Biển Đông: Cái gì giấu sau động thái cự tuyệt mới nhất của Trung Quốc?

13/07/2012 07:24
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Việt Nam có cơ sở pháp lý và có các cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh Nhà nước Việt Nam là người đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ…”.
Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, TS.Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ có những nhận định sâu sắc về tình hình Biển Đông, đặc biệt là thái độ với bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông COC của phía Trung Quốc.

Đảo An Bang (Quần đảo Trường Sa - Việt Nam)
Đảo An Bang (Quần đảo Trường Sa - Việt Nam)

Vì sao Trung Quốc cự tuyệt COC?
PV: Ngày 11/7, Tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc được tiến hành tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, động thái mới nhất của Trung Quốc là thẳng thừng từ chối đàm phán về COC với ASEAN với lý do: Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002 do các bên đồng ý ký kết, nếu quốc gia nào đó không tuân thủ tuyên bố chung này thì rất khó tiếp tục bàn đến bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC)! Ông đánh giá thế nào về các cuộc đàm phán tới đây giữa ASEAN và Trung Quốc về COC?TS. Trần Công Trục: Các nước trong khu vực Đông Nam Á đều muốn ổn định để phát triển kinh tế ,vì thế đã chủ động thống nhất những nội dung COC trước khi đàm phán với Trung Quốc. Nhưng vấn đề là làm sao để các bên chịu ngồi đàm phán và có một kết quả mà các bên có thể chấp nhận được. Kinh nghiệm của tôi là các bên phải có thiện chí mà thiện chí ở đây là phải tôn trọng sự thật khách quan, thống nhất được những nguyên tắc pháp lý cần thiết chung. Nếu ngồi đàm phán chỉ vì ý đồ chính trị, động cơ vẫn bị che giấu thì sẽ không bao giờ đi đến kết quả chung tốt đẹp. Các nước trong khu vực Đông Nam Á này đều có yêu sách riêng cho vùng biển của mình, nhưng họ đều vận dụng các tiêu chí, quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 . Nếu yêu sách mà căn cứ vào những thứ rất mông lung, không có cơ sở nào cả giống như cái mà Trung Quốc gọi là “đường lưỡi bò” thì sẽ dẫn đến thất bại trong đàm phán và chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng mà thôi.  Từ trước tới nay, Trung Quốc chỉ chủ trương đàm phán song phương vì họ sẽ dùng thế của một nước lớn để kéo lợi về cho mình, chính vì thế họ cự tuyệt COC. Cũng cần phải nhắc lại, COC là một công cụ pháp lý mạnh hơn Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC). Nếu các nước thông qua được thì quá hay và là điều chúng ta hy vọng…PV: Vậy để COC thực sự có ý nghĩa trong việc giải quyết các vấn đề tại Biển Đông như mọi người kỳ vọng thì phải được đàm phán như thế nào?
TS. Trần Công Trục: Về mặt pháp lý, chúng ta đã có Công ước Luật Biển 1982. COC là bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông được ví như luật của khu vực và cụ thể hơn Công ước Luật Biển. Để COC thực sự là một quy tắc pháp lý có giá trị thì các vấn đề phải được đàm phán một cách cụ thể để các nước có thể dựa vào đó mà thực hiện.
Nếu chỉ là chung chung như các tuyên bố thì đâu lại hoàn đấy, không giải quyết vấn đề gì. Mà khi đó COC có thể lại là một thứ để che đi những hành động đầy mưu tính tới đây của Trung Quốc. Nếu COC được thông qua thì cũng cần một cơ chế điều phối giám sát, chỉ đạo giúp cho COC được thực hiện một cách nghiêm túc. Cơ chế đó sẽ do Trung Quốc và các nước trong khu vực đặt ra chứ không thể mỗi bên vận dụng một kiểu.PV: Có người bày tỏ sự lo ngại rằng, với cách hành xử như lâu nay của Trung Quốc, dù COC có được các bên thông qua, cũng sẽ không đủ ràng buộc để nước này tuân thủ nghiêm ngặt?
TS. Trần Công Trục: Trong cơ chế giám sát có thể chúng ta sẽ kéo Liêp hợp quốc và các nước khác trên thế giới có quyền lợi tại Biển Đông vào cuộc để COC có thể được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Nếu các điều trong COC chung chung mang tính nguyên tắc thì có thể mỗi nước lại thực hiện theo một kiểu để có lợi cho nước mình. Ngay cả Công ước Luật Biển 1982 cũng bị như vậy. Trung Quốc đã không căn cứ vào đó để vận dụng dù về mặt ngoại giao họ luôn nói là tôn trọng Công ước Luật Biển này. Để đưa COC vào thực tế ngoài việc phải có một cơ chế giám sát hợp lý, điều phối và rất cụ thể còn phải có một tổ chức giám sát có quyền lực hoạt động vì mục đích chung…Cần một trung tâm nghiên cứu chính sách về biển Đông
PV: Là người đã từng nhiều năm đàm phán với Trung Quốc về biên giới, lãnh thổ quốc gia, trước những bước đi như vậy của Trung Quốc, theo ông, Việt Nam cần có những biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi của đất nước?

