Bộ Tài chính đang tính toán cách thức và mức thu phí sử dụng đường bộ

11/04/2012 16:22
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ Tài chính đang tính toán cách thức và mức thu phí sử dụng đường bộ. Thận trọng tăng vé xe buýt, quyết liệt thu phí giao thông. Có thể có tới 9 hoặc 10 mức phí cho ô tô... là những tin bài nóng xung quanh đề xuất thu phí giao thông.
Bộ Tài chính đang tính toán cách thức và mức thu phí sử dụng đường bộ

Ngày 10/4, Bộ Tài chính cho biết, Bộ vừa họp với Bộ GTVT bàn về hướng dẫn chế độ thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của Nghị định 18 về quỹ bảo trì đường bộ. Về đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính cho rằng chỉ là một căn cứ để xem xét. Cách thu như thế nào, mức thu ra sao, Bộ Tài chính đang tính toán. Đó là thông tin đáng chú ý về thu phí giao thông, đăng tải trên tờ Tuổi Trẻ hôm nay.

Ảnh minh họa: VnExpress
Ảnh minh họa: VnExpress

Riêng đối với xe máy, Bộ Tài chính cho biết có thể áp dụng chính sách miễn giảm mức thu đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa... Bộ Tài chính sẽ ban hành khung mức thu phí để các địa phương ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hằng năm trên đầu xe máy. Ôtô sẽ do Bộ Tài chính quy định tại thông tư. Bộ Tài chính còn cho biết sẽ sửa một phần thông tư 90 về thu và sử dụng phí đường bộ. Từ ngày 1/6, khi áp dụng thu phí để bảo trì đường bộ, ôtô qua các trạm thu phí thuộc ngân sách nhà nước sẽ không phải nộp phí.

Theo lộ trình Bộ Giao thông vận tải đưa ra trong đề án quỹ bảo trì đường bộ trình Chính phủ trước đây, từ khi thực hiện thu phí bảo trì sẽ thực hiện xóa bỏ 19 trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước và đến năm 2015 xóa 4 trạm đã chuyển nhượng quyền thu phí (năm 2015 là thời hạn cuối cùng đơn vị mua quyền thu phí sở hữu quyền thu phí 4 trạm này).

Thận trọng tăng vé xe buýt, quyết liệt thu phí giao thông

Nguồn tin trên Infonet cho hay, trong khi lãnh đạo Hà Nội tỏ ra thận trọng trước khi đưa ra quyết định tăng giá vé xe buýt thì ngược lại phía Bộ GTVT lại tỏ ra “quyết liệt” trong việc thu phí giao thông.

Theo đề xuất, giá vé xe buýt lượt sẽ có giá từ 5.000 – 7.000 đồng (hiện nay từ 3.000 – 5.000 nghìn đồng). Mức vé tháng đi một tuyến của học sinh, sinh viên sẽ tăng lên 45.000 đồng (hiện nay 25.000 đồng), đối tượng khác tăng lên 90.000 đồng (hiện là 50.000 đồng). Giá vé liên tuyến đối với học sinh, sinh viên tăng lên mức 90.000đồng (hiện có giá 50.000 đồng), đối tượng còn lại là 145.000 đồng (hiện 80.000 đồng).

Việc điều chỉnh tuy chỉ xê dịch ở con số từ vài nghìn đến vài chục nghìn, nhưng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vẫn cho rằng, tăng giá vé xe buýt sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì thế khi đưa ra chủ trương điều chỉnh giá vé không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, mà còn phải lưu ý đến việc đảm bảo an sinh xã hội.

Trong khi đó, với đề xuất thu phí giao thông, nếu người dân phải chịu cả phí bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí đi vào thành phố giờ cao điểm thì người đi xe máy sẽ phải bỏ ra ít nhất 700 nghìn đồng, còn người sở hữu ô tô sẽ phải chịu mức cao nhất 70 triệu đồng mỗi năm.

Bộ giao thông "quyết liệt" thu phí giao thông. Ảnh L.D
Bộ giao thông "quyết liệt" thu phí giao thông. Ảnh L.D

Mức độ ảnh hưởng của việc thu phí này sẽ lớn hơn nhiều so với việc điều chỉnh giá vé xe buýt. Tuy nhiên trong lần trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT lại khẳng định sẽ phải làm “quyết liệt”.

