Biển đảo là máu thịt đời người

16/07/2012 04:54
Những hạt cát ở Trường Sa được “sói biển” Mai Phụng Lưu đem về đổ trong lư hương trên bàn thờ ông bà không chỉ mang ý nghĩa cội nguồn thiêng liêng mà còn là tình cảm, khí phách của người dân Việt

Biển đảo là máu thịt đời người ảnh 1
Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Chi nhánh Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động (trái), nhận tiền đóng góp của các đơn vị
“Tôi sinh ra ở biển, cả đời sống nhờ biển và sẽ quyết tâm bám biển quê hương đến cùng. Chị Bùi Thị Vân, ở cù lao Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi, một trong 67 người phụ nữ đã mất chồng trong cơn bão dữ tháng 11-1991, đã chia sẻ như vậy trong chương trình truyền hình trực tiếp “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức tối 15-7.

Nuốt nước mắt vào lòng

Video clip về những hình ảnh thảm khốc của cơn bão quét ngang huyện Bình Sơn năm 1991 khiến khán giả  không kìm được xúc động. Buổi chiều định mệnh cách đây 21 năm ấy đã cướp đi người chồng, người cha của những gia đình ngư dân nghèo ở cù lao Mỹ Tân. Với họ, cú sốc ấy quá lớn, bởi người chồng là trụ cột của gia đình. Cùng với 66 phụ nữ khác, chị Vân trở thành góa phụ. Thời điểm chồng mất, ngoài đứa con gái lớn mới 26 tháng tuổi, chị Vân đang mang thai 6 tháng.

Nước mắt rồi cũng phải cạn. Cú sốc mất chồng đã không đánh gục được những người phụ nữ kiên cường ấy. Không chỉ động viên nhau, họ cố gắng làm mọi thứ để có thể tồn tại, vừa làm mẹ vừa làm cha với mong ước duy nhất: Nuôi con nên người. Nói về quãng thời gian khó khăn, giọng chị Vân nghẹn ngào: “Nước mắt khóc chồng rồi cũng có lúc cạn khô, tôi tự nhủ dù có chịu cực đến mấy  cũng phải cố gắng vượt qua, chỉ mong con cái ăn học nên người”.

Những lời tâm sự  của chị về nỗi đau mất chồng, về sự tảo tần để nuôi con cái ăn học khiến đứa con ruột của chị, cháu Nguyễn Thị Thu Lệ, nhiều lần khóc nấc. Khi được hỏi về những ước mơ, cháu Lệ tâm sự: “Vị mặn của biển đã thấm vào người chị em con, trong đó lại có hình bóng người cha đã khuất, đặc biệt sự tảo tần của mẹ con, do vậy biển vừa là nhà vừa là quê hương. Với người con sinh ra từ biển, con và em gái chỉ mong được tiếp tục sống với biển. Mong cha phù hộ, các mạnh thường quân ủng hộ tinh thần cho hai chị con vượt qua nỗi đau”.

Tiếp sức ngư dân bám ngư trường

Không chỉ đối diện với hiểm nguy do thiên tai, ngư dân Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi bám ngư trường. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng bám biển quê hương để sống, bởi biển không chỉ là nguồn sống mà còn là máu thịt.

Bốn lần bị tàu nước ngoài bắt, bị tịch thu ngư cụ, mất cả tàu, song “sói biển” Mai Phụng Lưu và nhiều ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn vẫn bất chấp mọi khó khăn để ra khơi. Những lần bị bắt, bị tịch thu tàu và ngư cụ vẫn không làm sờn lòng “sói biển”. Tâm sự với khán giả, người đàn ông từng được nhiều lần tuyên dương về thành tích bám ngư trường bộc bạch: “Tàu lạ chúng tôi không sợ vì mình đang kiếm sống trên ngư trường truyền thống bao đời nay của ông cha mình. Mong ước lớn nhất của ngư dân là các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ để bà con có thêm điều kiện bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Biển đảo là máu thịt đời người ảnh 2
Chị Bùi Thị Vân xúc động khi giao lưu trong chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. Ảnh: Hồng Thúy

Tâm sự ấy của “sói biển” Mai Phụng Lưu đã nhận được sự đồng cảm của những người có mặt trong chương trình truyền hình. Biển đảo đã trở thành máu thịt của người ngư dân ấy khi ông mang cả những hạt cát ở ngư trường Hoàng Sa về đổ vào lư hương trên bàn thờ ông bà. Hình ảnh ấy khiến tất thảy khán giả càng thấm thía hơn về cái tình của ngư dân với biển, cao hơn là ý nghĩa hết sức thiêng liêng về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Dự khán chương trình, chị Phùng Thị Thủy Tiên, công nhân Công ty Tân Long Trường (quận 9-TPHCM), bày tỏ sự cảm kích: “Khó khăn và nguy hiểm đến mấy, bà con ngư dân mình vẫn kiên trì bám biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điều ấy buộc chúng tôi sống có trách nhiệm hơn, mong được góp sức hỗ trợ bà con ngư dân nhiều hơn. Hôm nay, chúng tôi sẽ nhắn tin ủng hộ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” và sẽ tiếp tục đóng góp ủng hộ”.

Trong nỗ lực tiếp sức cho ngư dân bám biển, ngoài các tổ đội đánh bắt do địa phương thành lập, từ năm 2011, Tổng LĐLĐ Việt Nam còn phối hợp cùng các địa phương thành lập các nghiệp đoàn nghề cá. Một trong số đó là Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn - Quảng Ngãi). Ông Nguyễn Quốc Chinh, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, thổ lộ: “Có nơi để tập hợp, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và sẻ chia khó khăn, ngư dân hết sức phấn chấn. Có nghiệp đoàn, ngư dân sẽ được giáo dục ý thức tuân thủ luật pháp quốc tế, tinh thần trách nhiệm khi khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Theo Vĩnh Tùng/Người lao động