu cảng trên sông Sài Gòn này rất hiếm và không phải ai cũng đủ trình độ xây dựng được đâu. Không hiểu sao giờ người ta lại phá tan cầu cảng Thủ Thiêm chỉ để lấy sắt vụn như thế này!.

9-2012

Trần Nguyên Anh/Tiền phong