Cần phải có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa để học sinh lựa chọn

24/07/2019 06:13
Minh Tâm - Vũ Ninh
(GDVN) - Trong tay Bộ trưởng có gần 1 triệu nhà khoa học và giáo viên. Vậy sao lại nói không tập hợp được mấy trăm người ngồi viết sách?

Phó Giáo sư Phan Kế Hào đã có những chia sẻ thẳng thắn xoay quanh vấn đề thay mới sách giáo khoa bắt đầu từ năm 2020.

Một số ý kiến cho rằng: Hiện nay đội ngũ nhân lực để viết sách giáo khoa không có nhiều. Đây là một trong những rào cản trong việc đa dạng hóa sách giáo khoa. Ông nghĩ sao về điều này?

Trong tay Bộ trưởng có đến gần 1 triệu nhà khoa học và giáo viên. Vậy sao lại không tập hợp được mấy trăm người để ngồi viết sách?

Đã có 2 nhà xuất bản gửi hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa lớp 1
Đã có 2 nhà xuất bản gửi hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa lớp 1

Cho nên tôi nghĩ không phải không có người viết sách.

Lớp trẻ bây giờ khá lắm chứ. Họ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. 

Chưa kể đến đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giáo viên.

Vấn đề ở chỗ phải có cơ chế, chính sách và chế độ như thế nào để tạo điều kiện cho người muốn viết sách.

Nói không có người viết sách tức là anh không có chủ trương để thực hiện việc đó. 

Bằng kinh nghiệm thực tiễn, ông cho rằng giữa một và nhiều bộ sách giáo khoa. Đâu là sự lựa chọn ưu việt hơn?

Thực tiễn đã chứng minh, nếu chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều mặt trái và nhiều bất cập.

Tôi đi nhiều nước. Trong tất cả các quốc gia mà tôi đến, không có một nước nào chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất như ở nước ta.

Nếu nhìn lại Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ta không nói. Vì thời chiến hoàn toàn khác thời bình.

Ngày trước giáo dục còn phiến diện, chú trọng đến những giá trị cốt lõi, tinh túy. Khi đó có thể sử dụng một bộ sách giáo khoa được.

Còn như hiện nay giáo dục phải chú trọng đến tính toàn diện. Để toàn diện không thể nào chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất.

Ông Nguyễn Kế Hào cho rằng cần có nhiều hơn 1 bộ sách giáo khoa để học sinh có thể lựa chọn (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Ông Nguyễn Kế Hào cho rằng cần có nhiều hơn 1 bộ sách giáo khoa để học sinh có thể lựa chọn (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Ông có thể nói rõ hơn về những bất cập khi sử dụng một bộ sách giáo khoa duy nhất?

Thực tiễn đã chứng minh rằng: Bất cứ khi nào có một bộ sách giáo khoa duy nhất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.

Bắt đầu từ cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3 (thay sách vào năm 1981), lúc đó cũng chỉ có một bộ sách duy nhất – được nghiên cứu ở miền Bắc, viết và sử dụng trên cả nước.

Nhưng khi đưa vào sử dụng được 2 năm đã bộc lộ những bất cập: Không đáp ứng được việc dạy và học; Không có hiệu quả và tính thực tiễn. 

Thời điểm đó, có những năm nửa triệu học sinh không qua được lớp 1 – không đọc thông viết thạo.

Sau 5 năm – năm 1986, từ một bộ sách duy nhất do nhu cầu của cuộc sống và học tập đã dần dần hình thành 4 bộ sách. 

Mục tiêu vẫn thống nhất – phổ cập Giáo dục tiểu học nhưng nhờ 4 bộ sách đó mà xóa được mù chữ.

Như vậy Việt Nam đã từng có 4 bộ sách được sử dụng trong cùng một thời điểm?

Đây là 4 bộ sách có công rất lớn trong việc xóa mù chữ những năm 90. Điều đặc biệt, cả 4 bộ sách này đều được lựa chọn một cách tự nhiên nhất, hình thành từ nhu cầu cuộc sống.

Bộ sách thứ nhất là bộ 165 tuần. Sở dĩ gọi là bộ sách 165 tuần vì quy định bộ sách này dạy trong 165 tuần.

