Chiến tranh thế giới thứ III và những tiết lộ của cựu giám đốc Mossad

13/02/2012 10:14
Trịnh Tuân (Theo israeldefense)
(GDVN) - Cựu giám đốc cơ quan tình báo huyền thoại Isarel Mossad, Shabtai Shavit đã đưa ra những nhận định sâu sắc về Chiến tranh thế giới III

Giết người có chủ đích của Mossad và các cơ quan an ninh khác, những nỗ lực trong chương trình hạt nhân của Iran, Tình Huynh Đệ Hồi giáo Muslim Brotherhood ở Ai Cập, căng thẳng tại Syria…, tất cả đều có trong một cuộc trò chuyện thú vị với cựu giám đốc cơ quan tình báo Mossad, Shabtai Shavit về Chiến tranh thế giới thứ 3.

Không ở đâu mà huyền thoại và việc giết người lại "kề vai sát cánh" như trong cơ quan mật vụ Israel Mossad. Mặc dù cũng đã phải gánh chịu nhiều thất bại, nhưng Mossad lại nổi tiếng trên thế giới với những chiến dịch ngoạn mục, kể cả việc giết người có chủ đích.

Mossad chắc chắn có một vị trí hết sức đặc biệt trong văn hóa của Israel. Tổ chức tình báo này được đánh giá như là một người bảo vệ, phòng tuyến quốc phòng cuối cùng và kẻ báo thù tối hậu nhằm vào những kẻ rắp tâm phá hoại đất nước Israel.

Shabtai Shavit
Shabtai Shavit

Shabtai Shavit là người đứng đầu Mossad của Israel từ năm 1989 đến 1996 và cũng là người đầu tiên đưa ra những lời cảnh báo chiến lược về chương trình hạt nhân của Iran.

Sau khi không còn trên cương vị lãnh đạo Mossad, ông đã được Thủ tướng Israel bổ nhiệm làm đặc phái viên ở nước ngoài có nhiệm vụ tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các tổ chức tình báo.

Sau đây là toàn bộ cuộc trò chuyện thú vị của cựu giám đốc Mossad, Shabtai Shavit về Chiến tranh thế giới thứ 3, được công bố trên trang mạng israeldefense.com.

Ông có nghĩ đến một cuộc chiến tranh thực tế không, thưa ông?

"Có. Mặc dù, một cuộc chiến tranh hoàn toàn khác với những gì chúng ta đã biết, nhưng dù sao chiến tranh thế giới sẽ vẫn xảy ra.”

"Trước hết, “ngáo ộp” tôn giáo - những phần tử Hồi giáo cực đoan là những kẻ thúc đẩy cuộc chiến tranh. Tất nhiên, yếu tố dân tộc, kinh tế, và xã hội cũng có, nhưng mẫu số chung vẫn là chiến tranh tôn giáo.

“Chiến trường có ở khắp nơi trên thế giới. Đúng, không có xe bọc thép và bộ binh, không có các phi đội máy bay chiến đấu tham gia, nhưng kẻ thù đã giết người ở Bali, cũng như ở Giê-ru-sa-lem, New York, Madrid, Nam Mỹ, và châu Phi. Mỗi góc của thế giới đều là một chiến trường tiềm năng.”

"Trong các cuộc chiến tranh vừa qua, kẻ thù đã sử dụng một đội quân với một tổ chức phân cấp, có hệ thống chỉ huy, hệ thống thông tin liên lạc, và lực lượng tình báo.

Ở đây, các nhà tiên tri đã chiêu mộ các “đội quân cảm tử” mà không nhất thiết phải có lệnh động viên. Các giáo lý cũng dễ dàng được tiếp thu và áp dụng. Họ có thể được hướng dẫn rõ ràng về việc làm thế nào để chế tạo một quả bom tự chế(IED)”.

"Một nét đặc biệt của kẻ thù là sự tự nguyện, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình và của người khác. Cái chết của những chiến binh trong đội quân này sẽ trở nên thiêng liêng. Tôi đã xem xét tất cả các kịch bản có thể. Thực tế rằng những kẻ đánh bom tự sát nằm ngoài sự kiểm soát, và rất khó để ngăn chặn.“

"Chiến trường trong cuộc chiến này chủ yếu là các thành phố, đô thị. 'Kẻ xấu' không bao giờ mang đồng phục. Họ ăn mặc quần áo bình thường, và họ pha trộn với người dân.”

