Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư phản ánh của một số phụ huynh có con học tại trường Tiểu học thị trấn An Dương (Huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng) nghi ngờ bữa ăn bán trú của các con có dấu hiệu bị ăn bớt.
Cùng với đó, các vị phụ huynh cũng tố việc nhà trường thu chi không rõ ràng trong việc đóng góp các quỹ gọi là “tự nguyện” ở trường này.
Cơm con ăn quá nghèo nàn
Trong đơn phản ánh gửi các cơ quan báo chí, truyền thông, các vị phụ huynh cho rằng trong năm học 2017 – 2018, Trường Tiểu học An Dương tổ chức ăn bán trú cho khoảng 450- 470 học sinh, với 23.000 đ/suất ăn.
Ngoài số tiền phải đóng 23.000đ/ suất ăn ra theo phản ánh, phụ còn phải đóng thêm 135.000đ/học sinh/tháng tiền chăm sóc bán trú và 35.000đ/học sinh /tháng tiền phụ phí.
Theo các vị phụ huynh thì “đây không phải là số tiền nhỏ. Vậy mà ngày nào các con về nhà cũng kêu “đói” với bố mẹ vì không đủ thức ăn để ăn hết cơm”.
“Cảm thấy bức xúc, chúng tôi đã nhiều lần đến tận phòng ăn để quan sát và thậm chí còn chụp lại ảnh các khay cơm trong rất nhiều ngày liên tục nhưng vẫn thấy không có gì thay đổi.
Giá trị thực của mỗi khay cơm mà các cháu ăn luôn không tương xứng với số tiền mà phụ huynh chúng tôi bỏ ra”. Phụ huynh bức xúc bày tỏ trong đơn gửi báo.
Suất ăn cho các con học sinh trường tiểu học bị đánh giá là quá nghèo nàn. (Ảnh phụ huynh học sinh cung cấp) |
Đi kèm với đơn kiến nghị, các vị phụ huynh còn gửi kèm theo rất nhiều tài liệu như hóa đơn, ảnh chụp các bữa ăn…
Theo các hình ảnh mà phụ huynh học sinh gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, mỗi suất cơm tuy được định giá là 16.000 đồng (mức chi tiêu ở khu vực ngoại thành) nhưng có rất ít thức ăn.
Không chỉ phản ánh về suất ăn của các con có dấu hiệu ăn bớt, các vị phụ huynh còn tố hàng loạt khoản thu khuất tât của trường Tiểu học An Dương.
Trong các khoản thu mà các vị phụ huynh nêu ra có khoản thu bảo hiểm toàn diện lên đến 5 năm liền.
Bên cạnh đó, các vị phụ huynh còn chỉ ra việc nhà trường còn nợ tiền của phụ huynh. Theo đề án số 2856/ĐA-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng chỉ đạo việc dừng thu tiền học buổi 2 từ ngày 1/1/2017; nếu trường nào đã thu thì trả lại phụ huynh.
Việc này cũng có sự chỉ đạo của Phòng giáo dục và đào tạo; và kho bạc nhà nước huyện An Dương cũng đã trả lại số tiền đã nộp về nhà trường.
Đến nay trường Tiểu học An Dương chưa trả lại phụ huynh.
Cách trả lời “rất lạ” của hiệu trưởng nhà trường
Để làm rõ những thông tin liên quan đến việc phụ huynh phảnh ánh, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với bà Đỗ Thị Thanh Đượm – Hiệu trưởng trường Tiểu học An Dương.
Nói về tiền ăn của các con, bà Đượm cho biết, “tiền ăn bán trú nhà trường hiện đang thu là 23.000 đồng/ngày cho các con ăn 2 bữa.
Bữa phụ là sữa với giá là 6.400 đồng. Số tiền còn lại dùng cho bữa ăn chính. Bữa ăn trưa của các cháu là khoảng 16.600 đồng.
Thực đơn bữa chính của các cháu gồm 3 loại thực phẩm và 4 loại rau củ quả, cuối bữa ăn có hoa quả tráng miệng.
Các loại thực phẩm và sữa đều được nhà trường lấy từ các công ty đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc pháp lý của các công ty cung cấp.
Ngoài ra bà Đượm cũng nêu các tiền phụ phí mà phụ huynh đã phản ánh. Các số liệu bà Đượm đưa ra trùng khớp với các số liệu trong đơn mà phụ huynh gửi đến cơ quan báo chí.
Khi được hỏi, việc chi tiêu tền ăn có dư hay không, bà Đượm khẳng định việc thu chi được thực hiện đầy đủ cho các con.
Khi phóng viên cho bà Đượm xem một số hình ảnh mà phụ huynh cung cấp để vị hiệu trưởng này xác minh xem có phải ở học sinh trong trường và được chụp tại trường hay không.
Với một số hình ảnh đầu tiên, bà Đượm cho biết “có thể là học sinh trong trường hoặc không bởi nhiều trường trong huyện An Dương cũng có khay ăn và đồng phục màu vàng như trường tiểu học An Dương.”