TS. Trần Công Trục: Đây là một câu hỏi mà toàn dân Việt Nam, đặc biệt là những người có trách nhiệm với Đất nước cần có câu trả lời thích hợp. Với tư cách là một chuyên gia về Luật Biển và quản lý biển, theo tôi, trước hết chúng ta phải tập trung nghiên cứu đánh giá tình hình một cách nghiêm túc để có được những phương án, giải pháp đồng bộ, chủ động xử lý mọi tình huống có hiệu quả nhất.

Quang cảnh trên đảo Trường Sa Lớn
Quang cảnh trên đảo Trường Sa Lớn

Vừa qua, Nhà nước đã có những quyết sách rất quan trọng, có tầm chiến lược cao trong công cuộc bảo vệ và phát triển Biển, Đảo. Tuy nhiên, trong việc triển khai các kế hoạch hành động cụ thể thì vẫn còn bất cập… nhất là trước những diễn biến phức tạp do những tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền các quyền, lợi ích khác được tiến hành bởi các nước liên quan khác trên Biển Đông. Phải chăng chúng ta chưa có một cơ chế tổ chức quản lý biển có hiệu lực, hiệu quả? 

Nên chăng, chúng ta cần một trung tâm nghiên cứu về chính sách theo dõi tình hình hàng ngày một cách liên tục, đề đạt những hướng đi cần thiết có hiệu quả cho lãnh đạo ra quyết sách trước những diễn biến tình hình. Việc này không thể giao riêng lẻ cho từng bộ, ngành, địa phương bởi vì vấn đề quản lý biển đòi hỏi phải được tiến hành một cách đồng bộ, được điều phối tập trung và có hiệu quả, kịp thời. 

Hơn nữa, phát triển kinh tế biển đòi hỏi phải đầu tư lớn và lớn hơn nhiều so với đầu tư trên đất liền. Trong khi đó, khả năng kinh tế của chúng ta hiện nay rất hạn chế. Vì vậy, không thể đầu tư dàn trải, theo cơ chế xin cho như vừa qua mà nên tính toán để tập trung đầu tư cho những lĩnh vực trọng điểm, có ý nghĩa làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế biển hiện tại và tương lai. 

Và điều hết sức quan trọng là sức mạnh bảo vệ chủ quyền Biển Đảo. Sự quan tâm của chúng ta vừa qua là vô cùng to lớn, nhưng có lẽ vẫn còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, một sức mạnh vô địch của dân tộc Viêt Nam hiện tại và tương lai…

PV: Thưa ông, có một điều không thể phủ nhận là Trung Quốc đang mạnh lên rất nhiều nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không có điểm yếu. Nhân dân ta có câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Vậy theo ông, điểm mạnh mang tính quyết định của Việt Nam nằm ở đâu? 