"Trong cuộc chiến tranh thông thường, kết quả rất rõ ràng. Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ, bởi vì mục đích của 'kẻ xấu' là sự thống trị toàn cầu - một thế giới chỉ có những người Hồi giáo. Nếu đây là ước mơ và mục tiêu của họ, chúng ta sẽ có một cuộc chiến tranh lâu dài ở phía trước.”

 “Bão tố” trong thế giới Ả Rập

Các sự kiện gần đây trong thế giới Ả Rập, bao gồm chiến thắng tổ chức Muslim Brotherhood (Tình Huynh Đệ Hồi giáo) trong cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập có liên quan đến cuộc chiến này?

“Tất cả mọi thứ đều có mối liên hệ. Trên thế giới có 1,3 tỷ người Hồi giáo, nhưng chỉ có một phần mười trong số đó là những phần tử Hồi giáo cực đoan, họ là những người gây ra tất cả những biến động, trong khi những người Hồi giáo ôn hòa quá yếu ớt để ngăn chặn họ hoặc tiến hành một cuộc chiến tranh công khai chống lại họ. Đây không phải là một cuộc chiến tranh vũ trang.”

Ông không có một tín hiệu lạc quan nào sao, thưa ông?

"Phương Tây sẽ phải thay đổi. Họ sẽ không thể giành được thắng lợi hoàn toàn giống như các nước Đồng Minh trong Thế chiến II khi đánh bại phát xít Đức và Nhật Bản. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng phương Tây sẽ ngăn chặn các mối đe dọa toàn cầu và giữ nó ở một mức độ mà xã hội có thể chấp nhận được, như tội phạm, tai nạn giao thông, và các thảm họa tự nhiên.

"Chiến tranh khủng bố, không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược hay là một cuộc chiến tranh để chống lại bất cứ quốc gia hoặc căn cứ quân sự nào. Mà đây là một cuộc chiến tranh chống lại loài người, và học thuyết mới sẽ luôn luôn được phát triển."

Giết người có chủ đích

"Nét đặc trưng trong cuộc chiến này là sự giết người có chủ đích", Shavit giải thích. "Bạn không phải chiếm giữ đất đai hoặc phá hủy các cơ sở quân sự; kẻ thù thực sự của bạn là những người mà bạn theo đuổi. Nó không phải là một trường hợp mục tiêu tĩnh nơi mà bạn thu thập thông tin tình báo và lập kế hoạch một cuộc tấn công.

Một người nào đó biết rằng bạn đang tìm kiếm anh ta, anh ta sẽ luôn luôn di chuyển, họ lẩn trốn trong khu vực thường dân, giả dạng người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, và những người khác, vì đây là nơi tốt nhất của họ.

Hơn nữa, kể từ khi các mục tiêu trở nên di động, bạn phải phát triển một học thuyết mới có hiệu quả hơn. Chúng tôi là những người đầu tiên làm điều đó."

Học thuyết giết người có chủ đích được phát triển từ khi nào, thưa ông?

"Đó là cả một quá trình. Shabak (cơ quan An Ninh Nội Vụ) sẽ nhận được thông tin về kế hoạch của một cuộc tấn công khủng bố. Theo học thuyết, bạn phải liên tục thu thập thông tin và đồng thời đưa ra kế hoạch để đánh chặn các cuộc tấn công.

Điều này mang lại cho bạn khả năng phát triển các phương pháp thu thập tinh vi, không chỉ để nắm bắt kẻ thù của bạn tại một thời điểm nhất định, mà còn để tìm thấy anh ta, theo dõi anh ta, và sử dụng các loại vũ khí hiệu quả nhất để đạt được kết quả mong muốn mà không gây thiệt hại cho những người xung quanh.”

