Chưa có đề xuất nào về Luật hóa vận động hành lang khi xây dựng chính sách

14/06/2019 17:19
Đỗ Thơm
(GDVN) - Chiều ngày 14/6, ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp.

Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp

Quốc hội đã hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 7 với các nội dung được xem xét, quyết định.

Quốc hội thông qua 7 luật: Luật Giáo dục; Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: N.T
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: N.T

Cho ý kiến 9 dự án luật: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Thông qua 10 nghị quyết: Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017;

Nghị quyết bổ sung một điều vào Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;

Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019;

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và các báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan theo nội dung, chương trình kỳ họp.

Quyết tâm xử lý nghiêm minh người gây tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia

Tại cuộc họp báo, các phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan quan Luật Phòng chống tác hại rượu, bia bổ sung thêm quy định cấm lái xe nếu uống rượu, bia và chế tài với quy định cấm này ra sao. 

Tổng thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định đã có trên 77% đại biểu Quốc hội  đồng tình với việc bổ sung nội dung này vào khoản 6 Điều 5 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu, bia.

Đó là sự lựa chọn, thể hiện quan điểm của mỗi đại biểu.

“Cũng có đại biểu không đồng tình, đó là lựa chọn của mỗi người chứ không hề có sự áp đặt”, Tổng thư ký Quốc hội nêu.

Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành động cụ thể để triển khai các cam kết
Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành động cụ thể để triển khai các cam kết

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề về xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho bổ sung nội dung này vào Luật thể hiện ý chí quyết tâm của Quốc hội nhằm tạo chế tài nghiêm khắc, xử lý nghiêm minh người gây tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia

Về chế tài xử phạt sau khi Luật được thông qua, ông Bùi Sỹ Lợi nêu, tại Nghị quyết của kỳ họp được thông qua trong chiều 14/6, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

Chưa có đề nghị nào về Luật liên quan đến vận động hành lang

Cũng liên quan đến luật Phòng chống tác hại rượu, bia, các nhà báo có nêu trong quá trình thảo luận có một vấn đề đặt ra là có sự vận động hành lang của doanh nghiệp với các đại biểu.

Tuy nhiên trước đó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định các doanh nghiệp có thể vận động được 1 vài đại biểu, chứ không thể vận động được 500 đại biểu. Điều này cho thấy có sự vận động nào đó diễn ra.

Việc vận động hành lang các chính sách để đưa vào văn bản luật là bình thường ở các nước. Vậy bây giờ chúng ta có nên xây dựng quy định hoặc xây dựng luật vận động hành lang trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật hay không? Bởi, chưa có quy định trong việc vận động hành lang khi xây dựng luật?

Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: “Nghiên cứu pháp luật của một số nước, tôi thấy rằng một số nước cũng có luật về vận động hành lang.

Sẽ tăng hình phạt với lái xe sử dụng rượu, bia
Sẽ tăng hình phạt với lái xe sử dụng rượu, bia

Tuy nhiên, quy trình của các nước khác nhau, phù hợp với tình hình thể chế chính trị, đặc điểm của từng nước.

Ở nước ta, trong luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định rõ những nội dung liên quan đến quy trình làm văn bản luật thế nào… Rất nhiều ý mang tính chất vận động đã được lồng ghép trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan tổ chức cá nhân…

Quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các đại biểu và thông qua tại Quốc hội cũng diễn ra công khai và đều phải lấy ý kiến của tất cả các cơ quan tổ chức liên quan.

Việc vận động chính sách ở các nước là một hình thức khác, còn ở Việt Nam chúng ta lấy ý kiến và hoàn thiện dự án luật trong quá trình soạn thảo, tiếp thu ý kiến của các tổ chức.

Hiện nay, cũng chưa có một kiến nghị, đề nghị nào liên quan đến việc cần phải có một dự án luật như vậy. Khi có kiến nghị thì các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét xem có nên ban hành luật như vậy hay không”.

Đỗ Thơm