Những ngày qua, dư luận còn chưa bớt nóng với câu chuyện các cơ quan hành chính sự nghiệp có tới 139 nghìn cấp phó, kéo theo riêng tiền ngân sách chi cho phụ cấp công vụ một năm đã ngốn hết 4 nghìn tỷ đồng. Sáng nay, một Đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt ra câu chuyện "phong hàm hưởng chế độ", dù không có trong quy định của Đảng và Nhà nước.
Liệu có "hàm giám đốc"?
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ - ông Nguyễn Thái Bình sáng nay, Đại biểu Bùi mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) đã nêu vấn đề: Nhiều người băn khoăn trong hệ thống chức danh cán bộ gần đây xuất hiện chức danh “hàm”. Bộ trưởng có cho biết tiêu chuẩn chức năng vai trò nhiệm vụ chức năng của vai trò này trong bộ máy hành chính. Nhiều người đặt câu hỏi liệu tới đây có “hàm giám đốc” hay “hàm trưởng phòng” không?
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng yêu cầu làm rõ quy định phong hàm ở các bộ ngành. Ảnh: TTBC. |
Nói về thực trạng bổ nhiệm “hàm”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện nay trong các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước về bổ nhiệm cán bộ không có quy định nào về “hàm”, tuy nhiên thực tế tại nhiều cơ quan trung ương có nhiều vận dụng cho hưởng chế độ về “hàm” đối với cán bộ công chức, viên chức.
“Bộ Nội vụ và cá nhân tôi thấy đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết trong công tác cán bộ. Do đó ngày 11/6/2014, chúng tôi công văn gửi các bộ ngành đề nghị cung cấp danh sách công chức viên chức được vận dụng cho hưởng chế độ “hàm” từ cấp phòng trở lên. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan của Chính phủ thì hiện có 329 công chức, viên chức đang hưởng chế độ “hàm”, chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên
“Báo cáo các Đại biểu là cấp phòng cũng có hàm rồi chứ không phải chưa”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê, số lượng hưởng chế độ “hàm Vụ trưởng” là 96 người; hưởng chế độ Phó vụ trưởng là 150 người; Hưởng chế độ “hàm Trưởng phòng” là 76; Hưởng chế độ “hàm phó phòng” là 17.
“Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động trong vấn đề bố trí cán bộ, tuy nhiên qua rà soát thì phát hiện một số bộ ngành ban hành cả quy chế bổ nhiệm hàm. Tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã thành lập một tổ công tác do một Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách để nghiên cứu về vấn đề này. Trên cơ sở nghiên cứu sẽ có đánh giá giữa lý luận và thực tiễn, nếu “hàm” cần giữ phải đưa vào quy định của pháp luật, nhưng thời gian ngắn quá nên cần phải có thời gian để xử lý”, ông Bình cho hay.
Bao giờ quy định cứng cấp phó?
Đại biểu Bùi Thị An đặt ra vấn đề: Lạm phát cấp phó kéo dài từ Trung ương tới địa phương, gây tốn kém ngân sách, phải giải quyết thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, quy định số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính các đơn vị sự nghiệp công lập được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật. Trước đây Nghị định 178 quy định về chức năng nhiệm vụ của các bộ và cơ quan ngang bộ, sau đó được thay bằng nghị định 36.
Với đơn vị hành chính sự nghiệp các tỉnh, các huyện thì được quy định bởi Nghị định 13, Nghị định 14 hiện giờ được thay bằng Nghị định 27, Nghị định 34.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: "Không thể phủ nhận là một số cơ quan tổ chức quá nhiều cấp phó không thực sự xuất phát từ nhu cầu". Ảnh: TTBC. |
Theo ông Bình, quy định về cấp Thứ trưởng không phải quy định cứng mà có tính chất cơ động. Theo quy định là một Bộ, cơ quan ngang bộ có 4 Thứ trưởng, nếu tăng thêm do cơ quan thẩm quyền quyết định.
“Bộ, cơ quan ngang bộ muốn tăng thêm Thứ trưởng thì phải có đề án báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền, phía trên là Ban cán sự đảng của Chính phủ, Ban tổ chức trung ương, sau cùng Ban bí thư quyết định”, ông Bình nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết: “Nhiều lần kiến nghị với Ban cán sự đảng Chính phủ nên có quy định cứng, nhưng khi đưa ra thảo luận bỏ phiếu thì không có lần nào quá bán. Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít, nhưng các Bộ đề nghị số lượng nhiều nên không gặp nhau được. Tới giờ này chưa có quy định, nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ phải có quy định cứng, không để tình trạng này kéo dài. Hiện đang sửa Nghị định số 36, quy định Bộ nào được mấy Thứ trưởng phải ghi rõ để sau này không có sự bàn cãi”.
Ông Bình cũng cho hay, tất cả các chức danh còn lại với cấp phó đều quy định cứng, nhưng trong thực tế cuộc sống lại không theo quy định đó. Theo rà soát sơ bộ của Bộ Nội vụ: Cấp Bộ bình quân 5,4 Thứ trưởng; cấp Tổng cục quy định là 3, nhưng bình quân thực tế là 3,69; cấp Vụ quy định là 3 nhưng thực tế bình quân là 3,04; cấp Sở quy định là 3 nhưng bình quân thực tế là 3,06.
“Như vậy trong tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp Trung ương đến địa phương thì chỉ có cấp Thứ trưởng tăng nhiều nhất, sau đó đến cấp Tổng cục là tăng nhiều nhất, tất cả các đơn vị còn lại theo báo cáo đến lúc này cơ bản là không vượt”, ông Bình thông tin.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ cũng tán đồng quan điểm của Đại biểu Quốc hội là bổ nhiệm quá nhiều cấp phó gây lãng phí cho ngân sách và không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ và xã hội.
Ông Bình chỉ ra 2 nguyên nhân cụ thể làm gia tăng số lượng cấp phó: Thứ nhất là do sức ép công việc lãnh đạo điều hành ở một số cơ quan, nền hành chính của ta họp hành nhiều mà theo ông Bình có những cuộc họp không phải Thứ trưởng tham gia thì không cho dự; Thứ hai là do đặc thù nên phải có cán bộ thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao do khối lượng công việc lớn.
“Chúng tôi hiện chỉ có 4 thứ trưởng nhưng cái làm gương này chưa được lan tỏa”, ông Bình chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ cũng thẳng thắn cho biết: “Không thể phủ nhận là một số cơ quan tổ chức quá nhiều cấp phó không thực sự xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là hậu quả từ một lý do nào đó. Thủ tướng chỉ quản diện Thứ trưởng thôi, các chức danh còn lại phân cấp cho các Bộ và các Chủ tịch tỉnh quản lý. Do đó điều chúng tôi muốn nói là công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Bộ, của tỉnh quyết định. Qua thực tế, tôi thấy việc bổ nhiệm cán bộ ở một số nơi do lãnh đạo thiếu tính gương mẫu, tập thể Đảng bộ thì thiếu tính chiến đấu. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm hay thiếu sót thì sẽ có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có hướng giải quyết”.