Đại tướng Võ Nguyên Giáp và niềm tin tất thắng

01/02/2014 07:19
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Vinh quang của Đại tướng gắn liền với sự nghiệp của cả dân tộc và cũng gắn liền với người thầy vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
LTS: Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đặt câu hỏi như một lời thắc mắc: Tại sao người thanh niên (Đại tướng – PV) hầu như chưa qua bất cứ một trường đào tạo về quân sự nào, chưa có kinh nghiệm chiến tranh lại trở thành người đứng đầu lực lượng vũ trang cách mạng? Hay nói cách khác, người ta đặt câu hỏi: Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn Võ Nguyên Giáp vào vị trí này? Đại tướng trả lời một câu rất thực, nhưng cũng rất khiêm nhường: “Câu hỏi này chỉ có Bác Hồ là người trả lời được thôi”… Nhân dịp đón xuân Giáp Ngọ, Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả chia sẻ của Nhà sử học Dương Trung Quốc về những thông tin thú vị trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng là nhà giáo, nhà báo, nhà cách mạng… 

Sau thời gian dài ở Huế, Võ Nguyên Giáp với sự trưởng thành, với sự khát khao muốn được học hỏi ông đã ra Hà Nội và ông đã theo học Khoa Luật của Trường Đại học Đông Dương. Đến năm 1934 ông tốt nghiệp, có thể thấy đó là 1 lớp cử nhân Luật rất sớm, tất nhiên so với ngày trước có nhiều lớp cử nhân nhưng có thể nói Võ Nguyên Giáp tham gia vào hệ thống đào tạo và trở thành cử nhân Luật vào một khúc quanh của Lịch sử rất quan trọng. 

Đại tướng đã từng là nhà báo, nhà giáo, trước khi trở thành một vị tướng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam.
Đại tướng đã từng là nhà báo, nhà giáo, trước khi trở thành một vị tướng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam.

Năm 1936, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở nước Pháp và sau đó ảnh hưởng lên chính sách thuộc địa của nước Pháp, cho nên ta có một giai đoạn là cao trào vận động dân chủ 1936-1939. Đó là cơ hội không phải chỉ có phong trào dân chủ trong nước nói chung mà kể cả những người cộng sản cũng vận dụng cuộc đấu tranh của mình trong một bối cảnh cho phép hoạt động công khai và vận động… ở thời điểm đó, Võ Nguyên Giáp trở thành một cây bút nổi tiếng của nhiều tờ báo hoặc bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Pháp là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản dưới nhiều hình thức để tham gia vào cuộc vận động công khai đó. Và lúc đó, Võ Nguyên Giáp gắn mình với nhiều hoạt động của những nhà cộng sản nổi tiếng như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

Kể những điều này để đặt ra một câu hỏi về mối quan hệ giữa Võ Nguyên Giáp với Bác Hồ. Có thể nói nếu đọc tiểu sử của hai nhân vật lớn này chưa hề biết nhau, cho đến tận năm 1940 chưa hề có một cuộc gặp gỡ nào. Cho nên các nhà sử học nước ngoài hay đặt câu hỏi: Tại sao, cơ sở nào mà Bác Hồ lại tin tưởng Võ Nguyên Giáp như thế, mặc dù hai người chưa có thời gian nào cộng sự với nhau, thậm chí biết đến nhau? Đương nhiên vào lúc đó nhiều thanh niên yêu nước đương thời đều biết đến tiếng tăm của Nguyễn Ái Quốc - đang trở thành một ngọn cờ, một tấm gương của người Việt Nam yêu nước hoạt động ở ngay trên nước Pháp, tham gia Đảng Cộng sản Pháp và hoạt động ở cộng sản quốc tế và đang trở thành một trong những đối tượng bị bộ máy thực dân đang khủng bố.

Còn nếu đặt ra câu hỏi tại sao Bác Hồ lại biết đến Võ Nguyên Giáp cũng rất thú vị. Một người quê Quảng Bình, một người quê Nghệ An, mà từ năm 1905 là Bác Hồ đã rời quê hương đi về Phương Nam. Tới năm 1911 lại đi ra nước ngoài và khi trở về thì ở cực Bắc. Vậy cái gì gắn kết hai người với nhau? Người làm sử đôi lúc như “cơ quan điều tra” tìm hiểu xem có mối liên hệ nào không?