Bộ sách thứ hai là bộ 120 tuần dành cho học sinh dân tộc miền núi, các lớp ghép – giữ được những cái cơ bản là đọc thông viết thạo; làm được 4 phép tính. 

Vì ở những vùng đó học sinh đi học đều đã lớn tuổi rồi. So với bộ 165 tuần thì bộ sách này không toàn diện bằng (thiếu phần Mỹ thuật, Âm nhạc...) nhưng mục tiêu cơ bản là xóa mù chữ cho học sinh dân tộc.

Bộ sách thứ ba là bộ 100 tuần có sự tài trợ của UNICEF dành cho các trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em đường phố có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Ngày đi bán báo, làm các công việc mưu sinh, tối đi học. Đặc biệt có những lớp cả hai mẹ con cùng tham gia.

Bộ sách thứ tư là bộ Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Thời điểm đó Hội đồng nghiệm thu kiến nghị với Bộ Giáo dục; coi đây là một trong những phương án để phát triển giáo dục tiểu học và đề nghị Bộ cho phép áp dụng ở những nơi có điều kiện như thành phố, thị xã, thị trấn. 

Cuối những năm 90 đã có 43 tỉnh, thành phố đưa bộ sách Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại  vào sử dụng với hàng trăm nghìn học sinh.

Như vậy cả 4 bộ sách trên đều có những điểm riêng biệt và hướng đến các nhóm đối tượng khác nhau nhưng có điểm chung là được chọn lọc tự nhiên và xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.

Nóng chuyện thay sách giáo khoa bắt đầu từ năm 2020 (Ảnh: VOV.VN)
Nóng chuyện thay sách giáo khoa bắt đầu từ năm 2020 (Ảnh: VOV.VN)

Thay vì chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất. Việc đa dạng hóa sách giáo khoa sẽ đem lại lợi ích cốt lõi gì, thưa ông?

Nhờ có 4 bộ sách trên đất nước ta mới có thể xóa mù chữ vào năm 2000; có thành tựu phổ cập Giáo dục Tiểu học; được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Nếu không có sự đa dạng hóa thì không thể có được những thành tự đó.

Việc đa dạng hóa tạo sự phát triển đồng thời vẫn giữ được mặt bằng tối thiểu – cái chuẩn tối thiểu nhất. 

Thời điểm sử dụng 4 bộ sách giáo khoa, hầu hết các tỉnh thành đều đồng loạt đưa vào giảng dạy 4 bộ này. 

Vì trong cùng một tỉnh cũng có sự chênh lệch về trình độ và điều kiện phát triển giữa các vùng. Việc đa dạng sách giáo khoa rất cần thiết.

Có người bảo phức tạp vậy thì chỉ nên theo một bộ sách duy nhất thôi. Nhưng không nên như vậy vì viết sách giáo khoa rất khó. Việc hoàn thiện kiến thức toàn diện trong một bộ sách là không hề dễ. 

Đối với sách lớp 1 lại càng khó hơn. Nhiều bộ sách sẽ có sự đa dạng và kiến thức cũng sẽ toàn diện hơn so với 1 bộ.

Mặc dù đã từng rất thành công khi triển khai đồng thời 4 bộ sách giáo khoa khác nhau. Nhưng tại sao chúng ta lại thay thế bằng một bộ sách giáo khoa duy nhất?

Đang có nhiều bộ sách giáo khoa được gửi lên Bộ Giáo dục chờ thẩm định
Đang có nhiều bộ sách giáo khoa được gửi lên Bộ Giáo dục chờ thẩm định

Cuối những năm 90, khi đó chuẩn bị có một cuộc đổi mới trong giáo dục.

Tôi cho rằng thời điểm năm 2002 chuẩn bị triển khai là gấp gáp, không kịp. 

Hồi đó luật có đưa quy định dùng sách giáo khoa phổ thông là thống nhất – nhưng khi triển khai lại thành duy nhất.

Nhiều người cũng biết thống nhất không phải là duy nhất. Tuy nhiên chỉ có một khoản tiền do một số người nắm lấy và thu chi. 

Những người khác muốn làm bộ sách khác thì lấy kinh phí ở đâu ra để viết và ai cho viết. 

Vì thế bộ sách kia nghiễm nhiên trở thành duy nhất và loại bỏ 4 bộ sách giáo khoa cũ.

