Chủ tịch Bắc Ninh bị đe dọa, Tổng cục đường thủy có vô can?

16/03/2017 13:24
Trinh Phúc
(GDVN) - Đây là một trong những ý tứ từ phía Bộ Giao thông vận tải sau khi có thông tin Bộ này có văn bản "này nọ" và Chủ tịch Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa.

Kêu cứu cấp trên vì bị đe dọa

Chiều 15/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, ông và cán bộ cấp dưới bị đe dọa sau khi đề nghị dừng các dự án khai thác cát trên sông Cầu.

Ông Quỳnh cũng cho hay công an đang điều tra vụ việc. Sau khi gửi văn bản kiến nghị sự việc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh sẽ chờ Thủ tướng chỉ đạo giải quyết.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Bộ Công An làm rõ về thông tin bị đe dọa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh (ảnh Trinh Phúc).
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Bộ Công An làm rõ về thông tin bị đe dọa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh (ảnh Trinh Phúc).

Trước đó, ngày 9/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tiếp tục dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh này, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam đã chấp thuận cho các đơn vị thực hiện nạo vét luồng kết hợp tận thu cát sỏi trên sông Cầu.

Trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị đã lợi dụng để khai thác cát. Bên cạnh đó, ngày 1/3/2016, vị trí K74+400 – K74+500 đê hữu sông Cầu đã xảy ra sạt lở đứng với chiều dài 50 m, ăn sâu vào bãi 5-10 m. Tỉnh Bắc Ninh đã phải chi 30 tỷ đồng để xử lý sự cố.

Nhiều thời điểm, trên địa bàn dự án nạo vét luồng có 40 tàu hoạt động gây mất an ninh tại các xã Việt Thống, Quế Tân, Phù Lương (huyện Quế Võ).

Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các cá nhân từ Trung ương đến địa phương đứng ra bảo kê, đe dọa từ cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành cho đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh...

Tuy nhiên, sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh lại tiếp tục nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký và văn bản của Cục Đường thủy nội địa đề nghị tiếp tục tạo điều kiện thực hiện dự án.

Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng không cho tiếp tục thực hiện dự án nạo vét đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đoạn Km1+Km30 trên sông Cầu.

Đoạn sông bị sạt lở ở huyện Quế Vỏ tỉnh Bắc Ninh (ảnh ngồn Zing.vn).
Đoạn sông bị sạt lở ở huyện Quế Vỏ tỉnh Bắc Ninh (ảnh ngồn Zing.vn).

Bộ Giao thông liệu có vô can?

Để làm rõ hơn những nội dung liên quan đến văn bản kiến nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Nhật và được biết:

“Từ một năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định dừng hết việc nạo vét duy tu lòng sông. Bộ không cấp cho bất cứ dự án mới nào.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật: “Đúng quy trình, việc duy tu nạo vét lòng sông phải có đánh giá tác động môi trường của địa phương. Tỉnh có đồng ý cho phép doanh nghiệp triển khai thì Cục Đường thủy nội địa mới được quyền cấp phép.

Văn bản ông ký chỉ mang nội dung xin ý kiến Ủy ban Nhân dân tỉnh chứ không phải văn bản có tính chất chỉ đạo hay yêu cầu. Tất cả dự án nạo vét lòng sông đã được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng và triển khai đến các doanh nghiệp.

Tôi xin khẳng định đó chỉ đơn thuần là văn bản xin ý kiến tỉnh Bắc Ninh. Nếu tỉnh Bắc Ninh không đồng ý thì Bộ sẽ không đồng ý và Cục Đường thủy nội địa cũng không cấp phép cho doanh nghiệp nạo vét lòng sông”.

Để làm rõ hơn thông tin về dự án nạo vét sông Cầu liên quan đến vụ việc này, sáng 16/3, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa và được biết:

“Trước đây có hai văn bản, văn bản của tỉnh kiến nghị với Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trên sông Cầu có rất nhiều đoạn sâu đến hàng chục mét và không cần thực hiện nạo vét và tận thu sản phẩm ở dự án ấy nữa.

Tuy nhiên sau đó, Cục Đường thủy nội địa nhận được đơn kêu cứu của một số chủ phương tiện vận tải đường thủy nói rằng đi lại trên một số vị trí khan cạn nên khó khăn. Xuất phát từ hai văn bản đó, Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục phối hợp với tỉnh Bắc Ninh đi kiểm tra.

Khi đó, Cục làm việc với tỉnh và đi kiểm tra thực tế tại hiện trường. Đoàn kiểm tra gồm Ủy ban Nhân dân tỉnh, công an tỉnh Bắc Ninh, Lãnh đạo sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh, Sở Tài Nguyên Môi trường…, Uỷ ban Nhân dân huyện Quế Võ.

Theo hồ sơ thiết kế, dự án này có 11 điểm cạn. Quan điểm của Cục là đi kiểm tra 11 điểm cạn đó nhưng tỉnh Bắc Ninh hội ý và nói rằng chọn ngẫu nhiên 4 điểm cạn để khảo sát. Trong 4 vị trí thì có có 3 điểm chưa đảm bảo chuẩn tắc luồng.

Trên cơ sở đó, Cục đã cáo cáo chi tiết với Bộ Giao thông Vận tải.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã ký văn bản đề nghị tạo điều kiện tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên, văn bản anh Nhật ký trước thời điểm Bộ trưởng Giao thông Vận tải làm việc với tỉnh Bắc Ninh chứ không phải là sau khi làm việc với tỉnh mới có văn bản như một số thông tin. Cả dự án là 30 km. Tuy nhiên, trong 30 km thì có 5 km có điểm cạn.

Từ tháng 5/2015 đến thời điểm này, trên địa bàn Bắc Ninh không có dự án nào triển khai cả. Tại thời điểm tỉnh Bắc Ninh có ý kiến với Bộ thì dự án cũng dừng triển khai rồi”.

Liên quan đến tin nhắn đe dọa, ông Trần Văn Thọ chia sẻ rằng:

“Bên này không có ai nhận được tin nhắn đe dọa như Chủ tịch Bắc Ninh cả. Tôi bất bình về việc này, muốn xem kẻ đó là ai và đề nghị các cơ quan xử lý.

Trinh Phúc