"Khi hội tụ đủ 3 yếu tố này, bạn sẽ thực hiện các cuộc tấn công, loại bỏ kẻ thù, và hy vọng những thiệt hại xung quanh là nhỏ nhất. Ở Mỹ, ý nghĩa đạo đức của học thuyết này rất được quan tâm. Người Mỹ đã học được từ chúng tôi và sử dụng đầy đủ khả năng của học thuyết trong chiến lược toàn cầu của họ, thực hành tiêu diệt mục tiêu ở cấp độ chuyên nghiệp và cao cấp hơn so với chúng tôi. Chúng tôi chỉ sử dụng nó trong khu vực. Còn người Mỹ sử dụng học thuyết này trên khắp thế giới."

Tuy nhiên, theo báo chí nước ngoài, Israel cũng đã sử dụng nó ở Sudan?

"Trớ trêu thay, từ một quan điểm về đạo đức, Tổng thống Barack Obama, một nhà lãnh đạo dân chủ và nhân đạo tuyệt vời - và tôi nói điều này mà không có một chút bóng gió nào – đã ủng hộ và sẽ tiếp tục ủng hộ học thuyết giết người có chủ đích. Trên thực tế, ông ấy đang sử dụng nó nhiều hơn so với người tiền nhiệm của Đảng cộng hòa hiếu chiến George W. Bush.”

"Mười năm theo đuổi Osama Bin Laden và cuối cùng cũng đã tiêu diệt hắn trong một cuộc tấn công. Việc truy lùng các cấp lãnh đạo và chỉ huy của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan có vai trò quan trọng. Nó làm cho “kẻ xấu” luôn phải ở trong tình trạng lo lắng cho mạng sống của mình, vì vậy họ không có thời gian để lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công chống lại bạn."

Liệu có phải học thuyết này được Irsael bắt đầu phát triển sau Vụ Thảm sát xảy ra trong khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa hè 1972 tại Munich hay khi lãnh tụ Hồi giáo Fathi Shaqaqi bị ám sát ở Malta năm 1995, mà được cho là do Mossad thực hiện?

“Bạn đã có một đội mũi nhọn ở đó. Mọi hoạt động được thực hiện sau vụ Thảm sát Munich có thể được xem là một vụ giết người có chủ đích, nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu của việc thực hiện học thuyết. Bằng cách này, việc giết người có chủ đích cũng được sử dụng ở Anh và từ những ngày đầu thành lập Nhà nước Do Thái Israel.

Ngồi  quanh đống lửa trại với một số cựu chiến binh, và họ sẽ cho bạn biết làm thế nào họ tiêu diệt những tên khủng bố. Nếu chúng ta đang nói về học thuyết của những vũ khí hiện đại, bao gồm các UAV, các loại bom đạn dẫn đường tinh vi – thế thì nó là không thể so sánh được với việc 5 gã chạy sau mục tiêu và bắn chết anh ta, mặc dù ý tưởng là như nhau ".

Chiến tranh mạng

Shavit thừa nhận rằng Chiến tranh thế giới III cũng là một cuộc chiến đấu trong không gian mạng. "Người Mỹ là những người đầu tiên đưa vấn đề này một cách nghiêm túc", ông khẳng định. "Công chúng chỉ công nhận điều này trong những năm gần đây - không phải bởi vì nó đã không được xử lý, mà bởi vì nó đã được tiến hành một cách bí mật và âm thầm.”

“Vào giữa những năm 1990, Tổng thống Mỹ Bill Clinton bổ nhiệm một đội ngũ các chuyên gia để nghiên cứu khủng bố mạng. Mục tiêu cụ thể của nhóm nghiên cứu là trình bày các bện pháp để bảo vệ cơ sở hạ tầng của đất nước, chẳng hạn như điện, nước, và các nhà máy, xí nghiệp.

Nhóm cũng đề cập đến tác động của Bom xung điện từ (ElectroMagnetic Pulse - EMP). Thậm chí ngày nay, rất ít người nhận thức được sự nguy hiểm gây ra bởi sức mạnh từ những vụ nổ bức xạ điện từ.”

Israel có nhận thức đầy đủ về các mối đe dọa không gian mạng?

"Theo tôi biết, chúng tôi đã nhận thức rõ điều này. Điều này có thể được quy cho các báo cáo của các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây, liên quan đến việc phá hoại những nỗ lực của Iran để có được vũ khí cấm. Đây là một khía cạnh tương đối mới của chiến tranh.