Tôi cho rằng việc chối bỏ những thành tựu đó là việc làm phản giáo dục, phản văn hóa. Trong khi cái mới hoàn toàn không tiến bộ hơn cái cũ. 

Lấy ví dụ: Thời điểm trước khi đổi mới giáo dục; tiêu chuẩn của học sinh lớp 1 phải đọc được 30 tiếng/ phút, chép chính tả được 30 chữ/ 15 phút. 

Sau giai đoạn đổi mới giáo dục lẽ ra mọi thứ phải tốt hơn nhưng cái chuẩn trước kia vẫn được giữ lại. Nếu cái mới không có tiến bộ hơn cái cũ thì đổi mới để làm gì?

Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất nếu chúng ta muốn có 2 hoặc 3 bộ sách giáo khoa trong tương lai?

Bây giờ hô hào các đơn vị, tập thể và các cá nhân tham gia viết sách giáo khoa. Nhưng sang năm thay sách rồi mà đến thời điểm này chưa công bố nội dung thì ai viết được. Chưa kể viết xong cần có thời gian để thực nghiệm. 

Làm như hiện nay là không thỏa đáng. Vì anh vừa viết chương trình, vừa viết sách rồi công bố luôn. Như vậy chỉ có một bộ mà nói cho người ta lựa chọn. 

Nói lựa chọn thì phải có ít nhất 2 bộ, phải nhìn thấy, phải có thời gian xem xét và tìm hiểu ít nhất là 1 năm xem có thích hợp hay không thì người ta mới chọn.

Người ta cứ bảo làm một bộ cho đỡ phức tạp. Nhưng như thế thì đừng cơ chế thị trường nữa.

Đổi mới đúng là khó, nhưng thực tế đã làm việc thì có việc gì là không khó đâu. Muốn làm là sẽ làm được ngay. 

Ngày trước chiến tranh mà còn làm được, không phải đóng cửa trường học thì nay thời bình mọi nguồn lực đều hơn hẳn thì có gì mà không làm được.

Để giải quyết vấn đề thay sách giáo khoa, theo ông cần phải làm những công việc gì?

Một: Chuẩn hóa;  Đồng bộ từ khâu quản lý đến làm sách và thẩm định sách. Cái chuẩn đó phải là cái chuẩn của thời đại này, không phải là cái chuẩn của 18 năm, 20 năm trước. 

Quan trọng không thể vừa đá bóng vừa thổi còi. Mọi thứ từ làm chương trình cho đến viết sách và thẩm định đều do một nhóm người thực hiện .

Hai: Dân chủ hóa; Bây giờ bảo người ta được chọn sách. Nhưng sang năm đổi mới sách giáo khoa mà đến giờ vẫn chưa ai biết nội dung.

Đó là làm liều. Một mặt kêu gọi các đơn vị, cá nhân tham gia làm sách giáo khoa mà giờ này chưa công bố nội dung thì ai viết được. 

Tôi không biết việc này là đóng cửa hay mở cửa đối với các đơn vị làm sách. Nhưng tôi thấy như vậy là không thỏa đáng. 

Mới đây có đơn vị muốn tham gia làm sách, nhưng bây giờ chưa có chương trình thì làm sao họ làm được. 

Có lẽ việc đến tận bây giờ chưa công bố chương trình thì không phải là “vô tình” nữa. Vì để làm được sách cũng phải mất đến hàng năm rồi các khâu thẩm định, thực nghiệm nữa.

Lựa chọn sách phải dựa trên cơ sở người dùng là học sinh và giáo viên sẽ là người thay mặt học sinh để lựa chọn.

Phụ huynh cũng không được tự chọn sách vì mỗi phụ huynh chọn một kiểu thì không còn là trường lớp nữa.

Ba: Xã hội hóa; Việc đổi mới sách giáo khoa phải có mục tiêu, quan điểm. Quan điểm phải xuất phát từ nhà nghiên cứu, chính thức hóa bởi Nhà nước rồi mới đi đến toàn dân. Toàn dân phải hiểu và quan trọng nhất là chấp nhận nó.

Xã hội hóa luôn phức tạp và câu chuyện đối mới giáo dục, thay sách giáo khoa cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi tin có quyết tâm và dám làm thì chúng ta sẽ làm được và thành công.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Minh Tâm - Vũ Ninh