Bộ trưởng Giàng Seo Phử nói về chính sách cho vùng dân tộc, miền núi

22/04/2013 06:41
Hà Nhi
(GDVN) - Thời điểm tháng 3 – tháng 4 là mùa đói lương thực, các trẻ em miền núi đi học bán trú, nội trú trường không có gạo mang theo nên đã bỏ học, ở nhà giúp gia đình chăn trâu, trông em - Đó là những lời tâm sự của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.
Cần khuyến khích doanh nghiệp lên miền núi
Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” phát sóng trên VTV tối 21/4, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã trả lời các băn khoăn về vấn đề chính sách cho vùng dân tộc, miền núi.
Trước phản ánh của người dân dân tại Mù Cang Chải – Yên Bái về việc thiếu bóng các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư tại miền núi, ông Giàng Seo Phử thừa nhận: “Cái khó lớn nhất của chúng ta là chưa có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp để người ta lên vùng núi đầy khó khăn để sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, cũng chưa có chính sách liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân - Đó là về lý thuyết”.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: “Rất nhiều chương trình giáo dục, của các Bộ, ngành, đã hỗ trợ giúp đỡ cho các em nhỏ dân tộc vươn lên, trong đó có nâng cao dân trí nhưng chưa phải chúng ta đã làm được tất cả".
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: “Rất nhiều chương trình giáo dục, của các Bộ, ngành, đã hỗ trợ giúp đỡ cho các em nhỏ dân tộc vươn lên, trong đó có nâng cao dân trí nhưng chưa phải chúng ta đã làm được tất cả".
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Giàng Seo Phử: Thủ tướng Chính phủ nên xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lên miền núi tổ chức sản xuất, đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn lực tại chỗ để tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để mở các lớp đào tạo nghề nhằm mục đích học xong có thể đi làm luôn. “Chúng tôi cũng đang suy nghĩ bàn bạc với Bộ Lao động, có chương trình dành riêng về đào tạo nghề cho dân tộc miền núi” – ông Giàng Seo Phử nhấn mạnh.

Các hộ cận nghèo có cơ hội thoát nghèo nhanh

Trước đó, những người nghèo ở dân tộc miền núi đã có chính sách còn các hộ cận nghèo thì chưa có chính sách. Tuy nhiên, một tin mừng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, ngân hàng Nhà nước VN đã chủ trì và có quyết định, hôm nay đã có hiệu lực thi hành, cho phép hộ cận nghèo vay vốn với chính sách ưu đãi. Với tư cách là Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Giàng Seo Phử cho biết: Ông rất hoan nghênh và cảm ơn Nhà nước đã tạo cơ hội cho các hộ cận nghèo sớm thoát nghèo. 
“Tôi cho đây là là chính sách mà các Bộ - ngành đã xử lý thành công. Trước đây dân kêu, Quốc hội phàn nàn, Nhà nước ta xử lý rất chậm, tuy nhiên, tới hôm nay tôi cho rằng: Đây là một chính sách đúng, tốt cho hộ cận nghèo” – ông Giàng Seo Phử bày tỏ sự vui mừng.
Bên cạnh niềm vui ấy thì vẫn còn đâu đó những nỗi đau, như trên một số tỉnh vùng cao, các em bán trú dân nuôi đang sống trong những căn nhà vách đất sơ sài giữa rừng, ăn uống kham khố. Mặc dù, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cả về gạo, về tiền cho các em, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Phải chăng lượng hỗ trợ này chưa đủ để đến với các em?.
Ông Giàng Seo Phử phân trần: “Rất nhiều chương trình giáo dục, của các Bộ, ngành, đã hỗ trợ giúp đỡ cho các em nhỏ dân tộc vươn lên, trong đó có nâng cao dân trí nhưng chưa phải chúng ta đã làm được tất cả. Ở đâu đó, còn khá phổ biến, nhất là các vùng thôn, bản xa xôi hẻo lánh chưa được hưởng các dịch vụ về y tế, giáo dục trong đó có cơ sở trường học. 
Cơ bản nhất là mức sống của người dân còn khó khăn, nghèo đói. Thời điểm bây giờ vào tháng 3 – tháng 4 là mùa đói lương thực, các cháu đi học bán trú, nội trú trường không có gạo mang đi nên bỏ học, ở nhà giúp gia đình chăn trâu, trông em. Chúng tôi đã thấy điều đó, đã báo cáo với Bộ Giáo dục và xin ý kiến của Thủ tướng. Trong điều kiện đất nước ta có đầy đủ lương thực, chỉ cần bớt một chút thôi là hoàn toàn có thể giúp đỡ được các cháu.
May mắn là Thủ tướng CP đã chấp nhận, tuy nhiên, vướng một cái là các cháu không biết nấu cơm, chúng tôi lại báo cáo, nên cho một mức lương cơ bản, các gia đình có thể thuê dân nuôi về nấu cơm, để đảm bảo các cháu có cơm chín, nước sôi” - Ông Giàng Seo Phử nhấn mạnh các chính sách của Nhà nước luôn nỗ lực để hỗ trợ, động viên, giúp đỡ đời sống bà con nông dân, dân tộc miền núi, vùng cao.
Hà Nhi