Chơi mô hình “sống”

05/07/2011 02:37
Tiếng động cơ rú lên, những chiếc bánh xe nổi gai vằn vện cày tơi cả khu đất. Khói trắng xả ra mù mịt từ những chiếc xe mô hình gắn động cơ.

Tiếng động cơ rú lên, những chiếc bánh xe nổi gai vằn vện cày tơi cả khu đất. Khói trắng xả ra mù mịt từ những chiếc xe mô hình gắn động cơ cứ bay là là trên mặt đất khiến người chơi và người xem trầm trồ.

Thú chơi mô hình gắn động cơ gồm máy bay, ôtô, tàu thủy đang thu hút một bộ phận giới trẻ và cả những người trung niên. Tất nhiên dù là ai thì cũng phải là dân khá giả. 

Biểu diễn máy bay cánh bằng - Ảnh: Mai Vinh
Biểu diễn máy bay cánh bằng - Ảnh: Mai Vinh

Muốn chơi phải học 

Từ  trên chòi quan sát tại một khu đất trống ở quận 7 (TP.HCM), các tay đua đang dán chặt mắt xuống đường đua dõi theo những chiếc xe gầm rú lao với tốc độ 80-120 km/giờ, đôi tay chuyển động trên bộ điều khiển từ xa. Nếu không tận mắt thấy xe mô hình đua, nghe qua âm thanh cứ tưởng là những chiếc Suzuki sport đang nẹt ga của mấy tay choai choai đường phố.

“Muốn chơi cái này á? Phải học”, Vi - một tay chơi xe mô hình gắn động cơ điện - nói. Theo Vi, người chơi ở đây rất rành về cơ khí, điện tử, khí động học. Chơi nhưng rất công phu, sau khi mua qua mạng một số linh kiện ở nước ngoài như Hong Kong, Singapore…, thường người chơi sẽ tự mày mò lắp ráp và học hỏi từ những người chơi trước. Nhưng chiếc xe lắp xong chưa hẳn là hết chuyện: để “có số có má”, những tay đua còn hơn nhau ở cách cân chỉnh xe, trang bị những thiết bị li ti thích ứng với từng địa hình…

Phong - một bạn trẻ - chuẩn bị đưa chiếc xe của mình vào vòng đua với cách tỉ mẩn của một người thợ kim hoàn: cân chỉnh garanty từng nấc nhỏ, gia cố lốp xe. Phong lấy một que nhỏ đo lớp bùn trên mặt đường đua và giải thích: để pha xăng cho phù hợp với mặt sân, động cơ có “bốc” không là ở khâu này.

Đối với dân chơi mô hình gắn động cơ thì máy bay là món chơi khó nhất. Đức Vinh, một đàn anh trong giới này, cho biết: “Những tay chơi mới thường phải hi sinh 5 -10 chiếc mới có thể bay vài vòng”.

Ông Trung Phước Định, người từng cho mô hình bay biểu diễn suốt 20 năm tại khu du lịch Đầm Sen, nói về tính cách của người chơi: “Càng nóng tính thì dễ rớt máy bay, tính chịu khó mày mò học hỏi rất quan trọng để chơi giỏi”. Bay biểu diễn để học tập đối với dân chơi mô hình đã rất thú vị, nhưng những đợt chạy “show” hỗ trợ quân đội diễn tập mới sung sướng gấp nhiều lần. Trên bầu trời lúc ấy mô hình bỗng dưng sống động như một máy bay thật sự.

Máy bay mô hình: biết chơi ở đâu?

 

Chơi các loại mô hình ôtô, tàu thủy chỉ đơn giản là thuê các bãi đất trống để đua. Nhưng với chơi mô hình máy bay cánh bằng và trực thăng thì câu chuyện… phức tạp hơn nhiều. Dân chơi loại này đang trong cảnh rày đây mai đó. Anh Vinh - một tay chơi mô hình máy bay - cho biết: “Cứ nơi nào thấy đất trống là chơi, tự chơi tự bảo vệ mình và phân công hướng dẫn để tránh tai nạn cho người xem”. Sân chơi không có chủ nên khách xem ít nghe lời hướng dẫn của người chơi dẫn đến tai nạn.

Bãi đất trống ở khu vực Cát Lái trước Quận đội Q.2,  TP.HCM là nơi các tay chơi máy bay cánh bằng và trực thăng hay gặp mặt so tài vào chủ nhật hằng tuần. Trên mảnh đất ấy đã có những tai nạn dính tới máy bay mô hình mà chủ yếu do người chơi nóng nảy, hoặc người xem di chuyển lung tung không theo hiệu lệnh của người quản lý đường bay.

Cách đây không lâu, cánh quạt chiếc máy bay cánh bằng của một người chơi tên Bình đã cắt đứt vành tai và gây chấn thương sọ não cho bé gái 8 tuổi theo cha đi xem biểu diễn: chiếc máy bay nặng gần 4kg đang trên đà đáp xuống với tốc độ 40 km/giờ không thể nào né kịp trước tình huống băng ngang đường một cách bất ngờ của cháu bé.

Những hố đất sâu 4-5 tấc trên mặt sân là hậu quả do máy bay cánh bằng mất tín hiệu điều khiển từ xa, hoặc người chơi không làm chủ đường bay khiến máy bay chúi xuống với tốc độ 140 km/giờ. “Tui đã từng vãi hồn với chiếc máy bay cắm đầu ngay trước mặt, chiếc máy bay nát vụn theo đất tung tóe”, Dũng - một người hay hướng dẫn máy bay lên xuống - cho biết. Anh nói thêm: “Sân chơi không quy chuẩn nên cẩn thận đến mấy cũng lo lắm”.

Đất sống ngày càng hẹp dần thì đất chơi cũng teo tóp theo. Những tay chơi trẻ khao khát bầu trời đang lo lắng có một ngày phải “xếp cánh”. Nghĩ đến điều đó, ông Trung Phước Định tiếc rẻ: mô hình động không còn là chuyện chơi mà là nơi để giới trẻ thực hành cơ khí, trên sân chơi này có nhiều người trưởng thành và đã mở xưởng làm chi tiết máy bay mô hình bán cho dân chơi nước ngoài. “Vậy nên không có đất chơi cũng uổng lắm”, ông nói.

Đồ chơi giá 2.000-3.000 USD

Trường đua là khu đất trống đang chờ bán của anh Tấn Tài, cũng là một tay chơi mô hình. Nền đất ấy được tạo địa hình giả gồm: dốc, ổ gà và những khúc cua cùi chỏ. Trên sân chơi dã chiến đó, những chiếc xe mô hình gắn động cơ nổ trị giá 2.000-3.000 USD đang xếp hàng đợi đến lượt ra trận.


Theo Báo Tuổi Trẻ

Độc giả có thể chia sẻ những hình ảnh, bài viết liên quan đến thú chơi mô hình với chuyên trang Giáo Dục Quốc Phòng của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam qua email toasoan@giaoduc.net.vn  hoặc binhnguyen@giaoduc.net.vn. Nội dung gửi kèm phải được viết dưới dạng text bằng tiếng việt, có dấu, số lượng ảnh tối đa có thể gửi kèm: 10.