Chuyên gia TQ: Mỹ tăng quân ở châu Phi để chặn Trung Quốc

12/01/2013 06:14
Việt Dũng (nguồn Bắc Kinh nhật báo, TQ)
(GDVN) - Trước sự can thiệp sâu vào châu Phi của Trung Quốc, Mỹ quyết định đẩy mạnh can thiệp bằng quân sự, một cuộc đua gây ảnh hưởng đang gia tăng.
Bộ phim "Black Hawk Down" của Hollywodd về trận chiến Mogadishu năm 1993 ở Somalia của quân Mỹ.
Bộ phim "Black Hawk Down" của Hollywodd về trận chiến Mogadishu năm 1993 ở Somalia của quân Mỹ.

Tờ “Bắc Kinh nhật báo” vừa đăng bài viết của Lý Đại Quang, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, năm 2013, Mỹ sẽ triển khai quân đội ở 35 quốc gia châu Phi để ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng của các tổ chức cực đoan địa phương.

Theo bài báo, Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ tăng thêm một lữ đoàn tác chiến 3.000 quân ở châu Phi vào năm 2013 sẽ là một bước đi của quân Mỹ trong việc thực hiện chiến lược châu Phi mới của Obama. Bài báo đặt nghi ngờ về ý đồ Mỹ đẩy nhanh triển khai quân sự ở châu Phi và “bàn ra tán vào” sự hiện diện quân sự này tác động gì đến châu Phi và bản thân Trung Quốc.

Năm 1993, quân Mỹ đã chịu nhiều thiệt hại trong cuộc chiến tranh ở Somalia, đã được Hollywood dựng thành phim. Sau đó, quân Mỹ đã không còn đóng quân ở châu Phi. Do tình hình quốc tế thay đổi, Mỹ bắt đầu xem xét lại vị thế của châu Phi trong chiến lược của họ.

Ứng phó với mối đe dọa khủng bố

Về nguyên nhân Mỹ triển khai quan đội ở châu Phi, trước tiên là mối đe dọa của các tổ chức cực đoan có liên quan đến tổ chức Al Qaeda tại một số khu vực châu Phi liên tục tăng lên, Mỹ hy vọng triển khai quân đội ở nước ngoài nhằm huấn luyện quân đội địa phương ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Quân Mỹ đào tạo Quân đội Mali.
Quân Mỹ đào tạo Quân đội Mali.

Hiện nay, quân Mỹ đã xây dựng căn cứ phản ứng nhanh và một mạng lưới tình báo được hợp thành bởi hơn 10 căn cứ không quân cỡ nhỏ tại châu Phi, mục đích là theo dõi các tổ chức khủng bố, tấn công cướp biển và bảo đảm an ninh cho các công ty dầu mỏ.

Tờ “Bưu điện Washington” tiết lộ, những căn cứ quân sự này do lực lượng đặc nhiệm quản lý, một trong những căn cứ quân sự có vị trí chiến lược quan trọng nhất được xây dựng ở khu quân sự sân bay quốc tế Ouagadougou, thủ đô của Burkina Faso.

Hơn 60 người Mỹ làm việc bí mật ở đây, phụ trách bảo dưỡng cho máy bay type PC-12 hoạt động trên bầu trời khu vực Sahel và sa mạc Sahara.

Tháng 3/2012, Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Phi quân Mỹ, tướng Carter Ham nhấn mạnh, quân Mỹ cần mở rộng khả năng “RSR”, tức là khả năng tình báo, theo dõi và trinh sát.

Thực ra, những căn cứ bí mật này hoàn toàn không chỉ giới hạn ở thu thập tin tức và tiến hành theo dõi. Mỹ còn triển khai máy bay không người lái như Predator, Reaper ở một số căn cứ, có thể triển khai ném bom “định điểm” xóa sổ kẻ thù bất cứ lúc nào.

