Cựu lính Gạc Ma: Chúng ta đang ở thời điểm gần giống 26 năm trước

15/05/2014 06:00
Nhất Định
(GDVN)- Với người lính Gạc Ma, những hành động của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng và âm mưu từ trước đó rất lâu.

Luôn sống trong tư tưởng nước lớn bắt chẹt nước bé

Với những người lính Gạc Ma, những ký ức năm nào khi bị Trung Quốc tấn công khi đang hoạt động trên vùng biển của mình sẽ mãi còn đó. Họ đã phải chứng kiến 64 đồng đội của mình hy sinh nên trong họ, ký ức về biển, đảo tổ quốc không  khi nào phai nhòa. 

Hơn ai hết những người lính đã từng đứng trước sự sống cái chết để bảo vệ biển, đảo tổ quốc luôn hiểu rằng sự bành trướng của Trung Quốc đã có từ lâu nay. Chính quyền của Trung Quốc đã có ý đồ xâm chiếm biển, đảo của Việt Nam với tư tưởng “nước lớn bắt chẹt nước bé” với những âm mưu đầy xảo quyệt. Hành động đưa giàn khoan 981 vào vùng lãnh hải Việt Nam mấy ngày qua càng khẳng định thêm cho những nhận định của họ.

Những người lính Gạc Ma năm xưa như ông Lê Hữu Thảo đều hiểu rõ rằng ý định xâm chiếm Biển Đông Việt Nam của chính quyền Trung Quốc đã chuẩn bị từ lâu.
Những người lính Gạc Ma năm xưa như ông Lê Hữu Thảo đều hiểu rõ rằng ý định xâm chiếm Biển Đông Việt Nam của chính quyền Trung Quốc đã chuẩn bị từ lâu.

Tháng 3/1988 chính quyền Trung Quốc lợi dụng tình hình Việt Nam đang ở đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Cũng trong thời điểm đó, Liên Xô cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội. Bắc Kinh cúi mình trước Washington, tự nhận là “NATO phương Đông” để nhận được nguồn tài chính và công nghệ, kỹ thuật từ Mỹ và phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa.

Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc cũng đã câu kết với Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực để siết chặt vòng bao vây, cấm vận đối với Việt Nam.Trước những lợi thế đó, chính quyền Trung Quốc đã liên tục tìm cách đánh chiếm một số đảo tại Trường Sa của Việt Nam để ôm về mình với mục đích sử dụng lâu dài.

Đỉnh điểm của sự xâm chiếm này là hành động ngày 14/3/1988 khi Trung Quốc dùng biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100mm, bắn chìm và làm cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn. Trong cuộc xâm chiếm với đầy mưu mô tại đảo Gạc Ma này, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh.

Người lính Gạc Ma năm xưa Phạm Xuân Trường cho rằng Trung Quốc luôn lợi dụng thời điểm hợp lý để xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam
Người lính Gạc Ma năm xưa Phạm Xuân Trường cho rằng Trung Quốc luôn lợi dụng thời điểm hợp lý để xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam

Sau sự kiện này, Trung Quốc viện lý do  tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ. Nhưng sau đó người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã nói rõ “không hề có tàu của Liên Hợp Quốc tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào 3/1988”. Vậy là hành động xâm chiếm với mưu đồ xảo trá của Trung Quốc đã bị vạch trần.

26 năm sau, chính quyền Trung Quốc lại ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính quyền Trung Quốc còn sử dụng hàng chục tàu hải cảnh, hải giám và cả tàu quân sự, máy bay để ngăn cấm, đâm, phun vòi rồng vào tàu lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ngay trên chính vùng biển của Việt Nam.

Theo những người lính Gạc Ma việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào lãnh hải biển Việt Nam để gây hấn đã được chuẩn bị với những âm mưu nham hiểm trước đó từ rất lâu
Theo những người lính Gạc Ma việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào lãnh hải biển Việt Nam để gây hấn đã được chuẩn bị với những âm mưu nham hiểm trước đó từ rất lâu

Đây là điểm nhạy cảm nên Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ để đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông của Việt Nam để gây áp lực với mưu đồ xâm chiếm thêm vùng biển, đảo của Việt Nam với mục đích sử dụng lâu dài.

