Chủ trương chiến lược của ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân

12/02/2018 06:00
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta cùng tìm hiểu về chủ trương, mục tiêu chiến lược của ta trong trận đánh này

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết thứ 2 của Đại tá Đặng Việt Thủy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Ở bài này, là các tình tiết lịch sử về chủ trương chiến lược của ta.

Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta;

Làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", góp phần chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thắng lợi oanh liệt của đòn Tổng tiến công và nổi dậy táo bạo, sáng tạo, bất ngờ Xuân Mậu Thân 1968 đã làm chấn động nước Mỹ, đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc đế quốc Mỹ phải từng bước xuống thang, từ bỏ chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

Đây là một thắng lợi to lớn cả về chính trị, quân sự và ngoại giao không thể phủ nhận được.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, giữ vai trò to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như một chiến công bất hủ.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về chủ trương, mục tiêu chiến lược của ta trong đòn tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân 1968.

Nhìn lại lịch sử, sau những thắng lợi liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của đế quốc Mỹ ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại của chúng đối với miền Bắc, quân và dân ta đã làm thất bại một bước quan trọng chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta tiếp tục giữ vững và phát triển quyền chủ động chiến lược.

Lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển nhanh chóng, vận dụng linh hoạt các phương thức tác chiến, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.

Quân Mỹ ngụy và chư hầu bị căng ra trên khắp chiến trường. Đế quốc Mỹ đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan" về chiến lược đối với vấn đề Việt Nam.

Một số nhân vật chủ chốt chán nản, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra từ chức tháng 11/1967.

Cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 1968 làm giới cầm quyền Mỹ thêm phân hóa.

Các chiến sỹ giải phóng quân chuẩn bị tiến vào Huế (1968). (Ảnh tư liệu TTXVN)
Các chiến sỹ giải phóng quân chuẩn bị tiến vào Huế (1968). (Ảnh tư liệu TTXVN)

Nhưng với bản chất xâm lược ngoan cố và ỷ vào tiềm lực, đế quốc Mỹ tiếp tục đưa thêm quân vào miền Nam (tháng 8/1967, Giôn-xơn quyết định đưa thêm sang Việt Nam 5,5 vạn quân Mỹ), đẩy mạnh đánh phá bằng không quân đối với miền Bắc, ráo riết chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba trong mùa khô (1967-1968).

Phân tích về tình hình về mọi mặt, nhận rõ tình thế và thời cơ chiến lược đã xuất hiện, tháng 4/1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã bàn về chủ trương giành thắng lợi quyết định.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cử nhiều đoàn cán bộ vào các chiến trường nắm tình hình, đôn đốc các chiến trường chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị vật chất theo phương hướng mở một cuộc tiến công chiến lược.

Một số đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường được Quân ủy Trung ương triệu tập ra Hà Nội báo cáo tình hình, tham gia kế hoạch tác chiến chiến lược.

Tháng 6/1967, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược: trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn, dự kiến trong năm 1968.

Muốn vậy, ta phải đánh cho Mỹ thua về quân sự, làm cho cục diện chiến tranh ở miền Nam thay đổi.

Tháng 7/1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo kế hoạch đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa.

Kế hoạch xác định: tập trung lực lượng quân sự, lực lượng chính trị tiến công đồng loạt, bất ngờ vào nơi địch sơ hở nhất lúc này là các thành thị, hướng trọng điểm lúc này là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Sử dụng những quả đấm chủ lực mạnh, đánh quỵ từng binh đoàn chủ lực của ngụy, thu hút, kiềm chế lực lượng cơ động của Mỹ ở các chiến trường rừng núi (Trị - Thiên, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ).

Phối hợp ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự của Mỹ ngụy, làm đảo lộn thế chiến lược của chúng, đánh đổ ngụy quyền, làm thay đổi về căn bản so sánh lực lượng trên chiến trường, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Chủ trương chiến lược của ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ảnh 2Quân đội nhân dân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng

Chủ trương chiến lược và kế hoạch tác chiến được giữ bí mật rất nghiêm ngặt.

Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc các chiến trường xúc tiến một số công tác chuẩn bị, đặc biệt là nâng cao trình độ đánh tiêu diệt lớn của bộ đội chủ lực.

Cuối tháng 7/1967, Quân ủy Trung ương mở lớp tập huấn về tình hình, nhiệm vụ mới và những vấn đề đặt ra đối với tác chiến hợp đồng binh chủng cho 150 cán bộ cao cấp, trung cấp thuộc các tổng cục, quân khu, quân binh chủng.

Các sư đoàn dự bị cơ động chiến lược: 308, 304, 320, 312 được kiện toàn thêm về tổ chức, trang bị, đẩy mạnh huấn luyện, sẵn sàng vào chiến trường chiến đấu khi có lệnh.

Từ ngày 20 đến 24/10/1967, Bộ Chính trị họp bàn vụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968. Đây là hội nghị rất quan trọng để quyết định kế hoạch tiến công táo bạo Xuân Mậu Thân 1968.

Bộ Chính trị đã dành thời gian nghe Dự thảo kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967-1968 do đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt quân ủy Trung ương trình bày, Báo cáo về tình hình địch của Cục 2, Về tình hình ta của Bộ Tổng Tham mưu, về các kế hoạch tác chiến của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Trên cơ sở thảo luận rất kỹ dự thảo và các báo cáo trên đây, Bộ Chính trị nhận định:

"Mỹ đang thất bại lớn, vì có tăng quân cũng không giải quyết được gì, mà tình hình càng bế tắc, càng bị cô lập thêm, mâu thuẫn càng sâu sắc".

Tuy nhiên, "Mỹ còn rất ngoan cố... đang cố gắng tăng cường lực lượng để giữ cho tình hình không xấu đi" (Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H.2008, trang 114).

Chớp thời cơ này, Bộ Chính trị quyết định một phương thức tiến công, một cách đánh mới có hiệu lực cao: Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam.

Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968.

Tháng 1/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 đã thông qua Nghị quyết tháng 12/1967 của Bộ Chính trị quyết định thực hiện Tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, Bộ Chính trị chỉ rõ trên mặt trận ngoại giao, cần có phương pháp và hình thức đấu tranh thích hợp và phải mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta.

Chủ trương mở cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 của Đảng là nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền Bắc, buộc phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta chính là chủ trương "biết thắng Mỹ", mở ra một giai đoạn mới vừa đánh vừa đàm, phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trên, thể hiện trên các mặt sau:

1. Phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường cả về quân sự, chính trị; sự bất lực của một đạo quân đông tới hơn 1 triệu quân, được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại trước sức tiến công và cách đánh của đối phương.

2. Làm lộ rõ những sai lầm về chiến lược cũng như cách thức điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn và giới tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường.

3. Đây là sự biểu dương ý chí, nghị lực, sức mạnh và nghệ thuật điều hành chiến tranh của phía Việt Nam; làm bộc lộ những giới hạn trong sức mạnh quân sự, kinh tế của Mỹ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến lược toàn cầu mà Mỹ theo đuổi từ lâu.

4. Sự kiện "Tết Mậu Thân 1968" đã gây nên những chấn động dữ dội giữa lòng nước Mỹ, khiến cho đông đảo các tầng lớp xã hội Mỹ, kể cả các quan chức cấp cao, các nghị sĩ, các tập đoàn tài phiệt đầy thế lực phải thay đổi quan điểm, không còn hậu thuẫn cho chính sách chiến tranh của chính quyền Giôn-xơn nữa.

5. Cuối cùng, đêm 31/3/1968, tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải công khai tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà hơn thế, còn quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện.

Để giành được mục tiêu chiến lược đó, đầu Xuân 1968, trong không khí nhộn nhịp đón Tết cổ truyền dân tộc, quân và dân cả nước ta vô cùng phấn khởi và xúc động lắng nghe thơ chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!".

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1975), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008.

Đại tá Đặng Việt Thủy