Chọn địa chỉ giao dịch ngoại tệ an toàn, có khó?

14/06/2016 06:53
Nguyên Thảo
(GDVN) - Một khách hàng tiết lộ để mua vài nghìn USD để đi du lịch, chị đã đi nhiều ngân hàng và được hứa hẹn mỗi ngân hàng chỉ bán cho chị không quá… 100 USD/ngày.

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 15/2015/TT-NHNN siết các hoạt động giao dịch ngoại tệ, việc thực hiện giao dịch ngoại tệ trên thị trường với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều bị hạn chế, cho dù nhiều ngân hàng đã nỗ lực để có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu.

Cung cầu ngoại tệ đều tăng, giao dịch vẫn khó

Có một thực tế khó phủ nhận là mặc dù chính sách điều hành tỷ giá và kiểm soát ngoại hối của nước ta thời gian qua được đánh giá rất hiệu quả, đồng Việt Nam trở thành một trong những đồng nội tệ ổn định và ít mất giá nhất trong khu vực, nhưng cung-cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn có những khoảng cách chưa gặp nhau. 

Những sản phẩm như Mfly sẽ góp phần khơi mở cánh cửa giao dịch ngoại tệ và giảm “nhiệt” giao dịch cho mọi khách hàng, ở mọi thời điểm. Ảnh minh họa.
Những sản phẩm như Mfly sẽ góp phần khơi mở cánh cửa giao dịch ngoại tệ và giảm “nhiệt” giao dịch cho mọi khách hàng, ở mọi thời điểm. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, ở phía cầu, trong nhiều thời điểm, thường rơi vào khoảng tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm, các ngân hàng đều ghi nhận lượng giao dịch ngoại tệ ở mức cao.

Một phần, có chuyên gia lý giải, đây là vào chu kì chuẩn bị hàng hóa kinh doanh cao điểm của khối doanh nghiệp nên họ cần ngoại tệ để thanh toán – nhập hàng; một phần, cũng lại phù hợp với thời điểm các đối tượng khách hàng cá nhân có mục tiêu sử dụng dịch vụ như: Du học, du lịch, định cư nước ngoài, trả các loại phí…

Ở phía cung, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia đón nhận kiều hối cao nhất tính theo năm. Thống kê từ World Bank cho biết dòng tiền kiều hối về Việt Nam các năm 2012 – 2014 lần lượt đạt 10 -11 và 12 tỷ USD. Riêng 2015, đã có gần 7 tỷ USD tiền chuyển về có nguồn gốc từ nước Mỹ, là tỷ lệ cao nhất các nước Châu Á.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những thị trường mới nổi đón nhận các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với mức giải ngân cao nhất nhì khu vực trong giai đoạn gần đây.

Những yếu tố  này cùng cán cân thanh toán thương mại thặng dư khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt, cơ quan quản lí cũng rộng tay hơn để điều chỉnh ổn định thị trường khi cần.

Tuy nhiên, sau động thái siết rồi lại “mở cửa” cho vay giao dịch ngoại tệ trở lại đối với doanh nghiệp gần đây, khối khách hàng cá nhân lại vẫn đang kẹt trước những “rào cản” về giao dịch ngoại tệ, theo hướng dù có nhu cầu ngoại tệ chính đáng, cũng không dễ gì giao dịch được.

Một khách hàng tiết lộ để mua vài nghìn USD để đi du lịch, chị đã đi nhiều ngân hàng và được hứa hẹn mỗi ngân hàng chỉ bán cho chị không quá… 100 USD/ngày.

“Không mặn mà với giao dịch ngoại tệ cá nhân, có lẽ vì ngân hàng được hưởng lợi ích thấp từ các giao dịch là điều mà chúng tôi rút ra. Nhiều người đã phải chọn kênh giao dịch… ngoài chợ đen”, chị này cho biết.

Làm thế nào để giao dịch ngoại tệ dễ dàng, nhanh chóng, an toàn?

Trên trục đường Nguyễn Trung Trực và một số điểm giao dịch ngoại tệ “chợ đen” vốn tấp nập khách giao dịch trước đây tại quận 1, quận 5 (TP.Hồ Chí Minh), sau những chính sách siết chặt và ổn định của cơ quan quản lí, giờ đã vắng hơn.

Nhưng thực tế vẫn còn các giao dịch “chui” và không ít người bán ngoại tệ đã bị “hớ”, bị “ép giá”, còn người mua ngoại tệ thì bị “cắt cổ” hoặc thậm chí gặp phải đồng ngoại tệ giả mà không dám… kêu ai.

Nói không dám kêu là chính xác vì đã giao dịch chui là vi phạm pháp luật, mất đảm bảo, thậm chí có thể bị bắt và tịch thu bất cứ lúc nào. Những trường hợp giao dịch không hợp lệ như vậy đã diễn ra tại ngân hàng T, tiệm vàng… với tổng giá trị giao dịch lớn khiến nhiều khách hàng vô cùng lo ngại.

“Tìm kiếm một địa chỉ giao dịch ngoại tệ đảm bảo an toàn, hợp pháp, dễ dàng, được mua nhiều, mua nhanh, bán dễ… là ước vọng của hầu hết những khách hàng có con em du học, có người thân chữa bệnh ở nước ngoài hay có nguồn kiều hối gửi về như chúng tôi”, chị Huỳnh Ngọc My - một tiểu thương ở TP.Hồ Chí Minh nói.

Các tổ chức tín dụng không phải không thấy được điều này.Nhiều ngân hàng hiện cũng đang rục rịch triển khai các chương trình, sản phẩm để hỗ trợ cho khách hàng đặc biệt các cá nhân.

Tuy nhiên, “lực bất tòng tâm”, hạn chế về thanh khoản ngoại khiến không phải tổ chức nào muốn cũng có thể triển khai hiệu quả.

Chị Thu Sương, một cán bộ tài chính khá bất ngờ khi giao dịch… thử với Mfly của Maritime Bank do ngân hàng có chi nhánh nằm cạnh Công ty chị. Thực tế không quá khó khăn như chị nghĩ.

“Tới Maritime Bank, tôi chỉ cần chứng minh mục đích kế hoạch cá nhân hợp lý là có thể mua được ngay ngoại tệ với hạn mức cao chứ không phải 100 USD/ngày như nhiều ngân hàng khác. Thủ tục cũng đơn giản, dễ hiểu và quan trọng là an toàn, bảo đảm”, chị Sương nói.

“Điều khiến tôi chọn Mfly là tỷ giá ngoại tệ được Maritime Bank áp dụng hết sức cạnh tranh. Lâu lâu còn có khuyến mãi cộng thêm vào tỉ giá giao dịch giúp tôi có thêm những khoản “sinh lời” ngoài dự kiến”, anh Trung Bảo - một khách hàng mới của Maritime Bank cũng cho hay.

Với chuyển động tài chính thế giới trong năm 2016 khi FED đang có kế hoạch tăng lãi suất và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã xuống thấp nhất trong vòng 6 năm, nhiều chuyên gia cùng cho rằng để dự phòng biến động tỷ giá và khó khăn khi giao dịch ngoại tệ, việc lựa chọn những ngân hàng có thanh khoản ngoại tệ ổn định, chính sách ưu đãi khách hàng với tỷ giá cạnh tranh như Maritime Bank là hết sức cần thiết.

Những sản phẩm như Mfly theo đó sẽ góp phần khơi mở cánh cửa giao dịch ngoại tệ và giảm “nhiệt” giao dịch cho mọi khách hàng, ở mọi thời điểm.

Nguyên Thảo