“Mưu đồ xâm chiếm biển, đảo của Việt Nam để sử dụng lâu dài của chính quyền Trung Quốc đã có từ lâu. Nhưng Trung Quốc luôn chọn thời điểm để xâm chiếm với những mưu mô hết sức nham hiểm. Ngày xưa nhìn đồng đội tôi hy sinh vì sự nham hiểm này của Trung Quốc. Vì vậy những người lính như chúng tôi cũng đã nhận thấy từ trước đó sẽ có ngày Trung Quốc sẽ lại gây ra một lần xâm chiếm như vậy nữa. Vì vậy việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông Việt Nam đã được chuẩn bị kỹ càng từ lâu”, ông Lê Hữu Thảo (trú tại TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) một người lính tham gia trận thủy chiến Gạc Ma năm xưa nhận định.

Những người lính Gạc Ma cho rằng cần lấy biện pháp hòa bình và sự ủng hộ của dư luận quốc tế để giải quyết vấn đề giàn khoan 981. Không nên manh động, sẽ mắc phải những âm mưu nham hiểm của Trung Quốc
Những người lính Gạc Ma cho rằng cần lấy biện pháp hòa bình và sự ủng hộ của dư luận quốc tế để giải quyết vấn đề giàn khoan 981. Không nên manh động, sẽ mắc phải những âm mưu nham hiểm của Trung Quốc

“Trung Quốc luôn sống trong tư tưởng nước lớn bắt chẹt nước bé vì vậy việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông Việt Nam là có mưu đồ thôn tính biển, đảo nước ta. Không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc luôn nhòm ngó đến các khu vực biển, đảo của những nước nhỏ sống cạnh họ. Biển Đông của Việt Nam là tuyến đường biển nằm ở khu vực quan trọng không chỉ với nước ta mà cả với các nước trên thế giới nên Trung Quốc đã muốn xâm chiếm từ lâu. Trung Quốc là bậc thầy lợi dụng thời cơ nên mọi hành động của họ đều đã được tính toán kỹ càng”, ông Phạm Xuân Trường (trú tại xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) một người lính Gạc Ma năm xưa bày tỏ.

Nên xử lý vấn đề giàn khoan 981 bằng biện pháp hòa bình

Mặc dù nỗi căm hờn chính quyền Trung Quốc khi 26 năm trước họ đã chứng kiến 64 đồng đội của mình hy sinh vì bị Trung Quốc tấn công. Nhưng trước vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông của Việt Nam những người lính Gạc Ma năm xưa vẫn bình tĩnh cho rằng nên sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề này.

Theo những người lính Gạc Ma năm xưa thì họ đã từng được trực tiếp chứng kiến sự nham hiểm, mưu mô của chính quyền Trung Quốc. Vì vậy chính quyền và người dân Việt Nam cần tỉnh táo tránh mắc mưu của Trung Quốc.

Cuộc gặp mặt đầy cảm xúc của người lính Gạc Ma năm xưa đầy cảm xúc (ảnh nhân vật cung cấp)
Cuộc gặp mặt đầy cảm xúc của người lính Gạc Ma năm xưa đầy cảm xúc (ảnh nhân vật cung cấp)
Những người lính Gạc Ma luôn tin tưởng vào sự sáng suốt của Đảng chính phủ, nhà nước ta. Họ hiểu rằng nhà nước ta đang hết sức kiềm chế và đấu tranh bằng con đường ngoại giao như hiện nay là để tránh đưa cả dân tộc vào một cuộc chiến tranh tàn khốc.

Những người lính Gạc Ma năm xưa đã liên lạc với nhau, một số sử dụng các trang mạng cá nhân của mình để khuyến khích mọi người dân Việt Nam, trong đó có cả người thân của họ phải có những hành động đúng, không quá khích.

“Lúc này chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới, dư luận tiến bộ trong đất nước Trung Quốc và sự tỉnh táo đoàn kết mọi tầng lớp trong nước. Nên sử dụng tất cả mọi biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề giàn khoan 981. Chỉ đến bước đường cùng mới phải sử dụng đến vũ lực chiến tranh”, ông Lê Hữu Thảo nhận xét.

Cùng chung quan điểm đó ông Phạm Xuân Trường cho biết: “Sau khi xảy ra việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào biển Việt Nam tôi và các đồng đội Gạc Ma năm xưa đã liên lạc với nhau. Ai cũng uất hận và lên án mạnh mẽ sự bành trướng của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan vào biển Việt Nam. Nhưng tất cả đều cho rằng nên sử dụng mọi biện pháp hòa bình và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới để giải quyết vấn đề trên.

Như thế không hẳn là chịu thiệt thòi mà cái quan trọng là chúng ta có chính nghĩa, bằng chứng rõ rang về chủ quyền biển, đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa. Với những yếu tố đó nên chúng ta đang được nhiều bạn bè trên thế giới ủng hộ để lật mặt âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc.

Nhất Định