Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: "Chính phủ còn nợ nhiều văn bản pháp luật"

23/10/2013 15:32
Ngọc Quang
(GDVN) - Đến 15/10/2013, đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới ban hành được 98/200 văn bản (49%) quy định chi tiết 148/280 nội dung được giao; còn lại 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung chưa được ban hành.

Thông tin này được ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết tại phiên làm việc chiều nay của Quốc hội. Cụ thể, trong số 46 văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến hết tháng 7/2013 thì có 37 luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực thi hành (cần phải ban hành 200 văn bản quy định chi tiết 280 nội dung được giao) và 09 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành (cần phải ban hành 42 văn bản quy định chi tiết).

Tuy nhiên, đến 15/10/2013, đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới ban hành được 98/200 văn bản (49%) quy định chi tiết 148/280 nội dung được giao; còn lại 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung chưa được ban hành.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trong số văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành có nhiều văn bản là thông tư: Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành 1 văn bản, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa ban hành 3 văn bản thuộc trách nhiệm phải ban hành để quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.

“Đáng chú ý là trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì có đến 31 văn bản quy định chi tiết Luật xử lý vi phạm hành chính, 12 văn bản quy định chi tiết Bộ luật lao động, mà đây lại là văn bản Luật có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, đến các cơ quan, tổ chức và mọi người dân”, ông Lý cho hay.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, có những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành, như Luật cơ yếu có hiệu lực từ 1/1/2012 nhưng còn 3/6 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (50%); Luật quảng cáo có hiệu lực ngày 01/01/2013 nhưng cả 3/3 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%); Luật xuất bản có hiệu lực ngày 01/7/2013 nhưng cả 3/3 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%); Luật điện lực có hiệu lực ngày 01/7/2013 nhưng cả 10/10 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%)...

Ông Phan Trung Lý cho hay, báo cáo của các cơ quan cho thấy, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được thực thi, vi phạm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách toàn diện, nghiêm túc để sớm khắc phục”.

“Để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết như trên, trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ, các bộ, ngành, nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng phải nghiêm túc nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trong giai đoạn chỉnh lý và xem xét, thông qua, cũng như trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp vẫn còn có sự nể nang, chưa cương quyết nên trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết vẫn còn có các quy định chung chung cần phải được quy định chi tiết; việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng còn hạn chế, chưa thực sự sâu sát đối với lĩnh vực cụ thể”, ông Lý cho biết.

Ngọc Quang