Con kêu đói, huyện An Dương xác nhận có bớt xén nhưng trường chỉ rút kinh nghiệm

18/11/2017 07:11
Đỗ Hoàng - Lại Cường
(GDVN) - Mặc dù xác định bữa ăn có dấu hiệu bị bớt xén nhưng Ủy ban nhân dân huyện An Dương không làm rõ số tiền bị bớt xén là bao nhiêu, chỉ yêu cầu... rút kinh nghiệm

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, Trường tiểu học An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) thời gian gần đây bị các vị phụ huynh tố cáo trong việc thu chi bất hợp lý, đặc biệt bữa ăn của các con có dấu hiệu bị bớt xén. 

Đây là điều được coi là hết sức nghiêm trọng bởi các thầy các cô được coi là cha là mẹ các con, lẽ thường, cha mẹ là những người bớt ăn cho các con, nay nhà trường bị phát hiện ăn bớt bữa ăn của các con nên các vị phụ huynh hết sức bức xúc.

Ngày 16/11, Uỷ ban nhân dân huyện An Dương đã ra thông báo về kết quả kiểm tra nghi vấn lạm thu, bớt xén tiền ăn tại Trường tiểu học An Dương sau khi báo chí thông tin.

Ăn bớt cơm của các con xong... rút kinh nghiệm?

Theo đó, Uỷ ban nhân dân huyện An Dương xác định tại Trường tiểu học An Dương có tới 197 học sinh lớp 1 đã phải mua bảo hiểm toàn diện 5 năm với mức 500 nghìn đồng/ học sinh.

Về bữa ăn của học sinh nghi bị bớt xén, Uỷ ban nhân dân huyện An Dương thừa nhận có tình trạng “để dương khẩu phần ăn hàng ngày”, tức tiền ăn của học sinh đã bị cắt xén.

Theo quy định, khi phát hiện dấu hiệu nhập nhèm về tài chính, đáng lẽ phải làm rõ khẩu phần ăn của học sinh bị cắt xén là bao nhiêu nhưng cơ quan chức năng huyện An Dương không làm rõ số tiền này.

Huyện An Dương chỉ yêu cầu Trường tiểu học An Dương nghiêm túc rút kinh nghiệm, áp dụng đúng quy định về tổ chức bếp ăn cho học sinh bán trú, xem xét lại khẩu phần ăn của các cháu. Trường tiểu học An Dương cũng chỉ bị nhắc nhở “phải chi hết cho học sinh trong ngày, trường hợp còn dư phải được bù và cân đối ngay trong tuần”.

Theo phản ánh của một số phụ huynh, số tiền ăn của học sinh (23 nghìn đồng/học sinh/ngày), trong đó tiền ăn bữa chính 16.600 đồng của 450 học sinh ăn bán trú tại trường đã có dấu hiệu bị bớt xén.

Theo tài liệu mà phụ huynh cung cấp, trong tháng 8 có ít nhất bốn ngày tiền ăn bữa chính của học sinh đã không được trường chi đủ. Trong đó, cao nhất là ngày 23/8, với 449 học sinh ăn bán trú, đáng lẽ số tiền chi cho bữa chính phải là hơn 7,4 triệu đồng (449 học sinh x 16.600 đồng) nhưng trường chỉ chi hơn 5,4 triệu đồng, còn dư hơn 2 triệu đồng được “để dương”.

Bớt xén bữa ăn của các con, nhà trường chỉ phải rút kinh nghiệm? (Ảnh: phụ huynh học sinh cung cấp)
Bớt xén bữa ăn của các con, nhà trường chỉ phải rút kinh nghiệm? (Ảnh: phụ huynh học sinh cung cấp)

Tương tự, trong hai tháng 9 và 10, có nhiều ngày số tiền ăn bán trú của học sinh bị trường “để dương”, trong đó, không ít ngày số tiền dư lên tới hơn 2 triệu đồng. Theo tính toán của phụ huynh, tổng số tiền ăn của học sinh bị trường “để dương” trong ba tháng của năm học 2017-2018 (từ tháng 8 đến tháng 10) lên tới con số hơn 30 triệu đồng.

Ngoài số tiền ăn “để dương”, phụ huynh cũng cho rằng thực phẩm mà Trường tiểu học An Dương mua còn có dấu hiệu bị “thổi giá” bởi so sánh với giá bán của các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch, các loại thực phẩm trường mua đều cao hơn khá nhiều.

Cụ thể, thịt gà ta phi lê (đã tách xương) của các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch chỉ dao động ở mức 110-130 nghìn đồng/kg nhưng Trưởng tiểu học An Dương mua với mức giá 200 nghìn đồng/kg. Các loại thịt lợn, thịt bò, cua xay, tôm bóc cũng cao hơn giá các doanh nghiệp thực phẩm sạch chào bán từ vài chục tới cả trăm nghìn đồng/kg.

Tương tự, các loại quả như rau ngót, su su, hành khô, tỏi khô, rau cải cũng đều cao hơn từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với giá của các doanh nghiệp thực phẩm khác cung cấp.

Các vị phụ huynh ngay sau đó có đặt câu hỏi liệu có hay không việc bắt tay giữa Ban giám hiệu nhà trường và Công ty cung ứng thực phẩm để thổi giá thực phẩm?

