Có mấy ông Đinh La Thăng?

03/11/2011 07:10
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - “Nếu "ông Thăng đột phá" làm được như ông Kim Ngọc, dù chỉ làm trong lĩnh vực GTVT thì đất nước này sẽ có một diện mạo khác hẳn…”.
Có mấy ông Đinh La Thăng?
Từ khi mới nhậm chức đến nay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã có nhiều quyết định táo bạo như "vi hành" bằng xe buýt, "trảm tướng" Ban quản lý Dự án Cảng hàng không Quốc tế ở sân bay Đà Nẵng, cấm cán bộ chủ chốt nghành GTVT chơi golf,… Nhiều người cho rằng ông Thăng đã làm sai quy định nhưng ông Thăng cho rằng đó là quy định nội bộ nên chẳng có gì sai. Vậy thì ai đúng?
Cuộc tranh luận vẫn đang sôi nổi từ mặt báo đến các mạng xã hội, từ buổi sáng cà phê đến mờ tối lai rai... Mỗi người đều có góc nhìn riêng của mình.  Nhưng không phải vô cớ mà dư luận ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng. 
Bộ trưởng được người ta gọi là “luồng gió mới” là “hiện tượng Đinh La Thăng”. Không chỉ như thế, người dân chờ đợi nhiều hơn nữa ở vị “bộ trưởng hành động”, “bộ trưởng vì dân”. Cái tên Đinh La Thăng trở nên nóng hơn bao giờ hết trên các mặt báo. Có người đặt vấn đề: Có mấy ông Đinh La Thăng trên Tuần Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng
Theo đó, “nếu xét về mức độ quan hệ công chúng (PR), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm rất thành công khi công việc, hình ảnh của ông xuất hiện nhiều hơn bất kỳ sự kiện giải trí, bất kỳ ngôi sao nào ở Việt Nam. Người viết cũng mạo muội đánh giá có một "ông Thăng PR" đang thăng hoa rất nhanh chỉ trong hai tháng nhậm chức.
Nhưng tôi chờ nhiều hơn ở một "ông Thăng đột phá"!
Trao đổi với phó giám đốc một công ty xây dựng lớn khu vực phía Nam, thuộc Bộ GTVT (xin giấu tên) thì ông này cho rằng bộ trưởng đang "thử gân" một số người. Vị này nhận xét: "Tiến sĩ Trần Đình Bá thuộc hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam có viết bài trên một tờ báo mạng về việc vì sao Bộ trưởng Thăng cấm chơi golf một cách chính xác.
Đó là vì có những cán bộ mê sân golf hơn sân bay, muốn làm sân golf sát sân bay, trong sân bay cho bằng được. Và những cán bộ đó có chức, có quyền không nhỏ trong Bộ GTVT mới dám có những đề xuất, quyết định một cách "đầy tinh thần yêu thể thao" như vậy.
Ông Thăng ghi dấu một số biểu hiện đột phá bằng cách dám nói, dám làm. Nhưng một cán bộ tốt thì cần hội tụ "biết nghĩ, dám nói, dám làm và làm trúng". Tôi không dám đánh giá "ông Thăng biết nghĩ" ra sao nhưng nếu "ông Thăng đột phá" làm được như ông Kim Ngọc- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ), dù chỉ làm trong lĩnh vực vận tải của ông thôi thì đất nước này sẽ có một diện mạo khác hẳn, người dân cảm ơn ông lắm lắm.
Và tôi chờ đợi ở tương lai có một "ông Thăng làm trúng"...
Ông Thăng mới lên chức Bộ trưởng Bộ GTVT, thông qua việc ra văn bản yêu cầu cán bộ thuộc ngành GTVT không chơi golf là để "thử" nhóm người có chức, có quyền đó thôi. Bản thân các cán bộ cỡ đó mà ông Thăng không quản được thì hy vọng gì vực dậy nền giao thông?
Vụ cách chức Trưởng Ban quản lý Dự án Cảng hàng không Quốc tế ở Đà Nẵng cũng vậy, ông Thăng nói cách chức là cách chức được thì những tay vô trách nhiệm mới sợ chớ. Ít nhất là khi ông bộ trưởng mới còn... chưa hết nhiệm kỳ.

