Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Không hứa thì thôi, hứa phải làm cho đúng"

18/11/2014 16:55
Ngọc Quang
(GDVN) - Trước những băn khoăn của cử tri về thất thoát vốn, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định kiên quyết chống tham nhũng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Hàng loạt câu hỏi lo lắng về hạ tầng, mức phí trên đường cao tốc và cầu treo dân sinh đã được đặt ra với Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đặt ra hai mối băn khoăn: Thứ nhất, Bộ Giao thông đang nghiên cứu chuyển giao một số công trình giao thông quốc gia trong đó có đường cao tốc để lấy kinh phí xây dựng các công trình khác. Nếu đối tác nước ngoài trúng thầu, thời gian khai thác dài thì có thể dẫn tới thu phí quá cao, nhưng nhân công thì lương thấp, có thể ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia?

Lo lắng thứ hai của Đại biểu Hà là khi Bộ Giao thông cho thi công tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đoạn qua huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã chia cắt đồng ruộng, gây hư hỏng hệ thống thủy lợi, ảnh hưởng sinh hoạt và canh tác của người dân. Cử tri các xã thuộc huyện Gia Lâm rất hoanh nghênh Bộ trưởng đã kịp thời chỉ đạo xây dựng hầm chui dân sinh, đường gom dân sinh và xin gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng, nhưng đồng thời đặt ra câu hỏi: Hạng mục trên khi nào thi công và khi nào hoàn thành?

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy cũng đặt ra câu hỏi: Phát triển đường cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách đời sống giữa các vùng miền và cho rằng việc thu phí là cần thiết nhưng phải đảm bảo được sự hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người sử dụng. Vậy mức thu phí hiện nay có cao không?

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Đã hứa phải làm cho đúng". Ảnh: TTBC.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Đã hứa phải làm cho đúng". Ảnh: TTBC.

Không cho phép tăng phí tùy tiện đường cao tốc

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện nay Trung ương Đảng chỉ đạo Bộ GTVT phải có những bước phát triển đột phá, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng hạ tầng, đảm bảo giao thông đi trước một bước nhằm thúc đẩy tốc độ phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn lực hiện nay dành cho phát triển hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế, vì vậy Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ áp dụng nhiều cơ chế nhằm tạo nguồn vốn đảm bảo cho mục tiêu trên, và một trong những biện pháp đó là chuyển giao quyền khai thác các tuyến đường cao tốc cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.

“Tại km83 cao tốc Nội Bài – Lào Cai có một vết nứt là do giữa hai lỗ khoan có 1 tảng đá trượt nghiêng ra ngoài, trong quá trình khảo sát thiết kế thi công không phát hiện ra, mặc dù thiết kế là nhà thầu Nhật Bản, thi công là Keangnam, giám sát cũng là nhà thầu Nhật Bản. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới chỉ thông xe kỹ thuật để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, chứ chưa chính thức khánh thành, vì còn 10 điểm chờ lún”, Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Nhà đầu tư nước ngoài không thể tăng giá tùy tiện vì phải thực hiện theo hợp đồng. Chúng ta thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng không lo lắng về chuyện nhà đầu tư nước ngoài trả lương thấp, vì phải đáp ứng được nhu cầu của cả người sử dụng và nhu cầu của người lao động, đồng thời trong chính sách của chúng ta có quy định mức lương tối thiểu để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Chuyển giao để có nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nhanh hơn, nhưng vẫn đảm bảo được vai trò quản lý của nhà nước”.

Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành giao thông cũng thẳng thắn cho biết, bên cạnh nhiều dự án triển khai tốt thì vẫ còn những dự án phối hợp giữa các cơ quan ban ngành chư tốt, gây ra phiền hà cho người dân tại các vùng dự án. Cụ thể, với dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có đoạn tuyến đi qua huyện Gia Lâm như phản ánh của Đại biểu Hà là có ảnh hưởng tới hệ thống thủy lợi, Bộ trưởng Thăng khẳng định, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận với chính quyền địa phương, vừa đảm bảo có hạ tầng tốt, nhưng cũng phải đảm bảo ảnh hưởng tới người dân ở mức thấp nhất.

Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Chúng tôi đã có kiểm tra và chấn chỉnh, Đại biểu yên tâm. Đã không hứa thì thôi, đã hứa sẽ phải thực hiện cho đúng”.

Hàng nghìn cây cầu sẽ được xây dựng cho các tỉnh nghèo

Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng mang đến một tin vui cho nhân dân ở 50 tỉnh, nhất là ở những vùng rừng núi khó khăn khi cho biết sẽ có 8.711 cây cầu treo được hoàn thành sau 2017.

“Việc đi lại của người dân rất khó khăn do cách trở sông suối, chúng tôi rất xót xa và xin chia sẻ với đồng bào. Trước tình hình đó, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án phát triển cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trong cả nước với khoảng 8.711 cây cầu.

Chúng tôi đã giao cho Tổng cục đường bộ cùng các địa phương rà soát có lộ trình cụ thể để đầu tư. Hiện nay Chính phủ đã cho phép đầu tư trước 186 cây cầu bằng ngân sách của năm 2015, hết gần 2 nghìn tỷ dự kiến huy động nhiều nguồn khác nhau, cả vốn trung ương, địa phương, vốn vay… chúng tôi cũng sẽ tổ chức chương trình nhịp cầu nhân ái, hiện có nhiều doanh nghiệp xin đăng ký ủng hộ”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Trong vòng 3 năm tới, nhiều học sinh ở các tỉnh nghèo sẽ có cầu đến trường. Ảnh minh họa, nguồn: ĐSPL.
Trong vòng 3 năm tới, nhiều học sinh ở các tỉnh nghèo sẽ có cầu đến trường. Ảnh minh họa, nguồn: ĐSPL.

Chia sẻ băn khoăn của một số đại biểu về các công trình giao thông thất thoát vốn, vốn cao nhưng chất lượng chưa cao, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Đấu tranh chống tham nhũng là một công cuộc khó khăn phức tạp vì liên quan tới đối tượng có chức có quyền, Bộ GTVT xác định đây là vấn đề trọng tâm vì ngành giao thông sử dụng vốn nhiều nhất, kể cả ngân sách và tiền đi vay vì đó đều là tiền của dân.

Ngoài chương trình tổng thể chống tham nhũng của trung ương, chúng tôi đã đặt ra một số yêu cầu riêng: Thứ nhất, xác định trách nhiệm của người đứng đầu bao gồm cả Bộ trưởng, Thứ trưởng và các cục vụ, các doanh nghiệp; Thứ hai là thực hiện công khai, minh bạch tất cả các hoạt động của ngành GTVT, từ công tác cán bộ, đến phân bổ vốn, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế….; Thứ ba là cụ thể hóa bằng các văn bản của Bộ GTVT, thí dụ quy định những điều ban quản lý dự án không được làm; thứ tư là phân loại nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế để sắp xếp vào các dự án, đồng thời xử lý nghiêm minh tất cả vi phạm trong ngành.

Thời gian qua, chúng tôi tổ chức thi tuyển công khai các chức danh Tổng cục trưởng, vụ trưởng để chọn được người có đức, có tài và đặc biệt phải có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt đến cùng”.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đỗ Văn Đương về nỗi lo an toàn thi công dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khi đã xảy ra việc rơi dầm làm chết người trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Dự án đường sắt Cát Linh hà Đông sử dụng vốn vay OAD của Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc thi công; sử dụng công nghệ của Trung Quốc, công nghệ mới nhất và tàu mới nhất. Vừa qua có xảy ra sự cố đáng tiếc tại dự án, chúng tôi đã cho dừng để kiểm tra từng hạng mục, yêu cầu phải đảm bảo an toàn mới cho thi công.

Để đảm bảo an toàn cho dự án không chỉ trong thi công mà cả trong khai thác sau này, khi dự án hoàn thành phải nghiệm thu đảm bảo tuyệt đối an toàn. Khi đi vào khai thác cũng phải đảm bảo an là mục tiêu đầu tiên đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, sau đó mới tính đến hiệu quả”.

Ngọc Quang