Ngoài tiền ăn bị bớt xén, phụ huynh còn hồ nghi số tiền phụ phí phục vụ bếp ăn trường thu của mỗi học sinh 170 nghìn đồng/ tháng (135 nghìn tiền chăm sóc bán trú, 35 nghìn phụ phí chất đốt) cũng đã bị xà xẻo. Với khoảng 450 học sinh ăn bán trú, mỗi tháng trường thu hơn 76 triệu phụ phí này.

Trong khi đó, theo phụ huynh học sinh, mỗi tháng trường chỉ trả thù lao thực tế cho 5 người nấu bếp, 9 thầy cô trông trưa, thủ quỹ, kế toán bán trú tổng cộng chưa đầy 35 triệu. Chi phí mua gas, giấy ăn… cùng lắm là 4 triệu đồng.

Như vậy, chi phí phục vụ bếp ăn bán trú mỗi tháng chưa tới 40 triệu đồng, còn lại hơn 36 triệu đồng không biết trường đã chi đi đâu. Phụ huynh cho rằng cơ quan chức năng huyện An Dương cần làm rõ số tiền chi phí phục vụ bếp ăn còn dư trong 3 tháng qua (tháng 8, 9 và 10/2017) lên tới cả trăm triệu đồng có được “giải ngân” đúng nguyên tắc tài chính không.

Trước đó, trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh các nghi vấn bớt xén khẩu phần ăn của học sinh, bà Đỗ Thị Thanh Đượm, Hiệu trưởng Tiểu học An Dương, cho rằng toàn bộ số tiền ăn bán trú của học sinh đã được trường chi hết.

Đồng thời bà Đượm cũng thông tin rằng Ban giám hiệu nhà trường hoàn toàn tin tưởng vào báo giá của công ty cung cấp thực phẩm.

Bà Đượm cũng cho rằng giá thực phẩm trường mua căn cứ theo giá mà doanh nghiệp cung cấp chào, bà không biết được giá đó cao không bởi việc khảo giá do kế toán thực hiện.

Theo bà Đượm, số tiền chăm sóc bán trú có 30% được trường chi cho hỗ trợ điện nước. Tuy nhiên, theo quy định, tiền chi cho điện nước của các trường được lấy từ quỹ hỗ trợ giáo dục, chứ không được lấy từ tiền chăm sóc bán trú.

Bảo hiểm cứ thu, sai trả lại, tiền trái tuyến bị bỏ qua

Cũng theo kết luận của Ủy ban nhân dân huyện An Dương, Nhà trường cho phép công ty Công ty Bảo hiểm Dầu khí trực toeeps tư vấn cho phụ huynh học sinh, triển khai từ đầu tháng 6/2017. Đến nay đã có 197 học sinh lớp 1 tham gia mua bảo hiểm toàn diện (5 năm)x 500.000 đồng/học sinh = 98.500.000 đồng.

Tuy nhiên, qua xem xét các văn bản, tài liệu Công ty Bảo hiểm Dầu khí không có văn bản nêu về các điều khoản đảm bảo quyền lợi cho người tham gia mua bảo hiểm 5 năm; trong quá trình Công ty Bảo hiểm phối hợp với nhà trường đã không báo cáo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương và địa phương.

Kết luận của Ủy ban nhân dân huyện An Dương khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng (Ảnh chụp từ cổng thông tin điện tử huyện An Dương)
Kết luận của Ủy ban nhân dân huyện An Dương khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng (Ảnh chụp từ cổng thông tin điện tử huyện An Dương)

Theo kết luận này, nhà trường và doanh nghiệp đã qua mặt cả cơ quan quản lý chuyên môn là phòng Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý hành chính là địa phương tự ý triển khai  việc thu bảo hiểm 5 năm.

Việc qua mặt này của Ban giám hiệu nhà trường không được đề cập đến trong kết luận mà chỉ đề nghị Công ty bảo hiểm có trách nhiệm trả lại số tiền cho phụ huynh học sinh khi các phụ huynh học sinh không có nhu cầu mua bảo hiểm và phải thông báo rộng rãi; vận động tuyên truyền khi phối hợp với nhà trường tuyên truyền vận động tham gia bảo hiểm.

Việc thu tiền trái tuyến, dù bà Đượm phủ nhận việc phụ huynh phải đóng tiền trái tuyến với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhưng trong kết luận của Ủy ban nhân dân huyện An Dương không nhắc đến việc này.

Sau buổi làm việc với đại diện của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương, nhiều vị phụ huynh có phản ánh tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng họ đã phản ánh đầy đủ với đại diện của ngành quản lý giáo dục của huyện. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì trong kết luận của Ủy ban nhân dân huyện An Dương không nhắc tới vấn đề này.

Theo phản ánh, năm nay Trường tiểu học An Dương có đến 50 học sinh trái tuyến, mỗi học sinh phải đóng 5 triệu đồng, tổng số tiền lên đến 250 triệu đồng. Số tiền này đi đâu, làm gì, không được Ủy ban nhân dân huyện An Dương kết luận.

Đỗ Hoàng - Lại Cường