Có một Đinh La Thăng với bản lĩnh ”tư lệnh”

Đến nay, ông Đinh La Thăng mới đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT được gần 3 tháng. Nhưng những việc ông chỉ đạo thực hiện đã thể hiện rõ bản lĩnh chỉ huy của một “Tư lệnh” ngành. Lời nói và việc làm quyết liệt của ông thể hiện tư duy, hành động của một đội ngũ cán bộ quản lý mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thông tin được đăng tải trên Công an nhân dân.
Bộ trưởng Thăng gặp gỡ công nhân khi thăm công trình trọng điểm
Bộ trưởng Thăng gặp gỡ công nhân khi thăm công trình trọng điểm
“Tư lệnh” là cách nói của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đối với các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Tôi vẫn nhớ rất rõ hôm Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn, tân Bộ trưởng Đinh La Thăng nói về cái ghế sẽ đảm nhiệm của mình “đã ngồi đâu mà biết ghế Bộ trưởng Giao thông vận tải nóng hay không nóng”. Câu trả lời rất thực và cá tính ấy đã gieo vào giới báo chí một niềm tin.
Thoắt cái, giờ gần 3 tháng rồi. 3 tháng sẽ rất ngắn nếu chỉ mới sửa sang ghế thôi. Nhưng 3 tháng lại khá dài với dang dở công việc. “3 tháng, chắc đã cảm nhận độ nóng của ghế”? Tuy vậy, Bộ trưởng chỉ nói ngắn gọn với một số phóng viên “cũng chưa nóng lắm đâu” rồi bước vào hội trường tiếp tục phiên thảo luận.
Mấy hôm nay bàn về phương án chỉnh giờ, công chức lo lắng chuyện đón con. Nhưng đã có ai đặt vấn đề rộng hơn, cao hơn bánh xe con cái trước cổng trường, đã có ai nhìn cảnh hàng vạn công nhân vẫn tất bật đi làm đúng giờ mà không có kêu ca chuyện đón con? Phải hy sinh lợi ích nhỏ vì lợi ích toàn cục, phải chịu thiệt thòi lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng, điều đó được các đại biểu Quốc hội nhìn nhận ở tầng nấc sâu hơn.

Chuyện thay đổi giờ làm việc cũng giống như các phản ứng hồi chuẩn bị bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Chính Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng, giải pháp chỉnh giờ hoàn toàn không mới, vì thực chất người ta cũng đã bàn cả chục năm nay rồi. Cái mới, theo chúng tôi, đó là mới về hành động.

Nếu gặp vướng vì dư luận mà dừng, gác hồ sơ vào tủ thì bao giờ mới gỡ được rối? “Làm việc khó càng phải cần sự đồng thuận chứ nếu đưa ra một giải pháp mà cứ dừng lại thì làm sao thực hiện được, tất nhiên mọi chuyện phải đồng bộ, phải khoa học” - Bộ trưởng bày tỏ với báo giới.
“Đây là hành động đột phá, dám đi đầu của Bộ trưởng và cần được khuyến khích. Những cái tên như Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình... đã trở thành hiện tượng của những Bộ trưởng trẻ dám nói, dám làm, chúng ta cần cổ vũ những Bộ trưởng hành động hợp lòng dân như vậy” - ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bày tỏ quan điểm với báo giới.
Nhớ ngày đầu được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng, ông Đinh La Thăng bày tỏ điều nhiều người nghĩ nhưng hiếm khi nói “là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận là phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được”.

Câu nói của tân Bộ trưởng đã thể hiện tư duy và tầm nhìn mới. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, người từng ghi dấu ấn với 3 nhiệm kỳ Quốc hội khi trả lời phỏng vấn báo chí đã bổ sung ý này như sau: “Trên chiến trường thắng hay thua đều phụ thuộc vào những vị tướng khi xung trận, vậy thì trong thời nay mỗi Bộ trưởng cũng có vai trò tương tự như vậy, cho nên tôi mong mỗi Bộ trưởng phải là một dũng tướng trên sa trường. Thủ tướng điều hành Chính phủ ở tầm vĩ mô chứ không thể nắm tay chỉ cho các Bộ trưởng từng việc được, mà các Bộ trưởng phải phát huy tính chủ động sáng tạo của mình”.
Trên góc nhìn sử học, ông Dương Trung Quốc cho biết, ông đã theo dõi sự “ăn nhập” giữa nói và làm của người đứng đầu ngành Giao thông vận tải và khi Bộ trưởng “trảm tướng” ngay tại sân bay, tức là thể hiện trách nhiệm cá nhân rất rõ. “Tôi rất thích những con người có cá tính. Tôi nghĩ rằng thay vì thái độ "hãy đợi đấy", "chờ xem sao", chúng ta hãy ủng hộ những nhân tố mới”. 
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Cao Sĩ Kiêm chia sẻ: “Trong Chính phủ mới có nhiều Bộ trưởng trẻ, có nhiều dự định, quyết tâm và họ đã thể hiện những điều đó bằng hành động. Đây là điều mới, vì nhiều Bộ trưởng khi mới về nhậm chức thường phải đợi khoảng một năm để nắm tình hình rồi mới đi đến quyết định. Tuy nhiên, trong tình hình nhiều vấn đề bức xúc như hiện nay, nếu cứ như thế sẽ tạo sức ì mới. Tôi rất hoan nghênh và ấn tượng với các hành động gần đây của một số Bộ trưởng”.
Hải Hà (tổng hợp)