TS. Trần Công Trục: Muốn ngăn chặn những diễn biến chắc chắn sẽ diễn ra trong thời gian tới theo đúng kịch bản, không để cho nước khác “nhảy vào” lấy đi nguồn tài nguyên, xâm phạm lợi ích chính đáng của Việt Nam, trước hết, theo tôi, phải tìm cách phát huy những thế mạnh của ta trong cuộc đấu tranh phức tạp này. Sức mạnh đó là gì?

Tuần tra trên biển ở đảo Sinh Tồn
Tuần tra trên biển ở đảo Sinh Tồn

Chúng ta cũng có nhiều thế mạnh. Xét một cách công bằng và khách quan, chúng ta có lý về chủ quyền biển đảo, cơ sở pháp lý của chúng ta vững vàng chứ không như Trung Quốc. Chúng ta có trong tay những dữ liệu lịch sử có giá trị và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và gữ nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng yêu nước của mỗi người dân Viêt Nam là sức mạnh vô địch cần được quan tâm phát huy tối đa….

Công tác tuyên truyền biển đảo của ta có vấn đề

PV: Công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo hiện nay của chúng ta còn nhiều hạn chế?

TS. Trần Công Trục: Chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền. Trong nước, chúng ta phải làm cho người dân biết, hiểu điểm mạnh của chúng ta và điểm yếu của Trung Quốc. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền đối ngoại, chúng ta phải làm cho nhân dân thế giới hiểu rằng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là không thể chối cãi, rằng những tuyên bố về “chủ quyền” của Trung Quốc tại đây là sự vi phạm Luật pháp Quốc tế một cách trắng trợn. Các ý kiến chuyên gia của mình cũng khá nhiều nhưng chưa chuyển sang được các thứ tiếng khác để cho nhiều người dân thế giới hiểu. 

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Bây giờ hầu hết người dân và nhất là người Trung Quốc không phải ai cũng biết cái phi lý của Trung Quốc. Chúng ta phải tuyên truyền mạnh hơn nữa, thường xuyên hơn nữa. Nếu chúng ta im lặng thì người dân trong nước cũng không hiểu vấn đề và có thể dẫn đến tình trạng có hành động quá mức cần thiết. Chính vì vậy chúng ta phải đầu tư ngay vào vấn đề này một cách thường xuyên, tích cực, chủ động, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” như đã từng xảy ra… 

Chúng ta không kích động người dân như báo chí, truyền thông của Trung Quốc vẫn làm, nhưng chúng ta phải thể hiện chính kiến đúng sai. Cái gì họ sai, chúng ta phải lên tiếng phân tích phê phán có lý, có tình, còn cái gì họ đúng thì chúng ta phải tôn trọng bảo vệ sự thật khách quan, không “vơ đũa cả nắm”.

PV: Xin ông có thể nói rõ hơn về những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải trong công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo đối với thế hệ trẻ của đất nước?

TS. Trần Công Trục: Trong công tác tuyên truyên của chúng ta cũng đang có vấn đề. Những thông tin về biển đảo của chúng ta trong sách lịch sử còn quá ít, thậm chí còn có nhiều thông tin sai. Hiện nay, Trung Quốc đang dựa vào cơ sở duy nhất của họ là yếu tố lịch sử với những lập luận hết sức mơ hồ. Trong thực tiễn và Luật pháp Quốc tế về việc giải tranh chấp chủ quyền lãnh thổ quốc gia, người ta không dựa vào các sự kiện được ghi chép trong sử sách để xem xét, phân xử đúng sai, bởi vì nếu căn cứ vào đó thì thế giới sẽ bị đảo lộn, nhiều quốc gia sẽ không còn như hiện tại...

Chúng ta cần khẳng định rằng: Việt Nam có cơ sở pháp lý và có các cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh Nhà nước Việt Nam là người đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ; việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Nhà nước Viêt Nam là thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp  với các nguyên tắc của Luật pháp và tập quán quốc tế. Đối với việc giải quyết tranh chấp các vùng chồng lấn trên biển thì phải dựa vào Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982….
Hồng Chính Quang