Mỹ đã triển khai máy bay không người lái MQ-9 Reaper ở châu Phi
Mỹ đã triển khai máy bay không người lái MQ-9 Reaper ở châu Phi

Bảo đảm an ninh cung ứng năng lượng

Quân Mỹ đóng ở châu Phi có sứ mệnh không chỉ là để “chống khủng bố”, mà còn để thực hiện mục tiêu chiến lược sâu xa hơn như bảo đảm an toàn, thông suốt cho tuyến đường cung ứng năng lượng tại châu Phi. Về kinh tế, châu Phi đang trở thành khu vực tài nguyên chiến lược và cung ứng năng lượng ngày càng quan trọng của Mỹ.

Mỹ phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài về các tài nguyên chiến lược, Mỹ cho rằng, châu Phi có mối đe dọa ít hơn khu vực Trung Đông, vì vậy dự định triển khai ở đây.

Về chính trị, Mỹ cho rằng, Trung Quốc can thiệp vào châu Phi về kinh tế đã rất sâu, Mỹ hiện can thiệp vào châu Phi sẽ không thể thay thế Trung Quốc về kinh tế. Do đó, Mỹ tiến hành can thiệp về quân sự, mà sức mạnh quân sự là “sức mạnh cứng”, còn viện trợ kinh tế là “sức mạnh mềm”.

Máy bay không người lái Predator Mỹ, đã triển khai ở châu Phi
Máy bay không người lái Predator Mỹ, đã triển khai ở châu Phi

Trong tình hình kinh tế trong nước hiện rất nghiêm trọng, Mỹ điều quân đến châu Phi bề ngoài tuy không hề có lợi cho làm giảm tình trạng căng thẳng về tài chính, nhưng về lâu dài, có thể tận dụng ưu thế về quân sự của họ để thúc đẩy đầu tư tài nguyên, bảo đảm ưu thế của Mỹ trên các phương diện địa-chính trị và kinh tế trong tương lai.

Ngăn chặn sự thâm nhập của Trung Quốc

Bắt đầu từ năm 2007, Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại chủ yếu nhất của châu Phi. Tại diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi tháng 7/2012, phía Trung Quốc cam kết cung cấp khoản vay 20 tỷ USD cho châu Phi, tập trung hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, ngành chế tạo và doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Phi.

Cùng với bước tiến dài trong phát triển kinh tế, Trung Quốc không chỉ là đối thủ cạnh tranh quyết liệt của các nước phát triển trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, mà còn cướp đi “thương mại độc quyền” truyền thống của rất nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ.

Trung Quốc đẩy mạnh thâm nhập vào châu Phi về kinh tế, trong đó cũng chú trọng xuất khẩu các loại vũ khí trang bị để kiếm tiềm. Trong hình là xe tăng chiến đấu Type 96 mà Trung Quốc xuất khẩu cho Sudan.
Trung Quốc đẩy mạnh thâm nhập vào châu Phi về kinh tế, trong đó cũng chú trọng xuất khẩu các loại vũ khí trang bị để kiếm tiềm. Trong hình là xe tăng chiến đấu Type 96 mà Trung Quốc xuất khẩu cho Sudan.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nhiều lần đến thăm châu Phi và phát biểu về chính sách, đồng thời chỉ trích Trung Quốc “cho vay và đầu tư để đổi lấy tài nguyên”.

Tháng 6/2012, Mỹ công bố chiến lược mới đối với “châu Phi nam Sahara”, chủ yếu tập trung vào tăng cường xây dựng bộ máy dân chủ ở châu Phi; thúc đẩy kinh tế châu Phi tăng trưởng, phát triển thương mại và đầu tư; thúc đẩy hòa bình và an ninh của châu Phi; thúc đẩy các cơ hội ở châu Phi và phát triển 4 phương diện, không ngừng truyền đi lập trường và quyết tâm của Mỹ trong việc ủng hộ và thúc đẩy dân chủ ở châu Phi.

Việt Dũng (nguồn Bắc Kinh nhật báo, TQ)