Báo giá của công ty giao nhận thực phẩm (Ảnh: phụ huynh học sinh cung cấp) |
Khi phóng viên cho xem hình ảnh một học sinh trước khay cơm có rất ít thức ăn, bà Đượm cho rằng “Đồng phục của nhà trường có màu vàng và có lô gô trước ngực”. Và bà Đượm xác nhận đó là học sinh của trường tiểu học An Dương.
Theo phụ huynh học sinh cung cấp thì hình ảnh được chụp vào ngày 30/10/2017.
Thế nhưng, khẳng định thực đơn được lưu lại hàng ngày và công khai, nhưng khi phóng viên muốn xem thực đơn ngày 30/10, bà Đượm cho biết cô kế toán, người giữ thực đơn nghỉ do con ốm nên không thể cung cấp thực đơn.
Thông tin từ phía bà Đượm cho thấy, tất cả việc giao nhận thực phẩm đều là người trong trường thực hiện, không có sự hiện diện của ban cha mẹ học sinh hay của bất kỳ phụ huynh nào.
Thu chi quá nhiều tại trường tiểu học Hồng Thái, lỗi tại hội phụ huynh? |
“Hàng ngày không có phụ huynh nào vào đây cả”. Bà Đượm cho biết. “Việc đó là do nhà trường làm. Nhà trường chịu trách nhiệm về nuôi dưỡng học sinh tại nhà trường”.
Cũng giống như trong đơn kiến nghị có nêu: “Cô Hà nhân viên kế toán (nhân viên hợp đồng) của trường lại kiêm luôn chức Kế toán ăn bán trú. Đây rõ ràng là điều khá lạ với cung cách tổ chức bếp ăn bán trú tại trường tiểu học An Dương.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc bữa ăn như vậy có xứng đáng với số tiền 16.600 đồng hay không bà Đượm từ chối không bình luận.
Nói về việc giao nhận thực phẩm hàng ngày, bà Đượm cho biết, tất cả những việc đó tất cả phụ huynh nhờ nhà trường làm hộ hết.
Nói về thực hiện giá cả, bà Đượm cho biết, giá cả phụ thuộc vào bảng báo giá của công ty thực phẩm. Nếu có biến đổi gì công ty sẽ báo lại với nhà trường.
Khi được hỏi giá cả có biến đổi theo thị trường hay không, bà Đượm không khẳng định vì bà Đượm ít đi chợ nên không biết giá cả thị trường thay đổi ra sao. “Ở đây nhà trường chỉ biết công ty báo giá như thế nào thì nhà trường thực hiện theo giá đó.” Bà Đượm cho biết.
Phóng viên nêu thắc mắc giả sử công ty báo giá cao gấp rưỡi thị trường nhưng nhà trường vẫn chấp nhận? Bà Đượm cho rằng việc quản lý giá thế nào do người trong tổ bếp ăn quản lý sẽ giám sát việc đó.
Nói về việc học sinh trái tuyến “tự nguyện” ủng hộ 5.000.000 đồng, bà Đượm khẳng định không có chuyện đó. Nhà trường chưa thu của phụ huynh trái tuyến nào cả.
Điều này khác hẳn với những thông tin mà phụ huynh cung cấp cho phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Về một số loại quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với nhà trường xây dựng kế hoạch thu, chi, triển khai thu và mức thu quỹ ủng hộ không ‘cào bằng’ và do phụ huynh tự nguyện đóng góp, ủng hộ.
Việc trả lại tiền bà Đượm cho biết đó là việc của hiệu trưởng trước nên bà từ chối trả lời.
Việc mua bảo hiểm toàn diện 5 năm liền đối với học sinh lớp 1, nhà trường chỉ tuyên truyền, giải thích để phụ huynh hiểu quyền lợi khi mua loại bảo hiểm này, phụ huynh nào đồng ý thì mua chứ không ép buộc.
Đồng thời, bà Đượm khẳng định, việc mua bảo hiểm toàn diện 5 năm liền đối với học sinh khối 1 không vi phạm quy định của ngành giáo dục và của pháp luật.
Khuôn viên trường Tiểu học thị trấn An Dương. (Ảnh: ĐH) |
Thông tin với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Tăng Thông – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương cho biết, Phòng chưa nhận được đơn phản ánh của phụ huynh nhưng thông qua một số ‘anh em’ phóng viên phản ánh, ông Thông đã yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường làm báo cáo về các khoản thu, chi đầu năm học 2017-2018.
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện An Dương (Hải Phòng) liên tục xảy ra việc kiến nghị về việc thu chi tại các trường học.
Trước đó trường tiểu học Hồng Thái, trường mầm non Đồng Thái và đặc biệt là trường tiểu học Đặng Cương đã xảy ra việc khiếu kiện kéo dài.
Đề nghị cơ quan chức năng, ngành giáo dục huyện An Dương cần làm rõ những thông tin từ phía phụ huynh trường tiểu học An Dương nêu để ổn định tình hình dư luận và quá trình học tập cho học sinh.