Biển đảo: Nhật Bản cứng rắn với Hàn Quốc, mềm mỏng với Trung Quốc

01/09/2012 07:01
Bảo Thành (Nguồn: Wall Street Journal)
(GDVN) - Chúng tôi sẽ thực hiện những bước toàn diện đối với vấn đề lãnh thổ. Chúng tôi sẽ xem xét phản ứng của Hàn Quốc để quyết định mức độ hành động trong các lĩnh vực văn hóa, trao trả người và kinh tế
Có thể bạn quan tâm
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã gia tăng sức ép lên Hàn Quốc với những ngôn từ ám chỉ biện pháp đối phó cứng rắn hơn, sau khi Seoul chính thức từ chối yêu cầu của Nhật Bản đưa vấn đề tranh chấp đảo ra trước tòa án quốc tế hôm 29/8 vừa rồi. Động thái này đã khiến căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia đồng minh của Mỹ ở Đông Á này lên đỉnh điểm trong nhiều thập kỷ.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba
Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nói rằng Tokyo đang “xem xét nhiều khả năng” để khẳng định hơn nữa chủ quyền đối với một quần đảo không có người ở trên biển Hoa Đông do Hàn Quốc kiểm soát. “Chúng tôi sẽ thực hiện những bước toàn diện đối với vấn đề lãnh thổ. Chúng tôi sẽ xem xét phản ứng của Hàn Quốc để quyết định mức độ hành động trong các lĩnh vực văn hóa, trao trả người và kinh tế.” Ngoại trưởng Gemba cho biết Nhật Bản đang xem xét khả năng đơn phương đưa vụ việc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế để tăng cường sự công nhận quốc tế đối với tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản. Một khả năng nữa là tiến hành giáo dục cho nhân dân Nhật Bản kể cả trẻ em hiểu biết hơn về vấn đề lãnh thổ và sự kiểm soát của Nhật Bản đối với những khu vực tranh chấp. “Nhật Bản đã có sự kiềm chế trong giáo dục con em mình về vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên có vẻ như hệ thống giáo dục của chúng tôi đã làm tốt công tác giáo dục về lịch sử chiến tranh.” Ông Gemba cho hay. Tuyên bố này trái ngược với những chỉ trích từ lâu của Hàn Quốc và Trung Quốc rằng Nhật Bản không đề cập rõ đến giai đoạn xâm lược trong Thế Chiến II trong sách giáo khoa cho học sinh. Tokyo sẽ xác định các bước đi vững chắc tiếp theo đối với Hàn Quốc dựa trên phản ứng của Hàn Quốc sau khi từ chối hiệp thương song phương tại tòa án quốc tế ở La Hay. Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đặt chân lên quần đảo Liancourt Rocks mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima hồi đầu tháng Tám, Tokyo đã phản đối bằng cách hủy bỏ các cuộc gặp song phương và đe dọa sử dụng các biện pháp kinh tế như đình chỉ giao dịch trái phiếu chính phủ Hàn Quốc.
Quần đảo Dokdo/Takeshima
Quần đảo Dokdo/Takeshima
“Rõ ràng là vấn đề lãnh thổ phải mất nhiều thời gian mới giải quyết được. Đó có thể là một đặc điểm mới trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc”. Tuy nhiên Nhật Bản sẽ nỗ lực để ngăn chặn tác động bất lợi của vấn đề tranh chấp này đối với quan hệ song phương với chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak vì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nền kinh tế của hai nước. Trong khi đó, đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản lại mềm mỏng hơn hẳn. Sau bài học đối đầu với Bắc Kinh hai năm trước đây, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã thể hiện sự kiềm chế trong vấn đề tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền. Ông Gemba cho rằng cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không được lợi gì khi để vấn đề này ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ chung giữa hai quốc gia và rằng “sự phát triển kinh tế của Trung Quốc mang lại cho Nhật Bản nhiều cơ hội lớn.” Ông nói rằng Nhật Bản muốn ký hiệp ước tự do thương mại với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ cam kết tuân thủ thỏa thuận hồi tháng Năm nhằm khởi động các vòng đàm phán vào cuối năm nay về tự do thương mại ba bên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với Trung Quốc bùng lên gần như cùng thời điểm xảy ra tranh chấp với Hàn Quốc, sau khi 14 người Hồng Kông đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Nhật Bản đã nhanh chóng bắt giữ và trục xuất các nhà hoạt động này.
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản chặn tàu chở 14 người Hồng Kông đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản chặn tàu chở 14 người Hồng Kông đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư
Vụ bắt giữ này ngay lập tức bị chính quyền Trung Quốc chỉ trích và làm dấy lên làn sóng chống Nhật Bản khắp Trung Quốc. Trong tuần này xe chở đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh đã bị tấn công. Ông Gemba thừa nhận nguy cơ “cái bé xé ra to” nhưng ông bác bỏ khả năng sử dụng vũ lực đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoại trưởng Nhật Bản cho hay: “Chúng tôi không cho rằng tranh chấp trên Senkaku/Điếu Ngư sẽ leo thang thành xung đột quân sự”. “Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng một cuộc đối đầu quân sự sẽ không bao giờ xảy ra”, và ông bổ sung rằng Nhật Bản sẽ tiến hành các biện pháp nhằm tạo ra một kênh liên lạc để lãnh đạo hai nước có thể liên hệ với nhau khi cần thiết. Nhật Bản cũng có tranh chấp biển đảo với Nga, nhưng ông Gemba nhấn mạnh rằng Nhật Bản đang tìm cách thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Nga bằng cách bỏ qua những phàn nàn đối với quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng Lãnh thổ Phía Bắc) mà Nga chiếm được trong Thế Chiến II sau khi Nhật Bản đầu hàng. Ông nói rằng: “Môi trường chiến lược giữa Nhật Bản và Nga đã thay đổi”, ám chỉ yêu cầu cấp thiết hai quốc gia này phải cùng hợp tác để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhật Bản và Nga đang thu xếp để tổ chức cuộc hội đàm cấp cao lần thứ hai trong năm nay bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra trong tuần sau tại Vladivostok, Nga.
Bảo Thành (Nguồn: Wall Street Journal)