Người nước ngoài khi nghiên cứu về các phong trào cách mạng hay các hội kín ở phương Đông người ta thường đưa ra hai yếu tố mà nó gắn kết với các thành viên tham gia các tổ chức ấy, những tổ chức phải hoạt động trong bối cảnh phải bí mật và luôn luôn bị đối phương đàn áp thì hai yếu tố là những mối quan hệ đồng hương, những mối quan hệ đồng tộc. Cả hai yếu tố dễ làm người ta tin nhau hơn. Tôi đến một nơi xa lạ tìm thấy một người cùng quê, chắc chắn là tin hơn rồi. Tôi thấy người cùng họ chắc là tin hơn rồi.Hoạt động bí mật đòi hỏi sự an toàn, sự trung thành, sự hiểu biết lẫn nhau. Những yếu tố đó thường chi phối vào tổ chức ở phương Đông. Đấy là nhận xét về nghề nghiệp của các nhà nghiên cứu.

Còn với phương Tây thì sao? Phương Tây không có các yếu tố ấy, nhưng đồng chí hướng và đồng môn thì gắn kết với nhau. Về phương Tây khi phân tích chính trị thì xem ông này có học cùng trường không? Có cùng ông thầy không? Có cùng khuynh hướng trong quá trình đào tạo hay không?

Bên cạnh đó, còn có một chi tiết thú vị khác trong cuộc đời Võ Nguyên Giáp. Trong giai đoạn hoạt động ở Huế, Đại tướng có quen bà Quang Thái là em gái ruột của bà Nguyễn Thị Minh Khai – một lãnh tụ nổi tiếng của phong trào cộng sản Việt Nam, quê ở ngoại thành Hà Nội. Bà Quang Thái là cộng sự của Võ Nguyên Giáp trong một số hoạt động đương thời và cuối cùng trở thành người vợ mà ông hết mực yêu thương. Trong khi bà Minh Khai hoạt động trong phong trào quốc tế cộng sản và thường xuyên được gặp Bác Hồ (khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc).

Từ đó đặt ra một giả thiết: Phải chăng đấy là những thông tin đầu tiên, đương nhiên quan trọng nhất phải là năng lực, cái thể hiện trong thực tiễn kể từ khi hai người gặp nhau vào năm 1940.

Trong hồi ức của mình, Đại tướng có kể lại, năm đó chiến tranh thế giới đã bùng nổ, mặt trận bình dân đã kết thúc, thời kỳ có môi trường để phát động dân chủ thì đã sang thời kỳ thực dân thẳng tay đàn áp, đặc biệt là phong trào cộng sản. Còn thời kỳ trước đó, chúng ta đều biết đến Võ Nguyên Giáp là một cây bút của một tờ báo cánh tả, tờ báo có liên hệ với Đảng cộng sản Đông Dương. Và đồng thời, trong luận án nghiên cứu, ông rất quan tâm đến vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế. Phải chăng vì thế sau này, trong tư duy kinh tế của Võ Nguyên Giáp ông không chỉ cầm quân đánh giặc mà còn có tư duy rất lớn trong xây dựng đất nước, nhất là thời kỳ ông là Phó Thủ tướng Phụ trách vấn đề giáo dục, văn hóa và khoa học công nghệ.

Họ “Võ” tên Văn”

Trở lại thời kỳ những năm 40, khi Võ Nguyên Giáp đang dạy sử ở trường Thăng Long, ngôi trường mà hiện nay vẫn hiện diện ở phố Hà Trung thì chiến tranh bùng nổ và ông lại tiếp tục dấn thân đi theo con đường cách mạng và lúc đó bắt đầu có mối liên hệ với Nguyễn Ái Quốc. Ở đây có một vấn đề lịch sử mà nó là nguồn gốc của nhiều  vấn đề sau này đó là cũng giống như thời kỳ Xô Viết – Nghệ Tĩnh, năm 1940 những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương phần lớn là những người được đào tạo ở nước Nga Xô Viết mà người ta hay nói đến Trung Ương ở Phía Nam như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập… là những người rất trung thành với quan điểm của quốc tế cộng sản cho nên cũng giống như thời kỳ 1930-1931 là đã tiến hành một cuộc bạo động non, một cuộc khởi nghĩa chưa chín muồi về thời cơ – Khởi nghĩa Nam kỳ.