“Theo tôi mức phí này là hợp lý. Bộ GTVT và trực tiếp là tôi sẽ chịu trách nhiệm khi đề xuất mức phí này. Đã làm phải quyết liệt. Nếu không vài năm nữa khi phương tiện cá nhân tăng mạnh lại bảo sao ngày ấy không làm (thu phí)” – Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Trước đó nhiều chuyên gia giao thông, Đại biểu Quốc hội đã từng đánh giá rất cao vị “tổng tư lệnh” ngành GTVT, và cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng là “con người của hành động”. Rất nhiều lĩnh vực như khắc phục tình trạng chậm trễ của các công trình, ngay cả đối với chủ trương giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, Bộ trưởng Thăng cũng đều làm “quyết liệt”. Trong bối cảnh đó, hai chữ “quyết liệt” đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhà nước, cho người dân.

Nhưng sự “quyết liệt” trong thu phí phương tiện lại khiến dư luận và người dân chưa thực sự đồng thuận. Và không ít người lại so sánh sự thận trọng của Hà Nội khi tăng 2000 đồng/vé xe buýt với khoản thu hàng triệu đồng phí hạn chế phương tiện mà Bộ GTVT muốn áp dụng.

Có thể có tới 9 hoặc 10 mức phí cho ô tô

Nguồn tin trên báo Giao thông vận tải điện tử cho hay, Bộ Tài chính và Bộ GTVT vừa làm việc để thống nhất nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn thu phí bảo trì đường bộ. 2 Bộ đều cho rằng các quy định tại Thông tư cần cụ thể, rõ ràng để cơ quan thu phí và người nộp phí thực hiện hiệu quả.

Chiều ngày 9/4, thực hiện Luật GTĐB và Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì buổi làm việc thống nhất nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn thu phí bảo trì đường bộ.

Các trạm thu phí nộp ngân sách sẽ được xóa bỏ khi Quỹ bảo trì đi vào hoạt động
Các trạm thu phí nộp ngân sách sẽ được xóa bỏ khi Quỹ bảo trì đi vào hoạt động

2 Bộ đã thống nhất rà soát lại các nội dung của dự thảo Thông tư, trong khoảng 10 ngày tới sẽ hoàn thành để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi ban hành.  Tại buổi làm việc, các mức thu phí đối với ôtô và môtô cơ bản được 2 Bộ thống nhất như dự thảo do Bộ GTVT xây dựng.

Mức thu thấp nhất với ôtô là 180.000 đồng/xe/tháng, được tính toán trên mức phí cơ sở là 1.000 đ/lít xăng dầu tiêu thụ. Mức thu cao nhất là 1,44 triệu đồng/xe/tháng. 2 Bộ thống nhất sẽ xem xét chia nhỏ thêm mức thu đối với loại phương tiện có tải trọng lớn, để thu hẹp lại bước phí, giảm mức chênh lệch phí sử dụng đường bộ giữa 2 loại xe có tải trọng kế tiếp nhau. Như vậy, có thể có tới 9 hoặc 10 mức phí cho ôtô. Các mức phí cũng sẽ  được làm tròn, bỏ số lẻ.

Phát hành trái phiếu giao thông thay cho phí hạn chế xe

Bạn đọc của VnExpress đề xuất phương án phát hành trái phiếu giao thông thay cho phí hạn chế xe. Trái phiếu giao thông cho phép các phương tiện lưu hành tương ứng với giá trị đã mua và theo thời hạn xác định cụ thể. Như vậy sẽ tạo sự công bằng cho người tham gia giao thông.

Nhà nước nên phát hành trái phiếu chỉnh phủ, có thể đặt tên là “Trái phiếu giao thông” chẳng hạn. Thay vì thu phí như đề xuất của Bộ GTVT thì nên chuyển sang phát hành trái phiếu bán cho người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, cần phải huy động thêm nhiều nguồn lực khác như BOT, ODA để đột phá hạ tầng phát triển giao thông.

Độc giả này cũng đánh giá, việc mua trái phiếu này cũng thật sự thể hiện tinh thần yêu nước, mọi người cùng được góp phần để cùng nhau xây dựng phát triển giao thông đất nước trong bối cảnh nền kinh tế xã hội hiện nay. 

Tất cả mọi phương tiện đều phải có trách nhiệm tham gia mua trái phiếu giao thông này, bất kể phương tiện thuộc diện nào. Có thể mua theo hàng tháng, hàng quý hay cả năm, cụ thể:
- Xe máy: 300.000 đồng/năm; xe mô tô: 1.000.000 đồng/năm
- Xe ô tô công suất <= 2.0: 8.000.000 đồng/năm
- Xe ô tô công suất > 2.0 đến 3.5: 16.000.000 đồng/năm
- Xe ô tô công suất > 3.5: 25.000.000 đồng/năm
- Trái phiếu có mệnh giá từ 100.000 đồng trở lên, kỳ hạn có thể là 5 năm, 10 năm, 20 năm
Hải Phong (Tổng hợp)