Trong những năm 1970, người Pháp đã cung cấp cho Iraq các trang thiết bị phục vụ cho một lò phản ứng hạt nhân, và một số người chắc chắn rằng các thiết bị này không bao giờ đến được nơi cần đến. Vào thời điểm đó, sự phá hoại không được cho là gây ra bởi chiến tranh mạng, tuy nhiên kết quả là như nhau."

“Quả bom” Iran

Trong năm 1995, khi ông là giám đốc Mossad, liệu đây có phải là thời điểm tình báo Israel lên tiếng cảnh báo chiến lược về kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran, sử dụng để chống lại Israel?

"Tôi sẽ cho các bạn biết một số thứ: cảnh báo chiến lược về Iran đã được đưa ra trong những năm 1991-1992, và tôi là người bết rõ điều này.

"Bối cảnh là cuộc chiến tranh Iran-Iraq 8 năm đã kết thúc với một phần thắng thuộc về Iraq vào năm 1988. Iran đã ngay lập tức nghiên cứu các nguyên nhân của sự thất bại và họ phát hiện ra rằng họ thất bại là do Iraq đã sử dụng tên lửa đất đối không mang đầu đạn hóa học. Những nghiên cứu được tiến hành giữa năm những năm 1989 và 1991.

"Trong đầu những năm 90, các báo cáo cho biết rằng Iran đã phát triển tên lửa đất đối không mang đầu đạn hóa học. Chúng tôi đã mất một vài tháng để biết được rằng họ đang làm việc trên các tên lửa Shahab với tầm bắn 1.300 km. Lấy bản đồ của Trung Đông và đánh dấu một điểm ở Tây Iran. Bạn sẽ thấy rằng tất cả lãnh thổ của Israel đều nằm trong tầm ngắm của nó. Và đó là khi tôi đã đưa ra cảnh báo chiến lược."

Điều này có nghĩa là Iran đã bắt đầu chương trình hạt nhân?

"Tôi không phân biệt giữa vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân. Thiệt hại ô nhiễm từ các vũ khí hóa học và sinh học chúng phát triển ngay lập tức sau cuộc chiến tranh với Iraq không phải là ít nguy hiểm hơn so với vũ khí hạt nhân. Thêm vào đó, họ có khả năng phóng các tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân như chúng tôi. "

Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng trong nhiệm kỳ của ông tại Mossad. Điều này đã thay đổi trong những năm gần đây?

“Chính xác là, khi tôi được bổ nhiệm làm giám đốc của cơ quan trong năm 1989, quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ rất hạn chế. Vào đầu những năm 90, Tổng cục tình báo quân đội, Mossad, và Bộ Ngoại giao đã thực hiện một nỗ lực to lớn để cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Hợp tác mở rộng theo hướng rất tích cực cho đến khi Thủ tướng Recep Erdogan lên nắm quyền. Kể từ đó, mối quan hệ đã chuyển sang một một hướng khác và rất tiêu cực."

Khi ông là người đứng đầu Mossad, ông có thể đã dự đoán rằng Ai Cập và Syria sẽ được trải qua cuộc khủng hoảng hiện tại? Ông có nghĩ gì về việc cung cấp khí đốt của Ai Cập tới Israel?

"Dĩ nhiên là nó đã được báo trước. Về khí đốt, nếu Muslim Brotherhood nắm quyền và hướng đi của các nhà lãnh đạo Ai Cập giống với Khomeini và Ahmadinejad của Iran, thì điều này sẽ dẫn đến chấm dứt thỏa thuận khí đốt, và cùng với việc cung cấp khí, hiệp ước hòa bình cũng sẽ đến hồi kết thúc.

Nếu tình hình chính trị ít có biến cố, quan hệ ngoại giao có thể vẫn còn nguyên vẹn, thì hiệp ước hòa bình và dòng chảy của khí đốt tới Israel vẫn được tiếp tục. Một tỷ rưỡi đôla mỗi năm cho chính phủ Ai Cập không phải là một cái gì đó mà chính quyền Muslim Brotherhood dễ dàng từ bỏ vì lợi ích của ý thức hệ tôn giáo."

Trịnh Tuân (Theo israeldefense)