Nó cũng giống như thời kỳ của Xô Viết – Nghệ Tĩnh là chí khí anh hùng rất lẫm liệt là “bên kia đạn sắt bên ta gan vàng”, nhưng kết quả là lực lượng bị tổn thương rất lớn. Cả Tổng Bí thư ở Hải ngoại là Lê Hồng Phong và vợ là Nguyễn Thị Minh Khai, cả Tổng Bí thư ở trong nước là Hà Huy Tập đều bị thực dân Pháp bắt và giết. Hầu như Trung ương bị tổn thất rất lớn và chính thời điểm đó là Nguyễn Ái Quốc về nước, phục hồi lực lượng và thành lập thường vụ trung ương.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến thăm lại Điện Biên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến thăm lại Điện Biên.

Để củng cố Trung ương lúc đó Nguyễn Ái Quốcc đang sống ở phía Nam Trung Quốc giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn Thụ về để móc nối, đưa cán bộ trong nước ra nước ngoài để huấn luyện. Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng cũng nằm trong đối tượng ấy và được Nguyễn Ái Quốc đưa sang Liễu Châu (Trung Quốc) và đấy là bước ngoặt lịch sử đối với Đại tướng của chúng ta.

Do tình hình thay đổi nhanh chóng, Võ Nguyên Giáp được đưa về nước chuẩn bị căn cứ địa cách mạng, đó là thời kỳ ông hoạt động ở các tỉnh biên giới Tây Bắc để chuẩn bị đón Bác Hồ về cùng với một số các vị lãnh đạo khác, cho nên đã thâm nhập vào thực tiễn của đời sống các đồng bào miền núi.

Đại tướng cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với đồng bào miền núi. Vì thế sau này người ta nói rằng, Võ Nguyên Giáp không phải là người thông thạo tiếng Pháp hay một vài ngoại ngữ khác mà ông là người rất hiểu biết và có thể nói với các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng phía Bắc và đấy là cơ sở để đến lúc là sự lựa chọn một người để xây dựng lực lượng vũ trang cho cách mạng.

Người ta nói đến một vài khả năng khác khi lựa chọn, nhưng sau này quyết định cuối cùng là năm 1944 thì Bác Hồ trao trách nhiệm cho Võ Nguyên Giáp. Bác đổi cả tên cho Võ Nguyên Giáp, không biết có chơi chữ hay ngẫu nhiên là họ Võ nhưng đặt tên Văn, hình như muốn nhấn mạnh ở đó cái sức mạnh của một dân tộc chính là văn hóa của nó. Và nhìn trong một chừng mực nào đó chiến tranh cũng là một phương thức văn hóa. 

Đó là bài học của ông cha ta, lấy chí nhân thay cường bạo. Sức mạnh của ông cha ta khi phải đương đầu với đế quốc lớn như quân Nguyên Mông, sức mạnh của chúng ta từ hai bàn tay trắng mà tiến hành cuộc kháng chiến chống Minh để lập ra nhà Lê là sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của tuyên truyền. Cho nên không phải tự nhiên Bác đặt tên như thế, đặt tên cho tổ chức và đặt tên cho người đứng đầu tổ chức ấy như là lời nhắc nhờ rằng sức mạnh vũ trang là vũ trang chính trị rồi mới đến vũ trang bạo lực.

Chúng ta thấy con đường phát triển của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đúng đi theo con đường như thế. Đội ngũ đầu tiên là những người nông dân, thậm chí là những người nông dân sống ở vùng quê rất hẻo lánh như đồng bảo thiểu số chỉ ít học nhưng giàu phẩm chất làm người, lòng trung thành, sự chân thật và ý chí rất lớn.

Võ Nguyên Giáp đã cùng 34 chiến sĩ đầu tiên để thành lập nên những hạt nhân mặc dù những trận đánh ở Phay Khắt và Nà Ngần mang tính biếu tượng nhiều hơn nhưng nó thể hiện được rất rõ là cách mạng đã có một đội quân chính trị và đã tạo được ra sức mạnh.

Cách mạng tháng 8 thành công, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Thời kỳ đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ là một nhân vật quan trọng nhất trong Chính phủ. Và hầu như tất cả những sắc lệnh lớn nhất thời kỳ đó đều do Võ Nguyên Giáp ký chứ không phải Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Thí dụ, sắc lệnh số 1 là bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám làm Chánh Văn Phòng của Bộ Nội vụ. Đến thời điểm chúng ta đã thành lập Chính Phủ, tổ chức Tổng tuyển cứ thì ngay sắc lệnh Tổng tuyển cử cũng do Võ Nguyên Giáp ký.
Nguyễn Hoàng