Đạo diễn "Ma làng" bàn về vụ Đoàn Văn Vươn

16/02/2012 12:25
Thảo Lăng
(GDVN) - Theo Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Đoàn Văn Vươn là điển hình nông dân thời kỳ Đổi mới.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội điện ảnh Việt Nam được biết đến là vị đạo diễn hàng đầu về đề tài người nông dân, nông thôn trong thời kỳ đổi mới với hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang như “Đất và người”, “Gió làng Kình”,  “Ma làng”…

Trăn trở với người nông dân, mới đây, vị đạo diễn nổi tiếng này đã có những chia sẻ "tận đáy lòng" với Giáo dục Việt Nam về vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng, Hải Phòng.

Hiện trường vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Hiện trường vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

Trong cuộc trao đổi với PV, Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm sự, ông là người có mối quan tâm đặc biệt với người nông dân Việt Nam. Do đó, ông đã theo dõi rất sát vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của hộ nhà Đoàn Văn Vươn.

"Đoàn Văn Vươn là điển hình nông dân thời kỳ Đổi mới. Bởi lẽ, anh này là một kỹ sư nông nghiệp, một người nông dân làm giàu bằng bàn tay và khối óc của mình. Do đó, đây là người nông dân có tri thức, xứng đáng nhận được sự tôn vinh, nể phục của mọi người", vị đạo diễn nhận định.

Trước khi có kết luận của Thủ tướng, nhiều cán bộ Hải Phòng đã có những phát ngôn mâu thuẫn về vụ cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trước khi có kết luận của Thủ tướng, nhiều cán bộ Hải Phòng đã có những phát ngôn mâu thuẫn về vụ cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

"Lẽ ra, chính quyền địa phương phải khuyến khích và nhân rộng mô hình làm kinh tế của ông Vươn để làm gương, đó mới là phát triển nông thôn mới. Nhưng với hành vi của chính quyền Tiên Lãng trong việc giao, quản lý và cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Vươn cho thấy dấu hiệu động cơ xuất phát từ những mưu đồ lợi lộc cá nhân. Có lẽ quyền lợi nhóm đã làm các vị này phủ nhận, thậm chí đạp đổ thành quả lao động chân chính của người nông dân", Đạo diễn Phần bày tỏ.

Theo ông Phần, hiện tượng Tiên Lãng vừa qua sẽ làm một vài người dân địa phương lầm tưởng rằng, thành quả cách mạng đang bị suy thoái. Bởi ở đây, rõ ràng, chính quyền Tiên Lãng đã lợi dụng uy thế lãnh đạo để “bắt nạt” người nông dân.

Nói về những phát ngôn trái ngược của các lãnh đạo TP. Hải Phòng, ông Phần cho rằng, đó là những lời nói hết sức huyên thuyên. "Có lẽ, đây là tâm lý chung của những người có lỗi. Khi đã phạm sai lầm, người ta thường phản ứng lại bằng cách chối tội, rũ sạch trách nhiệm. Và không có gì dễ bằng việc đổ lỗi cho số đông, cho nhân dân”, ông Phần nói.

Theo vị đạo diễn nổi tiếng, cần phải chỉnh đốn trong cách phát ngôn của các lãnh đạo Hải Phòng: "Nói phải có sách, mách có chứng.

Đạo điễn Nguyễn Hữu Phần
Đạo điễn Nguyễn Hữu Phần

Nếu nói “việc làm này được nhân dân hết sức ủng hộ” thì phải có bằng chứng là các điều tra xã hội học. Hay việc huyện Tiên Lãng nói không biết vụ nhà ông Quý bị phá, nếu không biết, thì chính quyền ở đây có còn là người bảo vệ của nhân dân hay không? Làm lãnh đạo, trước hết phải học bài học dám chịu trách nhiệm trước những sai phạm của mình. Trong vụ cưỡng chế hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn, chính quyền Tiên Lãng đã tỏ sự coi thường người dân".

Bàn thêm về việc phát huy dân chủ trong đời sống của người nông dân thời kỳ đổi mới, Đạo diễn Phần nói, vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng cho thấy việc phát huy dân chủ ở cơ sở còn kém. "Những tưởng sau năm 1990, với chính sách khoán 10, người nông dân sẽ thoát khỏi sự bắt nạt của những “ma làng”. Nhưng sự thật là “ma làng” vẫn chưa bị tận diệt, thậm chí còn đội lốt những cán bộ của dân".

 
Thảo Lăng