Biển Đông 2015: TQ sẽ tinh vi hơn để đạt mục tiêu APEC 2015 ở Philippines

07/01/2015 10:06
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc có "cách làm mới" ở Biển Đông do lo ngại bị phê phán, các nước xung quanh Biển Đông đẩy mạnh xây dựng hạm đội tàu ngầm đối phó tàu sân bay TQ.
Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam đặt mua của Nga (nguồn mạng military.china.com)
Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam đặt mua của Nga (nguồn mạng military.china.com)

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 6 tháng 1 dẫn trang mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 2 tháng 1 có bài viết cho rằng, có 2 nhân tố quan trọng chi phối vấn đề an ninh khu vực Thái Bình Dương năm 2015: Một là sự chuyển đổi chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông. Hai là sự phát triển ổn định của lực lượng dưới mặt nước của rất nhiều quốc gia.

Rất rõ ràng, 8 tháng đầu năm 2014, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông tương đối "tự tin" và "quyết đoán" (việc Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và kéo một lực lượng vũ trang, bán vũ trang quy mô khổng lồ vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam được các chuyên gia xác định là hành vi xâm lược). Nhưng, sau tháng 9 năm 2014, hành động của Trung Quốc hầu như bắt đầu có sự chuyển hướng, từng bước rời xa sách lược thô bạo của họ.

Theo bài báo, một nguyên nhân tiềm ẩn là vào năm 2015, Trung Quốc sẽ tham gia Hội nghị cấp cao APEC do Philippines tổ chức, do Trung Quốc từng tổ chức hội nghị cấp cao này vào năm 2014, cho nên, Trung Quốc hy vọng dùng “tư thế tích cực” để thúc đẩy tổ chức thuận lợi hội nghị cấp cao năm 2015, vì vậy, hy vọng thông qua làm cho tranh chấp Biển Đông “nhỏ đi” để thúc đẩy tổ chức hội nghị thuận lợi.

Để làm giảm tính bất ổn của tình hình khu vực Biển Đông, Trung Quốc "lấy đàm phán giữa các nước ở Biển Đông làm chính", làm lặng sóng sự phê phán của một số nước đối với Trung Quốc.

Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam đặt mua của Nga (nguồn mạng military.china.com)
Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam đặt mua của Nga (nguồn mạng military.china.com)

Theo bài báo, mặc dù mục đích thực sự của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, nhưng “cách làm mới” của họ làm cho tình hình khu vực Biển Đông trở nên “phức tạp”. Các bên đã phản ứng khác nhau đối với hành động của Trung Quốc.

Nhưng, có một số dấu hiệu cho thấy, do Trung Quốc triển khai “cách làm mới” ở khu vực Biển Đông, sự bất đồng giữa các nước xung quanh Biển Đông trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) bắt đầu từng bước thu hẹp.

Bài viết cho rằng, năm 2015 trở thành một năm quan trọng phán đoán mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, nó sẽ gây ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với các nước ở khu vực này.

Bài báo chỉ ra, ngoài sự thay đổi của Trung Quốc trong chính sách đối với các nước xung quanh Biển Đông, nhân tố thúc đẩy chiến lược làm thay đổi vấn đề an ninh khu vực Thái Bình Dương là “phản ứng” của các nước khu vực xung quanh đối với kế hoạch đóng tàu của Hải quân Trung Quốc.

Không ít quốc gia đang thực hiện chương trình tàu ngầm đầy tham vọng. Được biết, Hải quân Malaysia đã sử dụng lại 2 tàu ngầm Scorpion do Pháp và Tây Ban Nha nghiên cứu phát triển, trong khi đó Singapore trang bị 6 tàu ngầm Thuỵ Điển, tuổi thọ của những tàu ngầm này khoảng 20 - 40 năm, nhưng đã được tân trang hoàn toàn. Ngoài ra, Singapore còn có thể nhập khẩu một loại tàu ngầm mới để thay thế.

Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam đặt mua của Nga (nguồn mạng military.china.com) - những hình ảnh này không hiểu báo TQ khai thác từ đâu?
Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam đặt mua của Nga (nguồn mạng military.china.com) - những hình ảnh này không hiểu báo TQ khai thác từ đâu?

Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, hơn nữa 3 chiếc trong số đó đã bàn giao. Hạm đội tàu ngầm của hải quân các nước xung quanh sẽ có thể làm kinh sợ Quân đội Trung Quốc, đặc biệt là kế hoạch triển khai cụm chiến đấu tàu sân bay ở Biển Đông trong tương lai của Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, cùng với sự tăng trưởng tàu ngầm của hải quân khu vực, 2 vấn đề quan trọng phải được giải quyết. Thứ nhất là quản lý vùng biển, điều này rất quan trọng đối với việc bảo đảm đi lại an toàn cho tàu ngầm ở Biển Đông. Điều không may là, đến nay, còn chưa đạt được một khuôn khổ thống nhất cho an toàn đi lại.

Thứ hai, cùng với sự gia tăng số lượng tàu ngầm, khả năng xảy ra sự cố cũng tăng lớn. Các nước sở hữu tàu ngầm có trách nhiệm nâng cao năng lực cứu hộ. Xây dựng hệ thống cứu viện đa phương gồm tất cả các nước sở hữu tàu ngầm ở khu vực cũng quan trọng như vậy. Loại hợp tác trên phương diện quản lý vùng biển và thỏa thuận cứu viện tàu ngầm này chắc chắn sẽ trở thành chất kết dính của hợp tác hải quân đa quốc gia.

Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam mua của Nga (nguồn mạng news.qq.com)
Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam mua của Nga (nguồn mạng news.qq.com)
Hải quân Malaysia tiếp nhận tàu ngầm lớp Scorpene (nguồn mạng military.china.com)
Hải quân Malaysia tiếp nhận tàu ngầm lớp Scorpene (nguồn mạng military.china.com)
Đông Bình